Thay đổi phương thức quản trị hành chính công: Những 'điểm sáng' của Hà Nội

Thay đổi phương thức quản trị hành chính công là yêu cầu cấp thiết và là xu thế tất yếu khi thành phố Hà Nội lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả công việc hành chính. Những 'điểm sáng' trong thực hiện đã tạo nên những thay đổi căn bản về phương thức quản trị hành chính công tại Thủ đô.

Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” UBND quận Long Biên.

Người dân là chủ

Từ nhiều năm nay, Hà Nội dành mọi nguồn lực nhằm thay đổi phương thức quản trị hành chính công, từ đó tác động, thay đổi phương thức quản trị xã hội trên địa bàn. Thực tế cho thấy, phương thức quản trị hành chính công trong thời gian qua của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt có nhiều “điểm sáng” về việc công khai, minh bạch trong thực hiện các nhiệm vụ. Đây chính là yếu tố giúp Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 của Hà Nội đạt 43,9049 điểm, nằm trong nhóm “cao”; trong đó, đáng chú ý có 2 chỉ số nội dung quan trọng là: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định với người dân”.

Để người dân thực sự làm chủ, chia sẻ thực tiễn tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Ba Đình Đỗ Thị Duy Nhiên cho biết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quận đều tham gia góp ý trong mọi mặt công tác của chính quyền các cấp. “Nhiều nội dung góp ý, phản biện, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu rất khoa học, khách quan, góp phần vào quá trình xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương”, đồng chí Đỗ Thị Duy Nhiên nói.

Có thể kể đến, để việc đưa vào hoạt động khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch) cũng như xây dựng đề án khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh) có hiệu quả, người dân trong khu vực đều được đóng góp ý kiến và đều bày tỏ đồng thuận rất cao (từ 92% trở lên). Việc triển khai có sự tham gia đóng góp, đồng hành của người dân đã giúp nâng cao hiệu quả triển khai các đề án, góp phần phát triển kinh tế đêm, bảo đảm hỗ trợ kinh doanh ẩm thực, phát huy giá trị các danh thắng, di tích của quận Ba Đình.

Hay trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương của Hà Nội đã thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, có sự bàn bạc nhất trí giữa người dân và chính quyền. Ông Nguyễn Đạt Thọ (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ) cho biết, địa phương đã tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng nông thôn mới ngay từ khâu lập quy hoạch, đề án. Thông qua tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào đề án, kế hoạch, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, thảo luận, đóng góp ý kiến trực tiếp vào những vấn đề liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của mỗi người dân, mỗi gia đình. Hầu hết người dân đều nhận thức phải gắn lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) đã huy động được hơn 140 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp gần 13 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng nguồn vốn. Những công trình hạ tầng trọng điểm như điện, đường, trường, trạm... được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, còn những công trình tâm linh, việc chỉnh trang đường làng, ngõ xóm thì kinh phí chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa từ người dân. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hạ Mỗ Cao Xuân Dục thông tin thêm, chủ trương xây dựng nông thôn mới hợp lòng dân nên được bà con ủng hộ rất cao. Việc chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, xã đã xã hội hóa được 270 ngày công để sơn sửa lại các bức tường ven đường...

Thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hành chính công

Một “điểm sáng” nữa trong đổi mới phương thức quản trị hành chính công tại Hà Nội là thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Từ đó, thúc đẩy tính hiệu quả, tự chủ, năng động của cơ sở để phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh hơn, tốt hơn.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng nhận định, tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn nhưng vẫn bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong đó, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc. Tổ chức bộ máy chính quyền trong khu vực các quận và thị xã đã gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.

Vừa qua, Long Biên được xếp là một trong 3 quận, huyện có Chỉ số hài lòng của người dân năm 2022 cao nhất thành phố. Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ, các thủ tục hành chính được quận thực hiện tối ưu hóa, giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Mọi thông tin từ quy định về thủ tục hành chính đến tiến độ giải quyết đều được công khai, minh bạch.

Việc thúc đẩy cải cách hành chính công thời gian qua của Hà Nội còn nhờ kết quả thực hiện Đề án 06 của Chính phủ (Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), đầu tư hạ tầng, kết nối dữ liệu, chủ động thực hiện các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân.

Đến nay, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, công dân trên địa bàn Thủ đô đã có thể sử dụng toàn bộ 25 dịch vụ công thiết yếu tích hợp trên các Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố và các bộ, ngành. Thời gian tới, thành phố tiếp tục đánh giá việc thực hiện Đề án 06, nhất là công tác triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của thành phố… để có giải pháp cụ thể, góp phần cải cách mạnh mẽ hành chính công.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/1063758/thay-doi-phuong-thuc-quan-tri-hanh-chinh-cong-nhung-diem-sang-cua-ha-noi