Thay đổi để 'kéo' người xem tới bảo tàng

Cần phải nhìn nhận một thực tế là sự giảm sút số lượng khách tham quan tại một số bảo tàng hiện nay có nguyên nhân từ sự lạc hậu, chậm thay đổi trong cách vận hành của bảo tàng, không nắm bắt được nhu cầu của công chúng. Rõ ràng, nếu hoạt động của bảo tàng không lấy khách tham quan làm trung tâm, không lấy mục tiêu phục vụ cộng đồng làm trọng yếu thì tất yếu sẽ bị đào thải. Việc thay đổi cách tổ chức, vận hành hoạt động của bảo tàng theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế chung và nhu cầu của cộng đồng đang là một đòi hỏi bức thiết.

Nằm trên con phố cổ sầm uất của Thủ đô Hà Nội, nhưng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam luôn trong tình trạng vắng khách, kể cả cuối tuần. Lượng khách đến đây chỉ lác đác đếm trên đầu ngón tay. Bảo tàng Hà Nội với cơ ngơi hoành tráng nằm trên đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng trong tình trạng đìu hiu tương tự. Có thể thấy, thiếu sức sống, vắng khách… đang là thực trạng chung của nhiều bảo tàng, triển lãm hiện nay. Có một mẫu số chung là khi hỏi người dân thì hầu hết đều có chung một câu trả lời cho việc ít đến bảo tàng, đó là: “Không hấp dẫn, không thích”.

Ông Nguyễn Thế Thụ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Tôi rất yêu thích lịch sử, nhưng cũng ít lui tới các bảo tàng, triển lãm lịch sử để xem. Một phần do ngại đi lại, phần nhiều tôi thấy cách làm bảo tàng hiện nay chưa sống động, chỉ trưng bày tĩnh một cách đơn điệu”. Thống kê cho thấy, cả nước hiện có gần 200 bảo tàng Nhà nước và tư nhân đang mở cửa, nhưng số bảo tàng hoạt động thật sự có hiệu quả lại rất ít. Có nơi trưng bày quá dư thừa mà thiếu trọng tâm, có chỗ lại khá nghèo nàn, bày trí thiếu khoa học. Một số bảo tàng, thông tin giới thiệu lại sơ sài, đội ngũ thuyết minh non yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, nội dung thuyết minh kém hấp dẫn…

Bảo tàng Dân tộc học luôn thu hút khá đông du khách bởi những hoạt động bên lề khá phù hợp.

Bảo tàng Dân tộc học luôn thu hút khá đông du khách bởi những hoạt động bên lề khá phù hợp.

Với cách trưng bày đa dạng, phong phú, cùng với việc thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa nên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có vẻ đông khách hơn. Việc thay đổi tư duy với khu trưng bày ngoài trời, tái hiện chân thực đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam đã tạo ra sức hút đối với du khách. Cùng với đó, khách tham quan còn được tham dự các hoạt động giao lưu văn hóa, trẻ em có cơ hội để khám phá các giá trị văn hóa-lịch sử phù hợp với lứa tuổi... Nhờ vậy, khách tham quan thuộc nhiều thế hệ khác nhau đều có được những trải nghiệm thú vị, ý nghĩa.

Bà Bùi Thị Thanh Thủy, Phòng Nghiên cứu- sưu tầm trưng bày Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: Sau nhiều năm thay đổi, khu vực trưng bày tương tác của bảo tàng được duy trì thường xuyên phục vụ nhu cầu của du khách với những thay đổi nội dung liên tục, hiện vật được bổ sung thường xuyên như: Triển lãm “Đồ chơi và trò dân gian của trẻ em Việt Nam và quốc tế” với các trải nghiệm thực tế; Triển lãm “Trang sức phụ nữ và các dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại” với phần trình diễn thời trang của chính các em học sinh... Tương tác, trải nghiệm ở bảo tàng rõ ràng là một xu thế của thời đại 4.0, điều quan trọng các bảo tàng phải tìm cho mình một hướng đi đúng, với những cách làm, nội dung hiện vật phong phú, hấp dẫn để kéo người xem đến và trải nghiệm.

Theo các chuyên gia, nên chăng ngành bảo tàng nước ta cần phải có một cuộc “đại phẫu”. Rất nhiều bảo tàng hiện nay vẫn làm bảo tàng như làm thông sử, nghĩa là lịch sử diễn ra như thế nào thì bảo tàng cũng trình bày tuần tự theo đúng các giai đoạn lịch sử đó. Người đến bảo tàng họ muốn tìm kiếm thông tin, sức sống của tư liệu hiện vật, tính ứng dụng và câu chuyện của hiện vật đó từng có là gì… đều không thấy. Rõ ràng, nếu hoạt động của bảo tàng không lấy khách tham quan làm trung tâm, không lấy mục tiêu phục vụ cộng đồng làm trọng, thì tất yếu sẽ bị đào thải.

Việc thay đổi cách tổ chức, vận hành hoạt động của bảo tàng theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế chung và nhu cầu của cộng đồng đang là một đòi hỏi bức thiết. Hiện nay, mô hình “bảo tàng thông minh” với sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ đang là hướng đi mới của nhiều bảo tàng trên thế giới. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng dù sự tham gia của công nghệ vào lĩnh vực bảo tàng có phát triển đến đâu thì cũng không thể thay thế được vai trò của con người. Cách làm, cách quản lý, vận hành bảo tàng của chính con người sẽ là bước đi quan trọng để thu hút du khách của các bảo tàng hiện nay.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng: Bảo tàng, di tích là những thiết chế văn hóa có môi trường trải nghiệm đặc biệt do con người tạo ra. Môi trường trải nghiệm này là sự đúc rút cô đọng, tinh tế, tinh hoa về lịch sử, cuộc sống và thiên nhiên. Trải nghiệm vô cùng đa dạng với nhiều phương diện, nội dung khác nhau về thời gian, lịch sử, xã hội, chủng tộc, dân tộc, quốc gia... Tuy nhiên, trải nghiệm đó có làm công chúng thích thú hay không phải do nội dung, chất lượng mỗi cuộc trưng bày. Phải có thông điệp rõ ràng. Công chúng được trải nghiệm tất cả các giác quan: vị giác, xúc giác, thính giác... Ngoài trải nghiệm trưng bày thì các hoạt động giao lưu, biểu diễn, tương tác... cũng thu hút được thế hệ trẻ.

Điều này ở các bảo tàng nước ngoài khá phổ biến, việc tương tác trên các thiết bị công nghệ, trò chơi... tạo sự mới mẻ đối với người xem. Trong khi ở Việt Nam hiện nay, việc này mới chỉ bắt đầu chú ý đến phát triển các hoạt động tương tác nhưng còn lẻ tẻ... Ví như tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng TP HCM, vài năm trở lại đây, hình thức tương tác được chú trọng nhiều hơn qua các hoạt động như: Tổ chức hội thi vẽ tranh Bác Tôn cho thiếu nhi tạo sự gần gũi, thân thương đối với Bác Tôn.

Trong thời gian tới đây, khách tham quan sẽ được tương tác với các hiện vật, tư liệu thông qua các ứng dụng công nghệ như 3D, công nghệ thực tế ảo. ThS Ngô Thị Hồng Quế, Trưởng phòng Trưng bày- tuyên truyền Bảo tàng Tôn Đức Thắng cho biết: “Tất cả các bảo tàng đều phải dựa trên các bộ sưu tập hiện vật gốc có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, thường xuyên bổ sung hiện vật tư liệu mới cho bảo tàng bằng nhiều hình thức khác nhau. Thời gian tới, bảo tàng có các hình thức tương tác trải nghiệm như: hướng nghiệp, dạy nghề với bộ sưu tập đồ nghề làm mộc và sửa xe gắn bó với Bác Tôn, từ đó có những trải nghiệm riêng cho các em học sinh các cấp hay trải nghiệm bằng thiết bị công nghệ, điện tử...”.

Nguyễn Dũng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thay-doi-de-keo-nguoi-xem-toi-bao-tang-165310.html