Thay đổi cuộc sống với 10.000 bước chân mỗi ngày

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp là những 'sát thủ' hàng đầu, đang chiếm 73% số ca tử vong hàng năm. Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong cao đối với các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người Việt Nam như: Hút thuốc; uống rượu bia; ăn ít rau, trái cây; ăn nhiều muối; thiếu hoạt động thể lực…

Tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu… đều có xu hướng gia tăng nhanh. Trong khi đó, mạng lưới y tế tuyến cơ sở chưa quản lý được các bệnh mãn tính, nhiều nơi năng lực còn hạn chế, đại bộ phận người dân chưa có ý thức kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm và lười rèn luyện thể chất.

Trong khi đó, có 77% người dân hiểu sai về bệnh tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ của bệnh, hơn 70% người dân không biết cách phát hiện sớm và dự phòng bệnh tăng huyết áp; chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán; 70% người bệnh ung thư đến khám bệnh và chẩn đoán ở những giai đoạn muộn nên khả năng chữa trị hạn chế; có tới 25%-50% bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị.

Để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về việc phòng, chữa bệnh, nhân dịp Ngày Sức khỏe Việt Nam, Bộ Y tế đã kêu gọi người dân thực hiện 9 lời khuyên để đảm bảo sức khỏe.

Nói về vai trò của hoạt động thể lực, TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Những người vận động thể lực với người không vận động có sự khác nhau về sức khỏe, người vận động thể lực giảm nguy cơ tử vong chung. Giảm 30% nguy cơ tăng huyết áp và đột quỵ - đây là một trong những bệnh lý hàng đầu dẫn đến tử vong. Bệnh tiểu đường do rối loạn chuyển hóa, khi vận động thể lực giảm được 20%-24% rối loạn chuyển hóa dẫn đến tiểu đường.

Bên cạnh đó, vận động thể lực còn tốt cho cơ xương khớp, tăng tích can xi, chậm hóa loãng xương ở phụ nữ, người già. Người cao tuổi vận động thể lực giảm nguy cơ gẫy cổ xương đùi. Vận động thể lực giúp giải tỏa căng thẳng, giảm nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần. Chúng ta chưa ý thức được vai trò của vận động thể lực hoặc không dễ thực hiện, duy trì được hành vi đó hàng ngày.

Nhân ngày Sức khỏe thế giới 7/4, Bộ Y tế và các đơn vị phối hợp tổ chức chương trình với mong muốn thông qua những hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khám sàng lọc và tư vấn để cùng vận động các tầng lớp xã hội và cộng đồng chung tay phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Ngoài ra, thông qua hoạt động “đi bộ 10.000 bước chân” và hoạt động đồng diễn thể dục, Ban tổ chức mong muốn truyền tải thông điệp vận động để phòng chống bệnh tật, để thay đổi cuộc sống và vì một Việt Nam khỏe mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ.

Hà Dũng

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/suc-khoe/thay-doi-cuoc-song-voi-10000-buoc-chan-moi-ngay-143883.html