Thày cô 'chế' ca khúc 'Để Mị nói cho mà nghe' để động viên 'trò yêu giữ nguyên mạch học'

'Làm thế nào để học sinh ở nhà không nhàm chán', là câu hỏi đặt ra đối với nhà trường, giáo viên của các trường đã triển khai dạy online trong hơn 2 tháng qua. Để học sinh được vận động, vui vẻ, những môn học thể dục, âm nhạc được một số trường trên địa bàn Hà Nội áp dụng và nhận được phản hồi tích cực.

Tạo tâm lý thoải mái

Gần 1 tháng nay, em Ngọc Hân (Trường THCS Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy, Hà Nội) tham gia đều đặn các bài dạy online của nhà trường. Ngọc Hân cho biết:" Thời gian đầu chúng em làm quen với học online ác môn học như Toán, Văn, Ngoại ngữ… Sau đó, những môn học như Thể dục, Âm nhạc cũng được dạy online. Đây là những giờ học em cảm thấy rất vui vì được vận động và giao tiếp thoải mái hơn”.

Giờ học âm nhạc của học sinh Trường Tiểu học Pascal. Ảnh: AH

Giờ học âm nhạc của học sinh Trường Tiểu học Pascal. Ảnh: AH

Chị Nguyễn Thu Hằng (phụ huynh của em Ngọc Hân) sau khi quan sát con học thể dục, âm nhạc, đã chia sẻ: “Ban đầu, tôi khá bất ngờ về quyết định cho học sinh tập thể dục online, nhưng sau khi chứng kiến các buổi học thì nhận thấy, học thể dục qua hình thức trực tuyến vẫn hiệu quả. Các con có thể theo dõi liên tục thầy giáo hướng dẫn và cổ vũ tập luyện. Đặc biệt với những bạn nữ còn e dè khi tập các môn thể thao, nay lại có tâm lý khá thoải mái, tự tin vì được tập tại nhà. Trong những ngày dịch bệnh, các con ít được vận động, lại thường xuyên ngồi trước máy tính, vì thế những giờ học thể dục qua hướng dẫn online của thầy giáo thực sự cần thiết”.

Một số học sinh cho biết, các em khá vui khi thấy các bạn tập thể dục cùng mình trong khung cảnh nhà riêng. Sau mỗi giờ thể dục, các em đều thấy khỏe khoắn, vui vẻ hơn sau nhiều ngày không được đến trường, gặp gỡ bạn bè. Tuy nhiên, một số bạn cũng gặp khó khăn khi không gian nhà chật chội.

Các trường như THCS Nguyễn Tất Thành, THCS Lương Thế Vinh, THCS Pascal hiện đã triển khai việc dạy âm nhạc qua các ứng dụng online. Học sinh chỉ cần kết nối qua điện thoại, iPad là có thể ngồi ngay bên đàn piano tại nhà, vừa luyện âm, vừa hát - đàn được.

Cô Nguyễn Khánh Hồng, giáo viên Trường tiểu học - THCS Pascal, Hà Nội, cho biết: "Việc học trực tuyến âm nhạc khác với trực tiếp là không cho cả lớp hát cùng một lúc mà giáo viên cho thực hành theo nhóm để không gây ồn. Tôi sẽ cho học sinh tìm hiểu tác giả, bài hát, chia mấy câu, mấy đoạn, nhịp gì, giọng gì, tín hiệu của bản nhạc và dạy học sinh hát. Điều quan trọng là tạo không khí tương tác phù hợp với hình thức online để các em thoải mái với tiết học".

Chị Nguyễn Thu Hằng nhận định: Do giao tiếp qua mạng nên các con tự tin hơn khi thể hiện, không xấu hổ như đứng trước lớp. Giống như giờ thể dục, học âm nhạc online mang lại cho các con không khí vui tươi, thoải mái hơn trong những ngày nghỉ dịch kéo dài. Cả phụ huynh và học sinh đều biết ơn các thầy cô và nhà trường đã có những đổi mới, ứng dụng công nghệ để xây dựng chương trình học online một cách kịp thời và hiệu quả, biến thời gian nghỉ do dịch bệnh thành khoảng thời gian bổ ích và ý nghĩa.

Giáo viên viết lời nhạc, gửi thông điệp tới học trò

Đan xen với những hoạt động học online, một số giáo viên trường dân lập trên địa bàn Hà Nội đã gửi những lời nhắn tới học trò của mình qua những điệu nhảy vui nhộn.

“Mong trò yêu giữ nguyên mạch học/Đem kiến thức đưa vào trong bài giảng/Đúng giờ trò online/Dù là xa mong các con cứ vui, đừng buồn/Gắng cùng nhau xóa tan dịch bệnh kia/Luôn ghi nhớ không quên bài học/Hãy ôn hàng ngày con ơi/Cùng học nhé các bạn ơi/Tinh thần này cần phải thoải mái...” là nội dung của bài hát mà giáo viên trường THCS, THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) vừa sáng tác trên nền nhạc vui tươi của bài hát “Để Mị nói cho mà nghe” gửi thông điệp tới học sinh đang nghỉ học ở nhà do dịch COVID-19.

Đặc biệt, giáo viên tổ âm nhạc của trường Nguyễn Siêu còn tự hát, nhảy, quay clip, như món quà để khích lệ giáo viên và học sinh trong thời điểm khó khăn này.

“Em ơi em đừng lo có cô ở đây giúp em rồi đó/Dịch Corona làm cho chúng ta phải ở nhà tự cách ly/Dịch đang lan truyền cho bao dân ta/Học hành giờ rất khó khăn/Đừng đi đâu đó em ơi em à/Để cô gửi phiếu bài tập về nhà/Làm xong nhớ gửi lại bài làm cho cô/Để biết kết quả của mình đã đúng hết chưa” là thông điệp của giáo viên trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) gửi tới học trò của mình qua clip vui nhộn trên nền bài bát “Sáng mắt chưa” của Trúc Nhân.

Những điệu nhảy của chính giáo viên trong trường và thông điệp “hợp thời” đã nhận được sự hưởng ứng của học sinh, phụ huynh; cũng như xã hội.

Một số hiệu trưởng cũng gửi thư ngỏ tới các học trò của mình với những lời yêu thương. Cô Nguyễn Thu Anh, Hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành viết: "Có rất nhiều cách để các con tạo ra “vitamin hạnh phúc”. Giản dị nhất là việc các con xây dựng được thời gian biểu theo tuần một cách khoa học và thực hiện thật nghiêm túc. Trong đó có thời gian học tập, làm việc nhà (nấu ăn, tưới cây, dọn nhà, giặt quần áo,…); có thời gian luyện tập thể dục, đọc sách, xem phim... Ý nghĩa hơn nữa là dành thời gian để chuyện trò, thể hiện sự quan tâm với người thân, tuyên truyền để mọi người thực hiện các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm bệnh COVID-19, đảm bảo sức khỏe cả về thể chất và tinh thần".

"Đây cũng là lúc các con nên trao đổi với bạn bè, người thân của mình về việc tổ chức các dự án “Vì cộng đồng” để quyên góp vật chất cho các cơ sở y tế và cùng nhau gửi “vitamin hạnh phúc” tới bố mẹ các bạn làm trong ngành y tế để các bác yên tâm chống dịch,...", cô Nguyễn Thu Anh nhắn gửi tới học trò của mình.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/thay-co-che-ca-khuc-de-mi-noi-cho-ma-nghe-de-dong-vien-tro-yeu-giu-nguyen-mach-hoc-20200401150542566.htm