Thay đổi cơ bản chính sách tài chính về đất đai

Theo ông Nguyễn Thành Phong, các ý kiến đề nghị thay đổi cơ bản chính sách tài chính về đất đai trong sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, cụ thể là có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.

Quang cảnh phiên tọa đàm chiều 18-9. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh phiên tọa đàm chiều 18-9. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 18-9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 đã diễn ra phiên tọa đàm cấp cao với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.

Tính thuế chuyển nhượng bất động sản căn cứ vào giá đất do Nhà nước quy định

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã trình bày tóm tắt nội dung phiên hội thảo chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo ông Nguyễn Thành Phong, đối với việc hoàn thiện chính sách đất đai, nhất là chính sách tài chính, chính sách phát triển thị trường bất động sản, các ý kiến đề nghị thay đổi cơ bản chính sách tài chính về đất đai trong sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, đó là: có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch; xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp; quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang; chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với những địa phương được quy hoạch sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ các loại rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Nội dung quan trọng khác được đề xuất là đưa định nghĩa giá thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế vào Luật Đất đai sửa đổi; chú trọng vào thuế chuyển nhượng bất động sản để tính toán sao cho giảm thuế suất để giá đất thực được tự các bên ghi nhận trên hợp đồng chuyển quyền. Các luật thuế có liên quan đến đất đai phải ban hành đồng thời với Luật Đất đai sửa đổi. Pháp luật về thuế thu nhập từ chuyển quyền cần quy định rõ tính thuế không căn cứ vào giá trị hợp đồng chuyển quyền, chỉ căn cứ vào giá đất do Nhà nước quy định… lập cơ sở dữ liệu giá đất thị trường, trước mắt có thể sử dụng ngay mạng của công chứng; và đưa phần mềm xử lý dữ liệu để ước tính giá trị đất đai do Nhà nước quy định.

Đối với đăng ký giao dịch và thông tin thị trường bất động sản, cần quy định bắt buộc các hoạt động giao dịch đất đai, bất động sản đều phải thông qua sàn giao dịch kiểm tra và xác thực, thay cho việc thực hiện công chứng như hiện nay (chỉ có tác dụng như lập vi bằng xác nhận có diễn ra giao dịch)…

Thúc đẩy cung ứng dịch vụ công theo phương châm “Chính phủ phục vụ”

Tóm tắt phiên hội thảo chuyên đề “Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”, ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, các ý kiến đề nghị kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo sự ổn định về vĩ mô, đặc biệt là thị trường tài chính, đảm bảo những cân đối lớn trong nền kinh tế. Đây là căn cứ quan trọng nhất để các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đạt được hiệu lực và hiệu quả.

Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ; đẩy mạnh hơn nữa xây dựng và thực thi nhóm chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động việc làm hiện đại, liên thông, kết nối đi kèm với các giải pháp nhằm chính thức hóa lao động phi chính thức, tăng độ bao phủ an sinh xã hội. Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ các chính sách đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nhóm kiến nghị quan trọng khác liên quan đến việc nhanh chóng hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của địa phương; tăng cường liên kết vùng để tạo ra sự đồng bộ, thông suốt và động lực mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của địa phương.

Tiếp theo là tăng tốc và đẩy mạnh quá trình số hóa và điện tử hóa hoạt động quản lý nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân. Điều này cần được triển khai thông qua các giải pháp cụ thể như xây dựng hệ thống dữ liệu lớn trong quản lý nhà nước, tích hợp các loại giấy tờ hành chính trong cùng một hệ thống đồng bộ, thúc đẩy cung ứng dịch vụ công phát triển theo phương châm “Chính phủ phục vụ”.

Cuối cùng, để các chính sách của Nhà nước thực sự đem lại hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và phục hồi kinh tế sau đại dịch, không thể thiếu vắng sự đồng hành của doanh nghiệp thể hiện qua sự năng động, sáng tạo của chính những người điều hành doanh nghiệp, không ngừng áp dụng các giải pháp tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động trong phát triển thị trường, định hướng thói quen của người tiêu dùng, khai thác tối đa các lợi thế về khoa học công nghệ như số hóa quy trình và hoạt động quản trị, khai thác tối đa lợi thế của thương mại điện tử cũng như tham gia sâu sắc và gắn kết hơn với chuỗi giá trị toàn cầu.

Một số báo cáo khác cũng đã được các diễn giả trình bày tại diễn đàn gồm “Bối cảnh quốc tế, tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023”; “Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 – những đề xuất phát triển kinh tế xanh và kinh tế số”; “Nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//thay-doi-co-ban-chinh-sach-tai-chinh-ve-dat-dai-842579.html