Thâu tóm doanh nghiệp Việt: Đại gia Thái thích 'nuốt' cá lớn

Sau những ồn ào vụ thâu tóm một số doanh nghiệp Việt Nam của Thái Lan, không khó để nhận ra rằng các đại gia nước bạn luôn nhắm tới những doanh nghiệp lớn, những cái tên vốn dĩ rất có tiếng ở nước ta.

Sự bão hòa của thị trường trong nước khiến các tập đoàn Thái Lan phải tìm kiếm cơ hội phát triển ở nước ngoài, nhất là thị trường Đông Nam Á. Đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam trong những năm gần đây, các ông lớn của Thái Lan đã nắm trong tay những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam về nhiều lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai như: Bán lẻ, nông nghiệp, vật liệu xây dựng và bia, đồ uống...

Năm 2017, ước tính tổng giá trị M&A (mua bán và sáp nhập) tại Việt Nam đạt trên 8 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Đáng nói là các thương vụ của doanh nghiệp Thái thâu tóm doanh nghiệp Việt luôn đi đầu, mà điển hình là ThaiBev của TCC Group mua lại cổ phần bia Sài Gòn (Sabeco) và gần đây là Nawaplastic - một thành viên của SCG chuyên sản xuất ống nhựa tại Thái Lan đã xác nhận hoàn tất mục tiêu nắm chi phối Nhựa Bình Minh.

Chuỗi siêu thị Metro thuộc Tập đoàn Metro của Đức đã được TCC Group Thái Lan mua lại 100%

“Thương vụ” của các ông lớn

Các tỷ phú, các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, trong đó nổi bật có SCG, TCC Group và Central Group. Năm 2016, các nhà đầu tư Thái Lan nổi lên với 3 thương vụ M&A đình đám, đó là: Central Group mua lại Big C, TCC Group hoàn tất mua Metro và Singha đầu tư vào Masan Consumer, Masan Brewery.

Tập đoàn SCG của Thái Lan là doanh nghiệp hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động đa ngành, trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực chính là hóa dầu, giấy, xi măng, vật liệu xây dựng và phân phối. SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992. Đến nay, tập đoàn này đã có trong tay hơn 20 thương vụ mua bán, sáp nhập.

Cuối năm 2012, SCG đã chi một khoản tiền lớn để thâu tóm Prime Group, công ty gạch men lớn nhất Việt Nam. Đến năm 2015, SCG hoàn tất mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) – 1 trong 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì. Năm 2017, SCG tiếp tục mua lại công ty Xi măng StarCemt từ phía Kusto Group. Đến đầu tháng 4/2018, Nawaplastic, một thành viên của SCG đã xác nhận nắm giữ vốn tại Nhựa Bình Minh.

Bên cạnh SCG thì TCC Group cũng là một cái tên “chịu chơi” không kém. TCC là một trong những tập đoàn đầu tư hàng đầu Thái Lan. Đây chính là tập đoàn đã thực hiện thương vụ mua lại hệ bán buôn Metro Cash & Carry Việt Nam và Phú Thái Group.

Đầu năm 2016, TCC đã hoàn tất việc mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam sau gần 2 năm theo đuổi và đổi tên thành Mega Market. Trước đó trong năm 2013, một thành viên khác trong TCC Group cũng đã mua lại cổ phần của Phú Thái Group - một doanh nghiệp có thế mạnh về phân phối, bán lẻ tại Việt Nam. Với việc nắm quyền kiểm soát tại Mega Market và Phú Thái Group, TCC đang ngày càng có được vị thế vững chắc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ tại Việt Nam.

Về lĩnh vực đồ uống, TCC Group cũng để lại dấu ấn lớn tại Việt Nam với thương vụ đầu tư vào Vinamilk, đến nay sở hữu lên đến hơn 19% cổ phần tại Vinamilk. Cuối năm 2017, doanh nghiệp bia hàng đầu Đông Nam Á ThaiBev thuộc tập đoàn TCC đã mua thành công 53,59% cổ phần của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trong mảng bất động sản, TCC sở hữu những dự án thương mại có hiệu quả sinh lời cao là khách sạn Melia Hà Nội và cao ốc văn phòng Mê Linh Point Tower tại trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh,

Một cái tên nữa đó là Central Group - một trong những tập đoàn lớn nhất Thái Lan cũng đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ Việt Nam với việc thâu tóm hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cũng như mua lại chuỗi điện máy Nguyễn Kim, siêu thị Lan Chi...

Và câu chuyện chỗ đứng cho hàng Việt

Cục diện bán lẻ tại Việt Nam đang thay đổi với lợi thế phần nào nghiêng về hàng Thái. Các siêu thị lớn sau khi bị các đối tác nước ngoài thâu tóm như Big C, Metro… đã áp dụng từng bước “ép” doanh nghiệp nội nhằm loại khỏi cuộc chơi của họ. Vậy số phận doanh nghiệp nội sẽ về đâu?

Ngay trên sân nhà, hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh “mướt mồ hôi” với hàng hóa của Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, một số doanh nghiệp Thái đã nắm trọn từ sản xuất đến phân phối hàng hóa nên dễ dàng chi phối thị trường. Hàng Thái đã âm thầm vào chợ truyền thống Việt Nam cách đây hàng chục năm và ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn từ mỹ phẩm, nhựa gia dụng đến quần áo, túi xách... với giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt cùng loại 10-20%, nhưng rẻ hơn nhiều so với hàng hóa xuất xứ từ Châu Âu.

Người Thái đang sở hữu nhiều chuỗi bán lẻ lớn ở Việt Nam nên “cơn lốc” hàng Thái chiếm lĩnh thị trường đang hiện hữu. Thực tế, việc các tập đoàn phân phối nước ngoài lần lượt thâu tóm thị phần bán lẻ nội trong thời gian qua đang dẫn đến những hệ lụy đối với các ngành sản xuất nội địa.

Hệ thống siêu thị giữ vai trò trung gian và đóng vai trò kết nối cực kỳ quan trọng quyết định đến sự phát triển của hai đầu sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy toàn bộ quá trình sản xuất. Các nhà bán lẻ dù đi đâu cũng luôn có những nhà cung cấp “mối ruột”, đó là tâm lý, nguyên tắc kinh doanh hết sức bình. Và thực tế khi Metro được chuyển giao cho TCC Holdings, người ta đã thấy những thương hiệu Thái trên kệ của siêu thị này, điều đó đồng nghĩa cơ hội cho hàng Việt trở nên ít hơn. Sự lép vế của bán lẻ Việt Nam về lâu dài còn làm mất cơ hội bán hàng của nhà sản xuất trong nước cũng như cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng.

Phương Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thau-tom-doanh-nghiep-viet-dai-gia-thai-thich-nuot-ca-lon-72893.html