Thay đổi phương án thi 2017: Quá thiên vị cho học sinh khối A1, D

Phương án thi 2 năm trở lại đây đã tạo ra nhiều lợi thế cho các thí sinh thi khối A1 và khối D. Với phương án 2017, sự “thiên vị” này càng trở nên rõ ràng hơn. Điều này có thể khiến cho có nhiều em thay đổi khối thi, gây mất cân bằng sâu sắc.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc

Đây là ý kiến của thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (giáo viên trung tâm Học Mãi) xung quanh việc Bộ GD & ĐT vừa mới công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2017.

Việc Bộ GD & ĐT thay đổi cách thức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH năm học 2017, theo thầy, có gây khó khăn gì cho giáo viên, học sinh hay không?

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc: Đổi mới phương thức thi – tuyển sinh là một phần giải pháp để Đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục, thậm chí còn được coi là khâu đột phá, ưu tiên.

Do đó, việc Bộ Giáo dục liên tục đổi mới cách thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH đã nằm trong lộ trình, kế hoạch và là tất yếu.

Trên nhiều phương tiện truyền thông, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã khẳng định phương án thi 2017 đã được lên lộ trình từ 3 năm trước.

Điều đáng tiếc là ở chỗ lộ trình đó chưa được thông tin một cách đầy đủ tới toàn thể xã hội, khiến cho chúng ta luôn có cảm giác “bất ngờ” trước mỗi lần đổi mới.

Theo khẳng định của Bộ Giáo dục và đào tạo thì phương án thi 2017 chỉ là giải pháp hoàn thiện, cải tiến hơn của phương án thi 2016 chứ không có thay đổi nào lớn. Quả thực là nhìn vào tổng thể, phương án 2017 chỉ có 2 điểm mới cơ bản là: chuyển một số môn (Toán học, Lịch sử, Địa lý) từ Tự luận thành Trắc nghiệm và giảm bớt số câu hỏi ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học (từ 50 câu còn 20 câu) và ghép lại thành bài thi Khoa học tự nhiên.

Hai thay đổi “nhỏ” đó có thể giúp cho công tác tổ chức thi, chấm thi của Bộ trở nên nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhưng sẽ kéo theo hàng loạt những khó khăn vướng mắc cho cả 3 phía: học sinh, thầy cô giáo phổ thông và các trường Đại học khi xét tuyển.

Thực tế là chúng ta đã có 1 kỳ tuyển sinh 2016 rất thành công về phương diện tổ chức thi, ra đề thi, chấm thi, …. Cả xã hội đều ghi nhận đó là kỳ thi diễn ra nhẹ nhàng, tiết kiệm, nghiêm túc.

Việc rút ngắn số ngày thi từ 4 ngày xuống 2 ngày nhằm “tiết kiệm” là không thật sự cần thiết. Bởi kỳ thi THPT Quốc gia đang phải đảm nhận cả 2 vai trò: xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ xét tuyển cho các trường ĐH – CĐ.

Một kỳ thi có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, phân luồng, …. cho đào tạo nhân lực tương lai của cả xã hội thì nên đặt mục tiêu về chất lượng, về sự công bằng lên trên yếu tố tiết kiệm.

Sự thay đổi phương án thi của Bộ sẽ làm xáo trộn hoàn toàn các kế hoạch học tập trước đó của thí sinh, trước tiên là ở việc thi Trắc nghiệm với môn Toán – bởi đây là môn thi bắt buộc và có mặt trong hầu hết các tổ hợp xét tuyển Đại học.

Về nguyên tắc, việc thi Trắc nghiệm hay Tự luận chỉ là giải pháp kỹ thuật, là hình thức kiểm tra – đánh giá. Nếu thí sinh nắm vững kiến thức và có khả năng thích ứng cao thì dù đề thi tự luận hay trắc nghiệm cũng đều có thể đạt kết quả tốt.

Nói theo cách của thầy thì như vậy có nghĩa là việc thay đổi từ tự luận sang trắc nghiệm không có gì “sốc” đối với học sinh?

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc: Tôi phải khẳng định ngay rằng, ngoài Kiến thức mỗi hình thức thi lại đòi hỏi những Kỹ năng và Kinh nghiệm làm bài riêng, đòi hỏi thí sinh phải có quá trình học tập, rèn luyện tới thành thạo mới có thể đáp ứng tốt được.

Điều này tương tự như việc cùng là kỹ năng chơi bóng, đá bóng, nhưng 1 cầu thủ giỏi của bóng đã trong nhà Futsal chưa chắc đã tỏa sáng được trên sân cỏ và ngược lại.

Với tính chất của kỳ xét tuyển Đại học là “lấy từ trên xuống”, áp lực rất lớn và thí sinh phải giành giật từng điểm số một nên để đạt được kết quả như ý, chắc chắn các em sẽ phải đổ thêm nhiều công sức, thời gian và tiền bạc cho việc rèn luyện với đề thi trắc nghiệm.

Ngay khi Bộ công bố dự thảo, trên mạng Internet đã lập tức xuất hiện các tài liệu luyện thi trắc nghiệm môn Toán và dự báo chỉ trong vài tuần tới, các sách tham khảo, khóa học luyện thi, tài liệu luyện thi, … kiểu này sẽ nở rộ và tiêu tốn của thí sinh và gia đình không ít tiền bạc.

Mục tiêu “giảm tải” hay “nhẹ nhàng” hóa việc thi cử của Bộ sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn.

Bên cạnh những ảnh hưởng của việc thi Trắc nghiệm môn Toán, kế hoạch học tập các môn học khác của học sinh cũng chịu nhiều tác động do phương án thi mới làm giảm số lượng câu hỏi của từng môn thi thành phần trong các tổ hợp thi cũ, điều này làm phát sinh các lo lắng về việc “trọng số” – vai trò của các môn thi trong tổ hợp cũ sẽ bị thay đổi.

Với số lượng câu hỏi ít đi, chất lượng phân loại, độ phủ về kiến thức của đề thi, ... cũng bị đặt dấu hỏi. Nhiều học sinh lo lắng không biết các trường Đại học có đủ tin tưởng vào kết quả của kỳ thi và có tổ chức thêm các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt nữa hay không.

Có lẽ phải tới khi các trường Đại học công bố chính thức phương án xét tuyển – tổ hợp xét tuyển – hình thức thi tuyển cho năm 2017 thì các em học sinh mới có thể hoàn toàn yên tâm và tập trung vào việc học – ôn thi của mình.

Ngoài ra, một vấn đề nữa cũng có thể làm thay đổi kế hoạch ôn tập của các em học sinh, đó là sự “mất cân bằng giữa các khối thi”. Phương án thi – tuyển sinh 2 năm trở lại đây đã tạo ra nhiều lợi thế cho các thí sinh thi khối A1 và khối D.

Với phương án 2017, sự “thiên vị” này càng trở nên rõ ràng, sâu sắc hơn. Điều này có thể khiến cho có nhiều em thay đổi khối thi, chuyển từ khối A hoặc B sang A1 và D để hưởng các lợi thế đó.

Đây là điều rất nguy hiểm, vì nó sẽ dẫn tới nhiều sai lệch trong định hướng, phân luồng, hướng nghiệp, … trong đào tạo nhân lực sau này. Bởi theo số liệu thống kê từ Bộ Lao động thương binh và Xã hội, chúng ta đang thừa quá nhiều cử nhân Kinh tế, trong khi lại thiếu hụt kỹ sư kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là ở trình độ cao.

Nếu phần lớn thí sinh chuyển dịch sang khối A1 và khối D, sự bất hợp lý này sẽ càng trở nên trầm trọng.

So với cách học của các em đang được học trong trường trung học phổ thông hiện nay, việc thay đổi hình thức thi như thế này theo thầy có phù hợp?

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc: Việc chuyển đổi môn Toán từ tự luận sang trắc nghiệm ở thời điểm này không những gây ra nhiều khó khăn cho học sinh trong việc ôn thi mà còn có nhiều điểm bất hợp lý:

Thứ nhất là trong suốt nhiều năm qua, môn Toán ở trường phổ thông đều tiến hành kiểm tra – đánh giá bằng hình thức tự luận, từ các bài kiểm tra miệng, 15’, 1 tiết. Bản thân các thầy cô giáo cũng chưa hề có kinh nghiệm đáng kể trong việc ra đề thi, kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm, kể cả lúc đi học cũng như đi dạy.

Bên cạnh đó, các tài liệu hướng dẫn, ôn tập, giảng dạy, … môn Toán dưới dạng trắc nghiệm cũng rất ít và hầu như không phù hợp với tính chất của kỳ thi THPTQG.

Chính vì vậy, để giáo viên và học sinh có thể làm quen với hình thức kiểm tra mới này chỉ trong vòng 1 năm là rất khó khăn. Thậm chí, cho dù Bộ Giáo dục có đứng ra chủ trì xây dựng 1 Ngân hàng đề thi trắc nghiệm môn Toán thì cũng cần phải có thời gian cùng 1 đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, đã qua đào tạo về Khảo thí trắc nghiệm và vững vàng chuyên môn mới có thể đảm bảo được các yêu cầu về đánh giá.

Có lẽ đề thi sẽ có sự “điều chỉnh” ở mức độ dễ để đảm bảo thí sinh có thể bắt nhịp được nhưng khi đó chúng ta sẽ phải hy sinh nhiều yếu tố phân loại khác của đề thi.

Thứ hai là trong những năm qua, dù chúng ta đã chuyển một số môn thi sang hình thức trắc nghiệm (Hóa học, Vật lý, Sinh học) nhưng trong các tổ hợp xét tuyển Đại học truyền thống trước đây (khối A, B, C, D, ….) đều có ít nhất 1 môn ở dạng Tự luận. Nhờ thế, việc đánh giá học sinh trở nên toàn diện hơn.

Tuy thi trắc nghiệm có thể đánh giá được thêm 1 số kỹ năng mà đề thi tự luận không có (phản xạ, loại trừ, thử nghiệm, ước lượng, phán đoán, …) nhưng sẽ khó có thể đánh giá được chính xác, cụ thể về khả năng lập luận, dẫn dắt, logic, chặt chẽ và các kỹ năng khác như cẩn thận, kiên trì, sáng tạo, … được thể hiện trong bài thi Tự luận.

Thực tiễn kinh nghiệm dạy luyện thi trắc nghiệm môn Hóa học của tôi cho thấy rất nhiều em có thể giải đúng và giải rất nhanh nhiều bài toán khó nhưng lại không biết cách trình bày, diễn đạt, thể hiện lời giải của nó như thế nào. Đó là điều cần phải suy ngẫm.

Trên thế giới, mặc dù nhiều quốc gia cũng tiến hành các bài thi tiêu chuẩn dưới hình thức trắc nghiệm, kể cả môn Toán nhưng khi xét tuyển vào Đại học bao giờ cũng kèm theo bài viết Luận theo chủ đề hoặc vấn đáp. Đó là những thứ mà chúng ta sẽ thiếu, nếu chiếu theo phương án thi 2017.

Xin cảm ơn thầy!

N. Huyền (thực hiện)

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thay-doi-phuong-an-thi-2017-qua-thien-vi-cho-hoc-sinh-khoi-a1-d-post208891.info