Thay đổi cơ cấu giống thích ứng vụ đông ấm

Các tỉnh phía Bắc và nhất là khu vực Bắc Trung bộ vừa trải qua vụ lúa mùa, hè thu đầy khó khăn khi liên tiếp hứng chịu thiên tai hạn hán, thiếu nước và ngập úng gây thiệt hại nặng.

Bộ NN-PTNT kỳ vọng vụ đông 2018 thành công sẽ giúp các tỉnh này duy trì được đà tăng trưởng. PV Báo NNVN có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt về định hướng tổ chức sản xuất vụ đông sao cho hiệu quả.

 Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Thưa ông, vụ lúa mùa, hè thu năm nay tại các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ trỗ sớm hơn trung bình nhiều năm từ 7 – 10 ngày. Điều này có ý nghĩa như thế nào đến lịch thời vụ gieo trồng vụ đông 2018?

Việc thu hoạch lúa sớm hơn 7 – 10 ngày sẽ tạo thuận lợi rất lớn, giúp các tỉnh Bắc Trung bộ, đồng bằng Bắc bộ và Trung du miền núi phía Bắc có quỹ đất rộng để trồng các loại cây ưa ấm.

Ngay sau khi thu hoạch lúa, bà con có thể tổ chức làm đất để trồng các loại bầu, bí, cà chua và rau của quả. Nhóm cây này có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập 150 – 200 triệu đồng/ha.

Hiện nay, nhờ những tiến bộ trong nghiên cứu, chọn tạo giống, chúng ta đã có bộ giống cây trồng ngắn ngày rất đa dạng và phong phú. Thay vì một vụ mất 3,5 đến 4 tháng, nông dân chỉ cần trồng cây 2 tháng là có thể thu hoạch. Thậm chí, chúng ta có thể trồng 2 vụ màu trong một vụ đông.

Vậy các địa phương đã chuẩn bị kế hoạch sản xuất vụ đông như thế nào?

Phải khẳng định vụ đông ở phía Bắc là một lợi thế rất ít nơi có được. Do nước ta ở khu vực Bắc bán cầu là vùng có khí hậu rất lạnh, thường xuyên chìm trong băng tuyết, trong khi các nhóm rau ăn lá, củ quả của chúng ta lại phát triển tốt, chất lượng ngon hơn. Nếu mở cửa được thị trường, tăng cường chế biến thì vụ đông sẽ cho giá trị khổng lồ.

Những năm qua, các tỉnh phía Bắc ý thức được vai trò quan trọng của vụ đông, đã đưa ra chính sách để mở rộng diện tích (hỗ trợ giống, mô hình liên kết...). Đặc biệt, đối với các tỉnh Bắc Trung bộ vừa qua bị thiệt hại khá lớn vụ lúa mùa, hè thu, đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất vụ đông để giữ nhịp tăng trưởng.

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có sự dịch chuyển rất mạnh trong cơ cấu cây trồng. Ví dụ, nông dân không ưu tiên gieo trồng các giống ngô lấy hạt, mà trồng ngô lấy hạt làm thức ăn chăn nuôi để bán cho các trang trại bò sữa của TH True Milk và Vinamilk. Chỉ trong vòng 75 – 80 ngày, khi hạt ngô đông sữa là có thể thu hoạch, giá trị cao hơn trồng lúa rất nhiều.

Nhiều địa phương chuyển đổi trồng ngô lấy hạt sang trồng ngô sinh khối trong vụ đông để lấy thức ăn chăn nuôi.

Năm nay, dự báo nền nhiệt mùa đông sẽ ấm hơn so với trung bình nhiều năm. Vậy, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã chỉ đạo bố trí cơ cấu giống như thế nào cho phù hợp?

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, vào nửa đầu mùa đông, nhiệt độ bình quân của các tỉnh khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Còn nửa cuối mùa đông (từ tháng 1 và tháng 2/2020), nền nhiệt độ sẽ ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm.

Do đó, Bộ NN-PTNT khuyến cáo các địa phương bố trí cơ cấu giống theo tỷ lệ: 60% diện tích trồng cây ưa ấm và 40% diện tích trồng cây trung tính và ưa lạnh.

Tuy nhiên, lịch thời vụ gieo trồng cây vụ đông cần chú ý đến các yếu tố bất thuận của thời tiết. Dự kiến từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 2 – 3 cơn bão đổ bộ vào Trung bộ. Bởi vậy, ở thời điểm đầu vụ đông, cần chuẩn bị phương án tiêu thoát nước hiệu quả để phòng chống úng, ngập.

Bên cạnh đó, đối với các khu vực vừa xảy ra ngập lụt kéo dài, do đất trên đồng ruộng còn ướt, độ kết dính cao. Để đảm bảo thời vụ, bà con cần gieo hạt trong bầu (ví dụ làm ngô bầu, bí bầu), chăm sóc cây non tại vị trí phù hợp, chờ khi đất khô ráo nước thì làm đất, đánh luống và hạ bầu.

Xin cảm ơn ông!

ĐỒNG THÁI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thay-doi-co-cau-giong-thich-ung-vu-dong-am-post249580.html