Thấy chất diệt tế bào ung thư mạnh ở gỗ rừng VN

Trong quá trình nghiên cứu rừng nhóm nhà khoa học Việt đã tìm thấy một số cây có khả năng ức chế 8 dòng tế bào ung thư ở người.

PGS.TS. Đinh Thị Phòng - Chủ tịch Công đoàn Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu 15 loài cây lá kim ở Tây Nguyên đã phát hiện một số cây có hoạt tính sinh học mạnh với các tế bào ung thư ở người.

Theo đó, nhóm các nhà khoa học tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã lựa chọn các cây: đỉnh tùng, thông lá dẹt, kim giao núi đất và du sam núi đất để phân lập, tìm kiếm hợp chất có giá trị cho y học.

PGS, TS Đinh Thị Phòng (người đứng giữa) cùng các đồng nghiệp trong một chuyến điều tra thực địa ở Tây Nguyên. Ảnh: Báo Nhân dân

Trong số 33 hợp chất từ bốn loài cây này có hai chất galangnin và isolariciresinol lần đầu tiên được phát hiện ở cây thông lá dẹt và một chất mới norisoharringtonine từ vỏ và lá cây đỉnh tùng.

Cây Kim giao núi đất có 3 chất là 3β-hydroxytotarol, axit totarol-19-carboxylic và norditerpene dilactone có khả năng ức chế 8 dòng ung thư. Ngoài KB, Hep-G2, LU, MCF7, hoạt tính gây độc của cây Kim giao núi đất cũng có khả năng ức chế tế bào ung thư da (SK-Mel2), ung thư buồng trứng (SW626), ung thư máu cấp tính (HL-60), ung thư đại tràng (SW480).

Các nhà khoa học thực địa điều tra và thu mẫu tại các tỉnh Tây Nguyên.

Chất mới phát hiện từ cây đỉnh tùng được tách chiết thành hoạt chất để tác động lên tế bào ung thư nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Kết quả, các tế bào ung thư biểu mô (KB), ung thư gan (Hep-G2), ung thư phổi (LU) và vú (MCF7), bị ức chế rất mạnh.

Các hoạt chất được đề cập đến ở trên vẫn cần phải trải qua các thử nghiệm lâm sàng như ở chuột hay trên người.

Cây đỉnh tùng - tên khoa học Cephalotaxaceae - là một loài thực vật cổ. Cây đỉnh tùng phân bố chủ yếu ở một số nước Châu Á như: Trung Quốc, Đài
Loan (Trung Quốc), Lào, Việt Nam, Myanma, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc.

Ở Việt Nam cây đỉnh tùng phân bố tại Sơn La (Yên Châu), Lào Cai,Hòa Bình, Hà Giang (Yên Minh, Đồng Văn), Cao Bằng (Nguyên Bình), Hà Tây (Ba Vì),
Thanh Hóa, Quảng Trị, Huế, Kon Tum (Đăk Glêi, Đăk Tô, Sa Thầy, Kon Plông), Gia Lai, Lâm Đồng (Lang Bian, Di Linh).

Cây đỉnh tùng có hoạt chất ức chế tế bào ung thư ở người.

Dẫu vậy để ứng dụng nghiên cứu vào sản xuất thuốc là cả một chặng đường dài. Sau kết quả ở phòng thí nghiệm, hoạt chất mới cần qua các bước thử nghiệm trên chuột và lâm sàng trên người.

Các chất isoharringtonine và deoxyharringtonine ở cây đỉnh tùng đã được phát triển như là thuốc trong điều trị bệnh ung thư ở Trung Quốc như bệnh bạch cầu cấp tính nonlymphoid và bệnh bạch cầu hạt mãn tính.

Homoharringtonine có tên thương mại là Synribo được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration - FDA) chấp nhận trong điều trị bệnh bạch cầu nguyên bào tủy mạn tính đối với bệnh nhân là người lớn.

Một khó khăn trong khai thác đưa các chất nói trên vào điều trị bệnh ung thư là hoạt chất mới chỉ có giá trị khi tách chiết từ cây trưởng thành từ 5-10 năm tuổi. Trong khi, cây đỉnh tùng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tỉnh Lâm Đồng hiện chỉ có 34 cây đỉnh tùng, trong đó có 5 cây trưởng thành.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/thay-chat-diet-te-bao-ung-thu-manh-o-go-rung-vn-3362391/