Thầy cô dạy học trực tuyến giải quyết 'ca khó' môn Âm nhạc, Mỹ thuật thế nào?

Không như các môn như Toán, Văn, Ngoại ngữ đã quá quen với hình thức dạy học trực tuyến, các môn học đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật lại tăng độ khó rất nhiều cho các thầy cô áp dụng cách dạy này.

Tại trường Tiểu học - THCS Pascal (Hà Nội) việc dạy học trực tuyến được các thầy cô dành rất nhiều tâm huyết. Thầy Quàng Văn Phong – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, với môn Âm nhạc, các thầy cô cũng soạn một số slide liên quan đến lý thuyết âm nhạc và hướng dẫn học sinh nhận biết bản nhạc.

Nếu dạy học trực tiếp cô sẽ hát mẫu sau đó học sinh hát theo, nhưng khi triển khai trực tuyến thì không thực hiện được bước này vì nếu cả lớp cùng hát qua micro thì âm thanh rất nhộn nhạo, không thể quản lý.

Cô trò trường Pascal học môn Âm nhạc

Cách dạy hiệu quả nhất là giáo viên chia học sinh thành từng nhóm nhỏ, chọn bạn hát tốt nhất lớp để hát mẫu và kiểm tra. Quan trọng là khi cô bắt nhịp học sinh mới hát chứ không được hát tự do sẽ khiến lớp học trở thành “mớ hỗn loạn âm thanh”. Khi học cũng phải để ý khắc phục đường truyền âm thanh. Khi kết thúc bài dạy, học sinh phải tập hát và trả bài tập vào group của lớp để giáo viên kiểm tra, đánh giá.

Khi dạy trực tuyến giáo viên sẽ chủ động quan sát trên màn hình xem học sinh nào thực hiện và học sinh nào chưa thực hiện để kịp thời chấn chỉnh.

Với môn Mỹ thuật, giáo viên sẽ hướng dẫn lý thuyết trước. Ví dụ như để vẽ một chiếc bình hoa các con vẽ gì trước, mỗi phần của bình phải đáp ứng yêu cầu gì, học sinh phải nắm rõ bố cục của bài vẽ...

Nửa sau của tiết học sẽ là phần thực hành. Tuy nhiên, thông thường sẽ không đủ thời gian để các con hoàn thành bài vẽ nên các con sẽ hoàn thành bài tập ở nhà và trả bài cho cô vào ngày hôm sau bằng việc chụp ảnh và gửi lại. Giáo viên sẽ căn cứ vào đó để thực hiện việc kiểm tra cũng như đánh giá.

Bài tập Mỹ thuật của học sinh sau buổi học trực tuyến.

Bài tập Mỹ thuật của học sinh sau buổi học trực tuyến.

Cô Nguyễn Thị Chinh - Giáo viên dạy Mỹ thuật trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) cho hay: “Môn Mỹ thuật là môn học khá đặc thù vì thời gian thực hành nhiều, mỗi tiết học chỉ có 5-10 phút hướng dẫn học sinh học lý thuyết còn lại học sinh sẽ học thực hành.

Hiện nay, trước tình hình dịch bệnh, trường Lương Thế Vinh triển khai hình thức dạy online, trực tuyến cho học sinh. Với môn học Mỹ thuật học trực tuyến, giáo viên sẽ soạn bài trước, định hướng sẵn nội dung sẽ dạy, chuyển hóa bài học thành dạng phát clip hoặc trực tiếp, sau đó khi đến thời gian dạy theo thời khóa biểu sẽ dạy trực tuyến thông qua phần mềm".

Bài tập về nhà môn Mỹ thuật của em Phạm Gia Hân (lớp 6N trường Lương Thế Vinh).

“Nói chung là mất nhiều thời gian và công sức hơn dạy học truyền thống trên lớp. Thay bằng việc nói trực tiếp như dạy ở trên lớp thì hiện nay giáo viên dạy thông qua clip minh họa, dùng tranh để giơ lên màn hình cho các con xem hoặc soạn bài giảng trên Excel và trình chiếu cho học sinh xem.

Với những học sinh chưa tự giác cũng cần phải có phương pháp mềm dẻo chứ không gây áp lực với các con. Như vậy các con mới thấy hứng thú trong việc học online và học thực sự có hiệu quả”, cô Chinh cho hay.

Còn cô giáo Tống Thị Hồng Nga – giáo viên dạy nhạc trường Lương Thế Vinh chia sẻ, việc chuẩn bị tư liệu và học liệu cho việc dạy trực tuyến cũng không quá khác so với dạy truyền thống. Quan trọng là tương tác trực tiếp với học sinh thế nào để đạt được mục tiêu dạy học.

Trong trường hợp không thể tương tác trực tiếp thì cô có thể gửi clip về một bài giảng tự quay, sau đó đưa lên cho các con tự học. Thế nhưng làm theo cách này, giáo viên khó nắm bắt được việc học sinh có thể tiếp thu hay không. Sau khi học xong, học sinh sẽ phải trả bài tập cho các cô bằng việc tập hát bài đó, gửi cho cô và cô sẽ kiểm tra bài tập của từng học sinh.

Ngoài ra, nhà trường còn sử dụng phương pháp dạy trực tuyến thì tương tác trực tiếp tốt hơn. Cô hát từng câu và học sinh sẽ hát theo. Vì khó theo dõi được tất cả các em nên thường giáo viên sẽ chia học sinh ra từng nhóm và kiểm tra bất kỳ học sinh nào trong nhóm đó.

Cô trò trường Pascal khởi động môn Âm nhạc bằng Vũ điệu rửa tay.

Theo cô Nga, việc tạo hứng thú học sinh trong quá trình giảng dạy online là điều cực kỳ quan trọng.

“Tôi không dạy hết tất cả các bài trong SGK mà thường xen kẽ bài hát trong và ngoài sách. Vì thực tế, SGK đã tái bản rất nhiều lần và có những bài hát không tạo được hứng thú cho học sinh nên tôi chọn lựa những bài hát hợp với giới trẻ, nhân văn mà các con rất thích. Quả nhiên, nhiều bạn tỏ ra vô cùng thích thú.

Cụ thể như sang tuần sau có tiết âm nhạc, tôi có thể dạy các con bài hát về “vũ điệu rửa tay”. Tôi tin là bên cạnh việc tạo được hấp dẫn cho học sinh qua bài hát còn cho các em thêm kiến thức để chủ động phòng chống dịch bệnh. Quan trọng là bài học diễn ra thoải mái hơn, học sinh hát được là đạt được yêu cầu”, cô Nga cho hay.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/thay-co-day-hoc-truc-tuyen-giai-quyet-ca-kho-mon-am-nhac-my-thuat-the-nao-post335452.info