Thay đổi môi trường sống, thay đổi cách nhìn đời

Sau khi Vi Bá vào tù, chẳng bao lâu, Tiểu Viên vợ anh đã biến mất khỏi thành phố. Trước đó một thời gian, chị đã lên kế hoạch cho việc này rồi.

Mỗi môi trường sống lại mang tới cho chúng ta các trải nghiệm sống khác nhau, từ đó, thế giới quan cũng mở rộng hơn, sâu sắc hơn. Ảnh: Thearthunters.

Đây là lần đầu tiên trong đời Tiểu Viên quyết tâm đến vậy, chị muốn thay đổi môi trường sống để trở thành một người khác.

Chị đã âm thầm xin được chân giáo viên dạy Địa lý tại một trường trung học cơ sở tại huyện Sào. Chị thu dọn đồ đạc của mình và chuyển đến đó. Tiểu Viên chẳng vướng bận điều gì, vì Vi Bá và hai cậu con trai đã không còn cần chị nữa.

Nhưng Tiểu Viên không tự tin lắm vào tương lai của mình, chị là loại người đi được bước nào hay bước nấy. Chị thực sự thích thị trấn nhỏ dựa núi kề sông này, những phong tục dân gian thuần phác nơi đây cũng khiến chị ngây ngất. Cả đám học sinh nữa, chúng đã nhanh chóng yêu mến cô giáo trung tuổi này. Sau mỗi giờ tan học, luôn có một đám học sinh vây lấy chị và đưa chị về ký túc xá của trường.

Tiểu Viên cảm thấy công việc mình đang làm thú vị hơn nhiều so với công việc trước đây. Chị cũng không ngờ chất lượng học sinh trung học ở một thị trấn nhỏ lại khá như vậy. Quan trọng nhất là những đứa trẻ này có một lượng kiến thức rất phong phú về thực vật và động vật, đồng thời đầy lòng hiếu kỳ về phong tục tập quán của những vùng đất xa lạ.

Những chuyện tình thế kỷ mới đem đến cho độc giả cái nhìn khác về sự nỗ lực của con người để hướng đến một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn hơn. Ảnh: Nhã Nam.

Điều khiến Tiểu Viên ngạc nhiên là học sinh của chị luôn chuẩn bị đầy đủ trước mỗi buổi học. Kết quả là tiết học Địa lý của chị thường biến thành một cuộc thảo luận lớn, mỗi học sinh đều đóng góp những kiến thức thú vị của mình cho bài học ở trên lớp. Mặc dù kỷ luật có bị đảo lộn, nhưng về một mức độ nào đó, mọi người đều cảm thấy hài lòng.

Ban đầu, Tiểu Viên nghĩ rằng có lẽ các học sinh trong lớp đều mong chờ cơ hội được đi chu du khắp thế giới, vì đây thường là suy nghĩ của hầu hết học sinh yêu thích môn Địa lý. Cho tới một ngày, hai nữ sinh đến chơi ký túc xá đã thay đổi quan điểm của chị.

Hai học sinh này cực kỳ say mê các loại thực vật. Tiểu Viên đã đến nhà của hai cô bé, đó là những căn nhà mái bằng có vườn đằng sau, trồng đủ loài kỳ hoa dị thảo. Cả hai khu vườn đều bắc một giá gỗ lớn, bên trên xếp lớp lớp những bình thủy tinh miệng rộng, trong đổ đầy đất cát, từ đó mọc lên nhiều loài cây thân thảo tươi tốt.

Vén mây mù mới thấy trời xanh

Cô bé có tên Tiểu Vy đã nói với chị rằng mục đích trồng cây trong chai thủy tinh là để quan sát hoạt động của bộ rễ. Khi được hỏi quan điểm về du lịch, cô bé trả lời:

“Thưa cô, ngày nào em cũng du lịch trong khu vườn này. Có một thế giới thu nhỏ ngay tại đây. Đêm tối, sau khi tắt hết đèn, em nằm yên và tập trung lắng nghe. Giường của em kê ngay cạnh những bình thủy tinh lớn, phần đất bên trong xốp mềm. Em nghe thấy tiếng rễ cỏ phượng vĩ đâm dài xuống dưới, phát ra âm thanh ‘xì xì’. Thảo mộc không có chân, cái bình chính là thế giới của chúng, chúng đã đi du lịch như thế đấy”.

“Cô hiểu rồi, Tiểu Vy, thực ra em mới chính là giáo viên của cô đó. Vậy còn hoa dành dành, chúng chu du thế giới ra sao?”.

“Hoa dành dành ạ?", cô bé tên Tiểu Thanh cắt ngang, “hoa dành dành chu du thế giới bằng hương thơm của chúng. Có lần em lên thành phố và nghỉ trong một tòa nhà cao tầng kín mít, đêm nào em cũng ngửi thấy mùi hoa dành dành. Nếu ai đã từng chăm sóc cây dành dành thì sẽ bị chúng quấn lấy cả đời. Ngoài ra còn loài trà lùn có tác dụng kháng viêm nữa, dù đang ở đâu chăng nữa, chỉ cần cơ thể bị viêm nhiễm, em sẽ nhớ ngay tới chúng. Khi tập trung nghĩ về giống trà lùn, những chỗ viêm sẽ bị đẩy lùi. Chắc cô cũng thấy đấy, em đã trồng cả vạt lớn trong vườn”.

Những lời bộc bạch của hai cô gái đã làm Tiểu Viên rung động thật lâu. Nhớ về những chiếc đồng hồ trước đây mình thường mang theo lúc đi du lịch, chị cảm thấy hành động của mình có phần ấu trĩ. So ra thì, những cái cây được hai nữ sinh này trồng mới là những chiếc đồng hồ đích thực. Nhưng nếu không đến huyện Sào, chị sẽ không bao giờ biết được bí mật ấy. Thị trấn vừa cởi mở vừa khép kín này là thế nào?

Tiểu Viên thấy vui bởi vẫn còn nửa cuộc đời để từ từ tìm hiểu về huyện Sào. Trong những ngày tới, chị sẽ lần lượt khám phá từng chiếc đồng hồ xung quanh mình. Tiểu Viên mỉm cười với mình trong gương, những dấu hiệu ban đầu cho thấy cuộc di dời chỗ ở của chị đã thành công. Sống trong thị trấn được bao quanh bởi những ngọn núi này, đêm nào chị cũng ngủ rất yên bình. Chị thực sự có cảm giác nơi đây là “nhà”, điều mà rất nhiều năm qua chị chưa từng có được.

“Cô Viên, nếu em mang con chuột em nuôi đến Honduras, nó có thể sống được ở đó không?”

Người đang hỏi là cậu học trò họ Lã, một nam sinh thấp bé, tính tình nhút nhát. Hai cô trò đang từ căng tin đi ra.

“Cô cũng không biết.” Tiểu Viên suy nghĩ một lúc rồi đáp, “Em thử hỏi nó xem, biết đâu nó sẽ nói cho em hay”.

“Cảm ơn cô”.

Tiểu Viên nhận thấy dáng của cậu bé khi chạy trông đáng yêu như một chú chuột nhỏ. Cậu sống trong một ngôi nhà mái bằng dột nát ở cuối phố, Tiểu Viên biết nơi đó chính là thiên đường của các loài vật nhỏ. Có lần, khi đang ngồi trên chiếc ghế gỗ vừa dài vừa rộng trong nhà cậu, một con gián bóng nhẫy khệnh khạng trèo lên ống quần chị.

Tiểu Viên chìm đắm trong thế giới của những đứa trẻ, lấy làm mừng cho sự may mắn của mình.

Tàn Tuyết / NXB Phụ nữ Việt Nam - Nhã Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thay-doi-moi-truong-song-thay-doi-cach-nhin-doi-post1370941.html