Thâu tóm, sáp nhập là lựa chọn sống còn của các tập đoàn dầu khí

Làn sóng thâu tóm sáp nhập đang diễn ra mạnh mẽ tại Mỹ giữa các công ty dầu khí, dịch vụ trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19, sau khi ConocoPhillips công bố sáp nhập Concho Resources; Các công ty dịch vụ dầu khí lớn liên tiếp ghi nhận khoản lỗ lớn, là những điểm nổi bật của các tập đoàn dầu khí quốc tế tuần qua.

Transneft: Lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm của Transneft giảm 6,3% xuống còn 59,7 tỷ rúp (775 triệu USD), doanh thu giảm -8,6% xuống còn 8,5 tỷ USD. Bộ trưởng Năng lượng Nga A. Novak tiếp tục được bầu làm Chủ tịch HĐTV Transneft.

BP: tuyên bố ủng hộ Azerbaijan trong xung đột với Armenia tại Kharabakh, công ty là nhà điều hành dự án khí Shah Deniz 2 và cổ đông đường ống dẫn khí TAP.

Gazprom Neft nhận được 5 giấy phép thăm dò địa chất các mỏ tại khu tự trị Yamalo-Nenets với diện tích: Novogodnoye (552 km2), Yarainerskoye (496 km2), Ety-Purovskoye cùng Privolnyi (992 km2) và Ravninnoye (451 km2). Giấy phép có thời hạn 7 năm.

Total: đã giao lô hàng LNG đầu tiên không phát sinh khí thải CO2 ra môi trường cho khách hàng CNOOC, đồng nghĩa với việc cả bên bán lẫn bên mua đều đã bù đắp lượng CO2 phát thải tương đương trong toàn bộ quá trình liên quan, từ khai thác, hóa lỏng, vận chuyển, tái khí đến tiêu dùng cuối cùng thông qua các dự án giảm thiểu phát thải được xác nhận bởi chương trình Verified Carbon Standard (VCS). Hai dự án trong số đó là phong điện Guyuan tại Hà Bắc, Trung Quốc và dự án bảo vệ rừng Kariba REDD+ ở Zimbabwe.

ConocoPhillips đạt được thỏa thuận mua lại một công ty dầu khí khác Concho Resources với giá 9,7 tỷ USD thanh toán bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1 cổ phiếu Concho Resources đổi lấy 1,46 cổ phiếu ConocoPhillips. Sau khi sáp nhập, công ty ConocoPhillips mới sẽ có giá trị lên tới 60 tỷ USD, sản lượng khai thác 1,5 triệu boe/d - trở thành công ty dầu khí độc lập lớn nhất và cho phép tiết kiệm tới 500 triệu USD chi phí tìm kiếm thăm dò.

Làn sóng thâu tóm sáp nhập đang diễn ra mạnh mẽ tại Mỹ giữa các công ty dầu khí, dịch vụ trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19, sau khi ConocoPhillips công bố sáp nhập Concho Resources có hoạt động chủ yếu tại lưu vực Permian.

Công ty dầu đá phiến Pioneer Natural Resources (vốn hóa 15 tỷ USD) cho biết cũng đạt được thỏa thuận mua lại Parsley Energy (vốn hóa thị trường 4,5 tỷ USD, nợ 3 tỷ USD).

Chevron mua lại Noble Energy với giá khoảng 5 tỷ USD.

Devon Energy hợp nhất với WPX Energy giá trị 2,6 tỷ USD.

Halliburton: Công ty dịch vụ dầu khí lớn thứ 2 - Halliburton (Mỹ) Q III ghi nhận khoản lỗ quý thứ 4 liên tiếp -17 triệu USD so với lợi nhuận 295 triệu USD cùng kỳ năm 2019, doanh thu giảm 1,8 lần xuống còn 2,975 tỷ USD, trong đó tại thị trường bắc Mỹ giảm 67% xuống gần 1 tỷ USD. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, công ty ghi nhận lỗ 2,71 tỷ USD so với lợi nhuận 522 triệu USD cùng kỳ năm ngoái, doanh thu giảm 35% xuống còn 11,208 tỷ USD. Halliburton thành lập năm 1919, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất thiết bị giếng khoan, bảo trì đường ống dẫn - bể chứa, phát triển các giải pháp CNTT.

Baker Hughes ghi nhận khoản lỗ 170 triệu USD trong Q III, so với lợi nhuận 57 triệu USD cùng kỳ năm 2019. Đây là quý lỗ thứ 3 liên tiếp do các nhà sản xuất cắt giảm chi phí, quy mô khoan nhằm ứng phó với tình hình thị trường dầu thế giới. Tính chung 3 quý đầu năm 2020, lỗ lũy kế lên tới -10,5 tỷ USD. Về phần mình, công ty cũng tích cực cắt giảm chi phí hoạt động, mục tiêu đến cuối năm tiết kiệm khoảng 700 triệu USD. Cùng kỳ, công ty ghi nhận doanh thu giảm -14% xuống còn 5,05 tỷ USD, trong đó, mảng dịch vụ mỏ vốn chiếm đến 46% đã giảm -31% xuống còn 2,31 tỷ USD. Doanh thu cả 9 tháng đầu năm 2020 giảm -13% xuống còn 15,2 tỷ USD.

Schlumberger: Công ty dịch vụ dầu khí hàng đầu thế giới Schlumberger công bố KQKD quý 3 ghi nhận khoản lỗ quý thứ 3 liên tiếp trong năm nay - 82 triệu USD do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến chi phí khoan, đặc biệt tại khu vực Bắc Mỹ, nơi doanh thu của công ty giảm gần 2,5 lần xuống còn 1,16 tỷ USD so với mức giảm tổng doanh thu -38% xuống còn 5,26 tỷ USD, thị trường Trung Đông và châu Á giảm ít nhất -22% xuống còn 1,9 tỷ USD. Nhằm chấn chỉnh hoạt động và thích nghi với điều kiện mới, tháng trước Schlumberger đã bán bộ phận khoan nứt vỉa đá phiến (fracking) cho đối thủ Liberty Oilfield Services cùng với việc cắt giảm chi phí hoạt động mạnh mẽ. Tính gộp 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu giảm -26,8% xuống còn 18 tỷ USD, lỗ lũy kế -10,8 tỷ USD. Năm 2019 công ty đã phải ghi nhận khoản lỗ 11,38 tỷ USD do tổn thất liên quan đến các khoản đầu tư trước đấy.

Ngọc Linh

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/thau-tom-sap-nhap-la-lua-chon-song-con-cua-cac-tap-doan-dau-khi-581760.html