Thầy cô như tấm gương sáng thì học sinh sẽ học được điều hay lẽ phải

Theo cô Lương Quỳnh Lan – Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội), thầy cô như tấm gương sáng thì HS sẽ học được những điều hay lẽ phải. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cao nhất của nhà giáo là yêu nghề, yêu người.

Học sinh Trường THPT Sơn Tây. Ảnh: Internet

Cô Lan nhấn mạnh, có yêu nghề thì các thầy cô mới có tâm huyết, có động lực để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Có yêu người thầy cô mới yêu thương, quan tâm, động viên, chia sẻ và hướng dẫn học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ học tập; định hướng các em hoàn thiện những kỹ năng sống cần thiết, chuẩn bị những hành trang để bước vào cuộc sống tự lập khi các em rời ghế nhà trường.

Có yêu người, yêu nghề thì các thầy cô mới luôn cố gắng hoàn thiện mình để trở thành tấm gương nhà giáo mẫu mực cho học sinh noi theo.

“Chính vì vậy Trường THPT Sơn Tây luôn truyền tải thông điệp “Tất cả vì học sinh thân yêu”! Chúng tôi quán triệt: Mỗi thầy cô giáo luôn thực hiện tốt những nội quy, quy định của nhà trường, của ngành Giáo dục đề ra.

Nhà trường luôn khuyến khích, động viên các thầy cô dạy học bằng tâm huyết, sự sáng tạo của mình, để mỗi tiết học học sinh vừa phát huy được phẩm chất, năng lực của bản thân, vừa có được những định hướng tích cực từ phía các thầy cô giáo.

Từ đó các em hoàn thiện mình hơn, trở thành những công dân có ích cho xã hội, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại: Năng động, sáng tạo, tự tin và luôn có thái độ tích cực với mọi người và môi trường xung quanh” – cô Lan trao đổi.

Theo cô Lan, với mỗi người giáo viên, ngoài việc phải luôn phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn, thì trau dồi đạo đức nghề nghiệp cũng rất quan trọng. Đó chính là nền tảng, là động lực để nhà giáo luôn phấn đấu, hoàn thiện bản thân hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học, giáo dục của mình.

Cô Lương Quỳnh Lan

“Thầy cô như tấm gương sáng thì HS sẽ học được những điều hay lẽ phải. Đây là điều mà mỗi giáo viên luôn tự nhủ, rèn luyện, tu dưỡng để trở thành tấm gương cho học sinh noi theo.

Ở trường tôi, đa số các giáo viên đều tự ý thức được vấn đề này nên việc rèn luyện đạo đức, lối sống, các mối quan hệ với học sinh, với phụ huynh luôn được các thầy cô chú ý để hoàn thiện” – cô Lan chia sẻ, đồng thời cho biết:

Hàng năm, khi triển khai nhiệm vụ năm học, Ban lãnh đạo nhà trường sẽ phổ biến đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên các văn bản của ngành liên đến đạo đức nhà giáo.

Đồng thời thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục. Ban lãnh đạo nhà trường thường xuyên nhắc nhở, chia sẻ kinh nghiệm về cách xử lý tình huống sư phạm xảy ra trong thực tiễn. Qua đó, giúp giáo viên nhận thức đúng hơn về đạo đức nghề nghiệp.

“Khi phát hiện giáo viên có biểu hiện “lệch chuẩn”, trước hết Công đoàn nhà trường sẽ gặp gỡ, trao đổi nắm bắt tâm tư, tình cảm của giáo viên. Trên cơ sở đó, Ban lãnh đạo nhà trường sẽ trao đổi, định hướng để giáo viên nhận ra và điều chỉnh hành vi cho phù hợp với yêu cầu của nhà trường, của ngành Giáo dục đặt ra” – cô Lan cho hay.

Cũng theo cô Lan, Trường THPT Sơn Tây đã quán triệt các văn bản quy định dạy thêm, học thêm của UBND Thành phố, Sở GD&ĐT TP Hà Nội và của UBND Thị xã Sơn Tây đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường.

Hiện nay, Trường THPT Sơn Tây có tổ chức dạy thêm trong nhà trường theo đăng ký tự nguyện của học sinh và được cấp phép của Sở GD&ĐT TP Hà Nội. Công tác dạy thêm, học thêm đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Cho đến nay, không có đơn thư của phụ huynh phản ánh về việc dạy thêm trái quy định ảnh hưởng đến đạo đức nhà giáo.

"Nghề sư phạm là một nghề được xã hội tôn vinh và cha mẹ học sinh luôn kỳ vọng vào các thầy cô giáo. Vì vậy, đạo đức nhà giáo luôn được coi trọng. Trong ứng xử và các hoạt động sư phạm, hình ảnh và đạo đức nhà giáo là do chính các thầy cô tạo nên, giữ gìn và tự bảo vệ hình ảnh đó" - cô Lương Quỳnh Lan.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/thay-co-nhu-tam-guong-sang-thi-hoc-sinh-se-hoc-duoc-dieu-hay-le-phai-4061660-v.html