Thầy dạy Lê Quý Đôn là ai?

Nguyễn Tông Quai (1692-1767), hiệu là Thư Hiên (ảnh dưới), người làng Phúc Khê, huyện Ngự Thiên, phủ Thái Bình, nay là xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Nguyễn Tông Quai theo cha mẹ lên Thăng Long, rồi tìm học Thám Hoa Thạnh, một thầy giáo nổi tiếng bậc nhất ở kinh thành Thăng Long lúc đương thời. Thầy Vũ Thạnh có hàng ngàn học trò từ khắp nơi tìm đến theo học, trong số đó, có tới hơn bảy chục học trò đỗ đại khoa, làm quan đông nghẹt ở triều Lê Trung Hưng. Trong số hơn bảy chục vị Tiến sĩ ấy, có Nguyễn Tông Quai, đỗ Hoàng giáp khoa Tân Sửu (1721), làm quan đến chức Thị Lang, tước Hầu.

Năm 1731, Nguyễn Tông Quai đi sứ nhà Thanh cùng Thượng thư Nguyễn Kiều (chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm). Về nước, được thăng quan thì ông lại bị kẻ xấu dèm pha, khiến ông phải về quê. Năm 1748, Nguyễn Tông Quai lại trược triệu hồi về kinh, làm trường đoàn sứ thần nước ta sang nhà Thanh. Năm 1750, sứ đoàn về nước. Vì tính ông ngay thẳng, cương trực, nên bị bọn tiểu nhân ghanh ghét, tìm cớ đàn hặc, khiến ông bị biếm chức, rồi cuối cùng phải về quê dạy học. Học trò Nguyễn Tông Quai có nhiều danh nhân kiệt xuất, ví như nhà bác học Lê Quý Đôn, Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục (cha Đoàn Nguyễn Tuấn, cha vợ Nguyễn Du)…

Cùng với Đoàn Trác Luân (Anh trai bà Đoàn Thị Điểm), Ngô Tuấn Cảnh, Nguyễn Bá Luân, đương thời tôn vinh là TRÀNG AN TỨ HỔ, hay là TRÀNG AN TỨ TÀI. Nguyễn Tông Quai là một nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà giáo xuất sắc. Tác phẩm của ông gồm:

1. Sứ hoa tùng vịnh (tập thơ viết trên đường đi sứ Trung Hoa)2. Sứ Hoa trình tân truyện (Chuyện mới về lộ trình đi sứ), gồm 670 câu thơ Nôm, thể song thất lục bát.3. Ngũ luân tự (Thuật lại 6 điều luân thường).

Ngoài ra, Nguyễn Tông Quai còn là đồng tác giả cuốn VỊNH SỬ THI TUYỂN, thơ chữ Hán, 334 bài, trong đó Nguyễn Tông Quai có 80 bài.

Nguyễn Tông Quai được các danh Nho Trung Quốc, Triều Tiên và các nhà nghiên cứu nước ta đương thời đánh giá rất cao. Phan Huy Chú cho rằng thơ Nguyễn Tông Quai “Điêu luyện, mới mẻ, đáng ưa”. “Đến nay, trải hơn 50 năm, người trong nước vẫn đều truyền tụng” (Nguyễn Án). “Sứ Hoa tùng vịnh nổi tiếng là thơ hay khắp cõi” (Ngô Thì Sĩ). Hồ Sĩ Đống thì buồn vì không được thọ giáo thầy Nguyễn Tông Quai, khi ông được đọc tập thơ này thì mừng, xem đó cũng là “mối nhân duyên gặp gỡ”. Người Trung Quốc khen thơ Nguyễn Tông Quai không hề thua kém thơ thời Thịnh Đường. Sách HOÀNG VIỆT THI TUYỂN chép 9 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Tông Quai.

Nguyễn Tông Quai là một danh nhân kiệt xuất ở thời Lê Trung Hưng. Chỉ nói riêng về thơ (cả thơ Nôm và thơ chữ Hán), Nguyễn Tông Quai hoàn toàn xứng đáng là nhà thơ xuất sắc nhất ở thời Lê Trung hưng. Danh phận của ông bị chìm lấp, không được người đời nay quan tâm đánh giá đầy đủ. Thơ Nguyễn Tông Quai được người đương thời đánh giá rất cao. Chỉ cần đọc 10 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Tông Quai, cũng đủ thấy thơ ông có một vẻ đẹp thẩm mỹ hoàn toàn mới lạ, rất ít thấy ở đương thời.

Ngẫm ra mới thấy, có thầy giỏi thì mới có trò giỏi. Những người thực tài thường có tính cương trực, nên bao giờ cũng bị tiểu nhân ghen ghét, tìm cách hãm hại. Mà thời nào cũng thế cả thôi !

Chả đáng buồn lắm sao ?

Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thay-day-le-quy-don-la-ai-do-chinh-la-cu-nguyen-tong-quai-78857