Thay đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế

Sáng 26.10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị - hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu chỉ đạo Hội thảo - Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhìn nhận, thời gian qua, việc chuyển đổi số tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được các kết quả tích cực như: Nhận thức và hành động về chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có nhiều chuyển biến; việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi số và xây dựng chính phủ số của Bộ.

Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai các nền tảng số dùng chung cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch như nền tảng bảo tàng số, nền tảng số về quản trị và kinh doanh du lịch. Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả, tăng mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công ích; công tác bảo đảm bảo an toàn, an ninh luôn được chú trọng.

Nguồn lực dành cho chuyển đổi số được quan tâm, tăng cường, đặc biệt là kinh phí cho chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn như triển khai các hệ thống ứng dụng, tạo lập cơ sở dữ liệu, duy trì vận hành, tuyên truyền và đào tạo đã tăng hàng năm.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể và so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đề ra, kết quả chúng ta đạt được chưa đồng đều ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, nhiều chỉ tiêu đạt được còn thấp so với mục tiêu đến năm 2025.

Các đại biểu tham dự sự kiện

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định số 3611/QĐ-BVHTTDL về Chương trình Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn các cơ quan, đơn vị tích cực trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị để cùng tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu, hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Gần 40 tham luận thuộc các lĩnh vực từ văn hóa, di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền, thể thao, du lịch đến vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số đề cập những thành công bước đầu của việc triển khai chuyển đổi số đã có tác động rất rõ ràng, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, PGS. TS Lê Thị Thu Hiền, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên môi trường số đã đạt được một số kết quả trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo tàng và hiện vật; kiểm kê, quản lý hiện vật, di vật, bảo vật quốc gia; tự động hóa môi trường bảo quản; xây dựng được bảo tàng số, bảo tàng ảo... Qua đó, nâng cao nhận thức các cấp về việc số hóa, chuyển đổi số xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, bước đầu tạo được kết nối liên thông thành hệ thống quản lý chung trên phạm vi rộng...

Đại biểu bấm nút khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho biết, chuyển đổi số đã giúp cho ngành kết nối với cơ sở, địa phương, di sản, khu di tích thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của du lịch, như hỗ trợ Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch chính thức đưa vào vận hành hệ thống vé điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vận hành khu di tích, tạo thuận lợi cho khách tham quan. Tổng cục Du lịch đang tiếp tục làm việc với Ban quản lý Đền Quán Thánh (Hà Nội) và một số khu, điểm du lịch khác để hỗ trợ áp dụng hệ thống vé điện tử.

Đồng thời, Tổng cục Du lịch phát triển các ứng dụng, tiện ích công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp và khách du lịch như: Ứng dụng "Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel"; ứng dụng "Quản trị và kinh doanh du lịch"; Thẻ du lịch thông minh trong chương trình Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia; Trang vàng du lịch Việt Nam…

Các đại biểu đề xuất, thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết để tiếp tục thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong ngành, hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và gia đình; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm CNTT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông tin, Trung tâm CNTT luôn chủ động cập nhật tình hình, tham mưu cho lãnh đạo Bộ về chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số theo giai đoạn và kế hoạch chuyển đổi số hàng năm của Bộ; đồng thời đồng hành, phối hợp và hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ trong quá trình triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số.

Về công việc trọng tâm thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết: "Bộ có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số. Đó là hệ thống xây dựng nền tảng số theo trục dọc và hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ - được coi là "trái tim" về dữ liệu số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra, chúng tôi có các dự án tạo đà phát triển, đó là dự án về số hóa các di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch. Tất cả các di sản văn hóa sẽ được xây dựng trên bình diện tổng quát đối với việc xây dựng bản đồ số về các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam...".

H.Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-lich-the-thao/thay-doi-nhan-thuc-hoan-thien-the-che-i304813/