Thay đổi nhận thức của cộng đồng về sáng tạo

Với nhiều người, sáng tạo dường như là thứ xa vời, thứ chỉ dành cho tầng lớp tinh hoa. Thực tế, sáng tạo đơn giản hơn nhiều.

Chuỗi hơn 30 sự kiện và hoạt động giáo dục trong Liên hoan Truyền thông và thiết kế Việt Nam-Hà Nội 2019, từ ngày 1 đến 17-11, tại Hà Nội, do Đại học RMIT Việt Nam lần đầu tiên hợp tác cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) tổ chức, được coi là một trong những hoạt động mạnh mẽ thúc đẩy, hướng dẫn và kết nối sáng tạo, đặc biệt trong giới trẻ ở Việt Nam.

Sáng tạo không xa vời

Ăn mặc phản cảm, lố lăng, viết nhạc và phát ngôn bừa bãi… làm nhiều người trẻ lầm tưởng mình đang sáng tạo, học theo sáng tạo. Thực tế, tất cả những hành động đó đều bị xã hội lên án bởi làm xấu đi hình ảnh của giới trẻ nói riêng, văn hóa Việt nói chung. Nhưng sáng tạo thế nào để tạo ra tính thẩm mỹ lại là điều khiến nhiều người cảm thấy khó khăn, xa vời. Những hoạt động trong Liên hoan Truyền thông và thiết kế Việt Nam tạo cho những người tham dự cảm giác về sáng tạo không có hồi kết và ở bất cứ lĩnh vực nào và cũng để thấy sáng tạo hoàn toàn không phải là tạo ra những “thảm họa thẩm mỹ”, “thảm họa cảm xúc”… Sáng tạo gần gũi, thân thiện và làm đẹp cho cuộc sống hơn nhiều.

Triển lãm tò he có những “cách tân” hấp dẫn.

Một trong những hoạt động đầu tiên của dự án là triển lãm tò he volution. Triển lãm thu hút sự hứng thú và tò mò của nhiều người bởi hầu như không người Việt Nam nào cảm thấy lạ với món đồ chơi dân gian nhỏ xinh thủa nhỏ. Ngoài giới thiệu từ khởi thủy, giờ đây với những phiên bản đương đại, tò he còn có những phiên bản cách tân mang tính sáng tạo của người trẻ, hiện đại, đa dạng, đẹp mắt… Từ món đồ chơi này trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo khi yếu tố truyền thống được đưa vào cuộc sống hiện đại phù hợp, nhuần nhuyễn chính là thứ khiến người xem thích thú.

Không chỉ có câu chuyện của tò he, triển lãm và nói chuyện về sự kết nối mới lạ giữa thời trang và kiến trúc hiện đại được lấy cảm hứng từ những tấm ảnh đường phố của Việt Nam vào những năm 1960 (NEXUS) cho góc nhìn mới mẻ về việc thiết kế, văn hóa, thời trang, truyền thông và môi trường đô thị đang hòa quyện vào nhau như thế nào. Đồng thời, các mảng này đang mượn ý tưởng lẫn nhau để nâng tầm diện mạo độc đáo và đầy phong cách của đất nước. “Với dự án này, kiến trúc sư làm việc như nhà thiết kế thời trang. Họ tạo ra công trình thoải mái nhất cho con người giống như cách mà thời trang làm. Đây là chìa khóa trong ngành thiết kế tương lai, nó gắn kết con người với môi trường tự nhiên”, Kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà chia sẻ. Nhận định của Kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà dường như là một trong những cách hay để xây dựng thương hiệu thiết kế thời trang của Việt Nam, giúp những nhà thiết kế trẻ trưởng thành hơn.

Sự sáng tạo còn nằm ở cách hình tượng hóa nơi sinh sống của bạn khi khung cảnh xung quanh quá quen thuộc và cần trí nhớ để nhận ra những thứ quen thuộc theo cách khác; tái chế, tái sử dụng, sáng tạo trên các đồ vật cũ làm từ chất liệu vải để học thêm những bí quyết giúp giảm thiểu việc vứt bỏ. Những người trẻ tới liên hoan đã được giới thiệu các thiết kế, tài liệu kiến trúc, học cách ghép tranh hay hình ảnh từ vải vụn; tự tay trải nghiệm tái chế vòng cổ dạng yếm vải đính đá lấy cảm hứng từ triển lãm Thờ Mẫu với những vật liệu thừa và những phụ kiện tái chế, len, kim; chiếu phim ngắn Việt Nam, trải nghiệm điện ảnh; học những kỹ năng cơ bản về cách chụp ảnh bằng chiếc điện thoại thông minh; hội thoại sáng tạo; kể chuyện thương hiệu… và cả những chuyến dã ngoại về làng làm chuồn chuồn tre Thạch Xá, thăm xóm chùa Tây Phương (Thạch Thất), thăm hồ Hoàn Kiếm quen thuộc với những cách tiếp cận mới về không gian sáng tạo mang đậm hồn Việt.

Kết nối và lan tỏa những sáng tạo

Mượn văn hóa để hướng dẫn sáng tạo dường như là phương cách xuyên suốt các sự kiện. Có thể thấy những người tổ chức sự kiện sớm đã nhận ra rằng sáng tạo mà không dựa vào vốn văn hóa thì không thể có chiều sâu. Ngược lại, di sản văn hóa nếu không có kết nối của người trẻ sẽ dẫn đến đứt gẫy.

Liên hoan đã làm được một việc quan trọng là thu hút nhiều bạn trẻ để họ tự trải nghiệm và đúc rút những điều bổ ích cho mình. Bạn Lê Thị Thủy, sinh viên năm thứ ba, Khoa Kinh tế và Quản lý đô thị, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng thời là phụ trách Câu lạc bộ Doanh nhân tương lai của khoa có mặt tại sự kiện và chăm chú theo dõi các diễn giả tại NEXUS, Thủy cho biết: “Thời trang phảng phất kiến trúc thì độc đáo còn kiến trúc kết hợp thời trang thường mềm mại. Biết thêm về những khía cạnh mới khiến em có cảm giác như không rời sự kiện này được”. Thủy cho biết, sẽ chụp thật nhiều ảnh và ghi lại thật nhiều thông tin để về truyền cảm hứng cho bạn bè của mình.

Cũng như Thủy, sự tham gia của đông đảo những người trẻ vào sự kiện cho thấy sáng tạo không chỉ là năng lực mà còn là nhu cầu. Hiện nay, người trẻ ở Việt Nam có năng lực nhưng thiếu sự kết nối. Những câu chuyện ghi nhận ở liên hoan cho thấy các bạn trẻ không đơn độc và để họ nhìn thấy cơ hội mới cho mình, khơi gợi cảm hứng để tất cả mọi người thấy rằng thiết kế, sáng tạo không chỉ ở văn hóa mà có thể ở bất cứ lĩnh vực nào. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia (VICAS), cho rằng: “Liên hoan sẽ mang lại những hiệu quả tác động lớn trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về tầm quan trọng của hoạt động sáng tạo và giáo dục sáng tạo ở Việt Nam”. Trong khi đó, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Michael Croft tin rằng, “Liên hoan sẽ kết nối các cá nhân, tập thể và tổ chức, những người cùng chia sẻ niềm tin rằng các ngành sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển tương lai của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung.

Bài và ảnh: HUY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/thay-doi-nhan-thuc-cua-cong-dong-ve-sang-tao-598917