Thay đổi phải từ gốc

Câu chuyện về bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập trở thành vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm, bình luận nhiều chiều của dư luận trong thời gian vừa qua.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Ngày 29/7, Bộ GD&ĐT có công văn đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó, một nội dung có thể coi khá “mạnh dạn” là đề xuất Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ sửa đổi quy định về bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hướng: Đối với viên chức ngành Giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thay thế bằng các chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp do Bộ GD&ĐT quy định. Trong trường hợp không thể thay thế tất cả thì chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Khoan hãy nói đến việc Bộ Nội vụ có tiếp thu ý kiến góp ý nêu trên của Bộ GD&ĐT hay không, ta hãy bàn về tính khả thi của đề xuất nêu trên và thực hư về câu chuyện các chứng chỉ trở thành “gánh nặng” cho đội ngũ giáo viên như thế nào.

Như chúng ta biết, năm 2010, Quốc hội thông qua Luật Viên chức. Việc ban hành Luật Viên chức thực sự là một dấu mốc quan trọng đánh dấu hành trình chuẩn hóa, hội nhập quốc tế trong việc quản lý viên chức. Nghĩa là, từ thời điểm có Luật, việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức bước vào giai đoạn chuẩn hóa, vì tất cả nội dung liên quan đến viên chức đã được Luật hóa, và đội ngũ viên chức được quản lý một cách chuẩn chỉ và bài bản.

Điều này, cần được nhìn từ nhiều góc, nhiều chiều. Với người làm công tác quản lý, Luật hóa một lĩnh vực là tốt, vì sự quản lý bài bản, đầy đủ hành lang pháp lý và tiến tới chuẩn hóa. Tuy nhiên, những nhóm đối tượng hoặc những nội dung vốn chưa chuẩn sẽ cần phải hoàn thiện để bảo đảm đạt chuẩn - tâm lý chung của đối tượng bị quản lý thường không thích việc này. Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên là một nội dung như thế.

Cần biết rằng, trước năm 2010, tất cả viên chức đều không hề biết đến bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Sau năm 2010, Bộ GD&ĐT cũng không phải là “tác giả” của yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để ép giáo viên phải học, từ đó kéo theo một số vấn đề khác, như một số bình luận nhắc đến.

Vậy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp xuất phát từ đâu?

Theo quy định tại Điều 33 Luật Viên chức, hình thức đào tạo, bồi dưỡng viên chức gồm: “Đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ quản lý; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; Bồi dưỡng nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ hoạt động nghề nghiệp”. Như vậy, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là một hình thức bồi dưỡng bắt buộc, được quy định trong Luật Viên chức năm 2010.

Cho đến nay, khi Chính phủ ban hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, nội dung nêu trên không được đề cập đến. Nghĩa là, Chính phủ cũng thấy rằng chưa có gì bất cập để phải bàn đến câu chuyện sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, Luật Viên chức năm 2010 cũng quy định trách nhiệm của các Bộ được giao quản lý Nhà nước về các lĩnh vực hoạt động của viên chức “quy định chi tiết về nội dung, chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng viên chức làm việc trong ngành, lĩnh vực được giao quản lý”. Như vậy, việc Bộ GD&ĐT ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập là một bước chuẩn hóa, hướng dẫn thực hiện Luật. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cũng chỉ là văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

Do đó, đề xuất hủy bỏ hình thức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, hay sử dụng thay thế bằng chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp chỉ là “ngọn”. Nếu “gốc” là Luật Viên chức năm 2010 không thay đổi thì không có cơ sở để thực hiện. Có chăng, để bảo đảm tính khả thi của đề xuất nêu trên, Bộ Nội vụ có thể nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ điều chỉnh Nghị định 101/2017/NĐ-CP theo hướng trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng thay thế giữa các hình thức bồi dưỡng thì giao cho Bộ quản lý viên chức chuyên ngành quy định.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/thay-doi-phai-tu-goc-a1gpGUSMR.html