Thay đổi nhận thức, ứng xử với di sản

Năm nay tròn 20 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO thông qua (2003 - 2023). Theo PGS.TS. LÊ THỊ THU HIỀN, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tham gia Công ước từ năm 2005, Việt Nam đã thể hiện là thành viên tích cực, trách nhiệm; đồng thời góp phần bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của mình tốt hơn.

Nhận diện giá trị, bảo vệ kịp thời

- Nhìn lại chặng đường gần 20 năm qua, việc gia nhập Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thưa bà?

PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền

- Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO thông qua năm 2003 (Công ước 2003). Mục đích của Công ước 2003 là bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; bảo đảm sự tôn trọng đối với di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng, các nhóm người và các cá nhân có liên quan; nâng cao nhận thức ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, để từ đó bảo đảm sự tôn trọng lẫn nhau trong lĩnh vực này; tạo ra sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế.

Ngày 5.9.2005, Việt Nam trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước 2003, đánh dấu sự hội nhập, xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, năm 2022, Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 nhiệm kỳ 2022 - 2026, tiếp tục đóng góp kinh nghiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản, từ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới sự nhất trí, đồng lòng của cộng đồng chủ thể di sản và toàn xã hội; đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội, phát triển đất nước.

- Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được thể hiện qua danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, qua đó nhận thức được tầm quan trọng của di sản và có biện pháp bảo vệ phù hợp. Ở khía cạnh này, Việt Nam đã đạt được kết quả như thế nào?

- Sau gần 20 năm tham gia Công ước 2023, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Chúng ta có 2 hồ sơ đang được UNESCO xem xét là Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam và Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ; 3 hồ sơ đang được xây dựng, hoàn thiện là Mo Mường, Nghệ thuật chèo và Võ cổ truyền Bình Định.

Ở cấp độ quốc gia, tính đến hiện tại, cả nước có gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê và đã có 534 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Có thể thấy, việc xây dựng hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể trình UNESCO ghi danh, cũng như đưa vào danh mục quốc gia là hoạt động thiết thực góp phần nhận diện giá trị kho tàng di sản văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, từ đó triển khai kịp thời các đề án/dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản, ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền di sản…

Thực hiện đúng tinh thần Công ước 2003

- Thực tế, nhờ được ghi nhận, tôn vinh ở cấp quốc gia và quốc tế đã khơi dậy niềm tự hào, khích lệ mạnh mẽ cộng đồng bảo vệ di sản khỏi nguy cơ mai một, thất truyền. Bà nghĩ sao về điều này?

- Đúng vậy! Tôi có thể lấy ví dụ với di sản ca trù, sau khi được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2009, loại hình nghệ thuật này đã dần hồi sinh. Nhiều biện pháp được thực hiện nhằm bảo vệ di sản như đã cam kết trong hồ sơ. Năm 2011, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thực hiện sưu tầm và mở lớp truyền dạy các bài bản về hát ca trù cửa đình do nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ trao truyền tại Hải Dương... Bên cạnh đó là nỗ lực bảo vệ và phát huy di sản ca trù của các tổ chức, câu lạc bộ, cá nhân, các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Dương, Hà Tĩnh…). Gần đây, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã công bố kết quả mô hình cốt lõi của âm nhạc ca trù, từ đó xây dựng nội dung và phương thức truyền dạy ca trù hiệu quả.

Thành quả trên được ghi lại trong báo cáo định kỳ quốc gia trình UNESCO: số lượng câu lạc bộ và người tham gia thực hành ca trù ngày càng tăng, từ 90 câu lạc bộ năm 2017, lên hơn 100 câu lạc bộ hoạt động thường xuyên năm 2021; số người thực hành tăng từ 903 người năm 2010 lên 1.530 người năm 2021... Những con số này thể hiện nhiệt huyết và tình yêu với di sản của mỗi cá nhân, cộng đồng thực hành ca trù.

Di sản ca trù đang hồi sinh. Nguồn: kiemkedisan.d.webcom.vn

- Đạt được thành quả như bà vừa nêu hẳn không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi cơ cấu xã hội đang diễn ra mạnh mẽ, mối đe dọa về sự suy thoái, biến mất và hủy hoại các di sản văn hóa phi vật thể ngày càng nhiều?

- Quả thực, Việt Nam cũng gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Công ước 2003. Thứ nhất, hành lang pháp lý hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động thực hành di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể, còn thiếu và chưa cụ thể; chế tài xử phạt vi phạm cũng chưa đầy đủ.

Thứ hai, chưa quan tâm đúng mức tới di sản; nguồn lực đầu tư bảo vệ di sản chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhiều di sản sau khi được ghi danh chưa xây dựng và triển khai được các đề án bảo vệ.

Thứ ba, nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể chưa đầy đủ và chưa đồng đều, dẫn tới một số thực hành di sản không đúng nguyên tắc, như tổ chức chấm thi hầu đồng, thiết lập kỷ lục hát then, xòe Thái... Trong một số trường hợp, chưa tôn trọng các tập tục, đặc biệt là những điều bí mật, có tính thiêng, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tồn tại hoặc làm biến đổi bối cảnh, bản chất di sản...

- Để thực hiện tốt hơn Công ước 2003, đóng góp vào vệc bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, bà mong muốn gì?

- Chúng tôi hy vọng tới đây, bộ máy quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể từng bước được hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thống nhất từ trung ương tới địa phương. Cùng với đó, nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể ngày càng được nâng cao, để có ứng xử đúng đắn với di sản, với chủ nhân của di sản, với luật pháp về di sản văn hóa phi vật thể và phù hợp với tinh thần Công ước 2003 về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

- Xin cảm ơn bà!

Hương Sen thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/thay-doi-nhan-thuc-ung-xu-voi-di-san-i353730/