Thay đổi để thủy sản phát triển bền vững

Nếu bị thẻ đỏ sẽ không xuất khẩu được hải sản, lúc đó ngư dân dù có đánh bắt được cá cũng không bán được sang EU.

LTS: Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) từ ngày 23-10-2017. Trong suốt năm năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để được gỡ thẻ vàng nhưng vẫn còn một số tồn tại cần tiếp tục khắc phục, nhất là vấn đề quản lý tàu cá và truy xuất nguồn gốc hải sản.

Từ khi EU áp dụng thẻ vàng năm 2017 đến nay, các công ty xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VN) có nguồn nguyên liệu hải sản đều chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt. Dù tốn thêm chi phí, mất nhiều thời gian nhưng hầu hết doanh nghiệp cho rằng việc tuân thủ quy định IUU sẽ mang lại nhiều lợi ích bền vững cho ngành thủy sản VN.

Kiểm tra rất ngặt nghèo

Có tới 30%-35% lượng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu, ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn, cho biết nếu trước đây, khi thủy sản VN đang thẻ xanh thì xuất khẩu rất thuận lợi. Ví dụ, cơ quan hải quan EU chỉ kiểm mẫu đại diện lô hàng nên hồ sơ thông quan rất nhanh.

Tàu khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân TP Tuy Hòa, Phú Yên cập cảng sau thời gian đánh bắt xa bờ. Ảnh: TẤN LỘC

Tuy nhiên, từ khi áp dụng thẻ vàng, sản phẩm có nguyên liệu hải sản đánh bắt đều phải tuân thủ nghiêm quy định IUU. Cơ quan chức năng EU kiểm tra rất ngặt nghèo. Theo đó, mỗi container hàng xuất khẩu có thể bị lấy mẫu với tỉ lệ chiếm tới 7%-10%. Đặc biệt hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ hàng xuất khẩu phải được chuyển qua trước để họ kiểm tra rất kỹ.

“Hồ sơ đạt yêu cầu thì mới được xuất. Nhưng như vậy vẫn chưa xong, các lô hàng đều kiểm tra, lấy mẫu các kiểu… Dù lượng hàng xuất khẩu năm năm qua sang EU không giảm nhưng do chi phí kiểm tra đội lên, lợi nhuận doanh nghiệp giảm đi nhưng đây là hướng đi bền vững và minh bạch cho ngành thủy sản VN” - ông Long chia sẻ.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cũng cho hay những năm qua, các lô hàng mực xuất khẩu sang EU vẫn thông suốt, vượt qua các khâu kiểm tra rất kỹ về nguồn gốc, xuất xứ theo các quy định IUU.

Đặc biệt, quy định của EU chủ yếu tác động lên hải sản, trong khi lượng hàng hải sản xuất khẩu không lớn khi chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng thủy sản xuất khẩu của VN. Tuy nhiên, thẻ vàng của EU giúp ngành thủy sản VN chuyển mình thay đổi từ ngành khai thác tự do thành một ngành khai thác hải sản chuyên nghiệp, có quản lý, bền vững. Từ ngư dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương đến bộ, ngành… đều phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi tài nguyên, hệ sinh thái biển, mối quan hệ với các quốc gia khác trên biển.

Bằng chứng là VN đã thông qua Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ tháng 1-2019, đưa toàn bộ khuyến cáo của EU về quy định IUU vào luật. Các chuỗi liên kết giúp công tác truy xuất nguồn gốc được rõ ràng, minh bạch. Các tàu cá tham gia chuỗi không được vi phạm vùng biển nước ngoài…

Thực hiện tốt có lợi cho cả ngành thủy sản

Nhiều địa phương ven biển trên cả nước khẳng định đã quyết liệt triển khai các biện pháp từ pháp lý đến kỹ thuật nhằm thực hiện các khuyến nghị của EC, từ đó kỳ vọng VN sớm được gỡ thẻ vàng.

Thị trường EU yêu cầu các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất đối với thủy sản nhập khẩu. Ảnh: QH

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết trong những năm qua tỉnh Bình Định đã làm tốt các công tác quản lý tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Đồng thời, tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng, xác nhận và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Nếu bị thẻ đỏ, thiệt hại rất lớn

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng ngư dân tuân thủ pháp luật không phải để đối phó với cơ quan chức năng mà đó chính là quyền lợi của ngư dân. Nếu bị thẻ đỏ thì sẽ không xuất khẩu được hải sản, lúc đó ngư dân đánh được cá cũng không bán được.

Đại diện VASEP cũng thông tin: Nếu bị áp dụng thẻ đỏ, lệnh cấm thương mại sẽ được áp dụng hoàn toàn đối với các sản phẩm thủy sản khai thác. Năm 2022, ước tính xuất khẩu thủy sản sang EU đạt trên 1,4 tỉ USD, trong đó hải sản khoảng 420 triệu USD, thủy sản nuôi khoảng 980 triệu USD. Như vậy, nếu thẻ đỏ xảy ra từ năm 2023 thì thiệt hại xuất khẩu riêng sang EU là rất lớn.

Đáng chú ý, các chủ tàu, thuyền trưởng hiện đã tuân thủ việc báo cáo trước 1 giờ khi tàu cập cảng, rời cảng; ghi và nộp nhật ký khai thác thủy sản đúng quy định; tuân thủ sự điều động của ban quản lý các cảng cá.

“Đặc biệt, nhờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 100% tàu cá theo quy định nên trong thời gian qua tỉnh Bình Định đã quản lý được nhóm tàu khai thác vùng khơi, số tàu của ngư dân đánh bắt vi phạm IUU giảm dần” - ông Phúc thông tin.

Nhiều ngư dân ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) nói việc chống khai thác bất hợp pháp, thực hiện các quy định để góp phần gỡ thẻ vàng của châu Âu cũng là trách nhiệm của mỗi ngư dân. Bởi việc này gắn liền với quyền lợi lâu dài của ngư dân.

Ông Trần Kim Sơn (chủ tàu cá ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Thiết bị giám sát hành trình trên tàu của tôi bị hỏng do dông sét gây chập điện. Khi về đến đất liền, tôi đề nghị cơ quan chức năng lắp đặt thiết bị mới ngay cho tàu cá của tôi. Thiết bị này giúp cơ quan chức năng kiểm soát, cho phép tàu cá tiếp tục khai thác theo lịch trình. Chính vì thế, chúng tôi luôn thực hiện vận hành thiết bị theo đúng quy định, không bao giờ tự ý ngắt kết nối”.

Cần số hóa quản lý hoạt động nghề cá

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP), cho biết ngay sau khi EC đưa ra cảnh báo thẻ vàng, hiệp hội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ thẻ vàng của EC. Đơn cử như phối hợp với các địa phương tổ chức các buổi làm việc với ngư dân để nắm bắt những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chống khai thác IUU tại địa phương.

Ông thông tin thêm: Quy định IUU hiện nay không còn là yêu cầu riêng của EU mà đang dần trở thành yêu cầu của các thị trường lớn khác. Cụ thể, Nhật Bản thông báo từ ngày 1-12-2022 sẽ áp dụng giấy chứng nhận, xác nhận theo quy định IUU với bốn loài thủy sản xuất khẩu vào thị trường này gồm mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu mackerel và cá trích. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt có chứng nhận.

Từ thực tế trên, lãnh đạo VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng cho các cảng cá. Đồng thời cần số hóa hệ thống nghề cá để lưu trữ các số liệu, qua đó hỗ trợ quá trình gỡ thẻ vàng IUU.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Phước, cũng cho rằng Nhà nước cần có nghiên cứu khoa học bài bản, toàn diện về tài nguyên biển, hệ sinh thái, các giống loài, bộ nghề khai thác đánh bắt, khu vực, mùa khai thác, sản lượng… Từ đó có quy hoạch chi tiết cho việc khai thác đánh bắt từng loại hải sản, kích cỡ, mùa, khu vực được đánh bắt.

Kinh nghiệm gỡ thẻ vàng của Thái Lan

Năm 2015, Thái Lan bị EU áp dụng thẻ vàng, đến năm 2019, sau gần bốn năm EU mới gỡ thẻ vàng cho thủy sản Thái Lan. Chính phủ Thái Lan đã chi khoảng 87 triệu euro cho các chương trình chống đánh bắt IUU, trả lương cho đội ngũ gồm 4.000 thanh tra và thiết lập hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát nghề cá (MCS) mới.

Theo Cục Thủy sản Thái Lan, những yếu tố dẫn đến thành công của Thái Lan trong việc đấu tranh với đánh bắt IUU gồm: Ban hành các luật mới về thủy sản và biển, tạo khuôn khổ chính sách chiến lược, cải tổ hệ thống quản lý hải sản, thiết lập hệ thống MCS mạnh mẽ, thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn cùng các biện pháp trừng phạt mang tính răn đe, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc nâng cao mới, ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động và chủ động hợp tác quốc tế.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/thay-doi-de-thuy-san-phat-trien-ben-vung-post703693.html