Thay đổi phương thức thu gom rác thải

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, chủ nguồn thải sẽ phải trả phí theo khối lượng chất thải rắn phát sinh (trừ chất thải nguy hại; rác thải có khả năng tái chế). Đây là nội dung đang được Sở TN&MT Hà Nội lấy ý kiến, trình UBND TP thông qua.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, chủ nguồn thải sẽ phải trả phí theo khối lượng chất thải rắn phát sinh (trừ chất thải nguy hại; rác thải có khả năng tái chế). Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn TP đang được Sở TN&MT Hà Nội lấy ý kiến, trình UBND TP thông qua.

Rác thải sinh hoạt được chia thành 5 nhóm

Tại Dự thảo này, căn cứ vào tính chất và nguồn phát sinh rác thải, trình độ dân trí, điều kiện đầu tư trang thiết bị, loại hình công nghệ xử lý chất thải sau phân loại, CTRSH ở Hà Nội sẽ được chia thành 5 nhóm gồm: Nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Nhóm chất thải thực phẩm; Nhóm chất thải nguy hại; Nhóm chất thải cồng kềnh và nhóm CTRSH còn lại.

Thu gom rác thải trên phố Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Thu gom rác thải trên phố Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Trong đó, đối với nhóm rác thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế sẽ được phân loại và chứa, đựng riêng trong bao bì có sẵn hoặc túi trong suốt để đảm bảo công nhân thu gom có thể nhìn thấy loại chất thải đựng bên trong. Đối với loại rác thải này, chủ nguồn thải chuyển cho đơn vị thu gom theo ngày giờ cố định thỏa thuận với địa phương hoặc chuyển tới địa điểm thu gom tập trung được xác định. Ngoài ra, chủ nguồn thải có thể bán trực tiếp cho người thu mua phế thải. Đối với loại rác thải này, chủ nguồn thải không phải trả phí dịch vụ.

Đối với nhóm rác thải thực phẩm, khuyến khích chủ nguồn thải sử dụng làm phân hữu cơ hoặc làm thức ăn chăn nuôi tại địa phương. Chủ nguồn thải chứa, đựng vào bao bì riêng (túi màu xanh), nếu địa phương có áp dụng công nghệ xử lý phân hữu cơ tập trung. Chất thải thực phẩm nếu không được xử lý sẽ được thải bỏ cùng nhóm chất thải khác và mang đi xử lý tập trung (đốt)… Chủ nguồn thải chuyển cho đơn vị thu gom rác theo lịch tại địa phương.

Đối với loại rác này, chủ nguồn thải không phải trả giá dịch vụ nếu phân loại để chuyển về nhà máy chế biến phân hữu cơ tập trung, chủ nguồn thải phải trả giá dịch vụ theo thể tích/khối lượng nếu không có cơ sở xử lý rác hữu cơ tập trung.

Đối với nhóm chất thải nguy hại, chủ nguồn thải có trách nhiệm mang đến các điểm tập kết theo quy định của UBND TP, quận huyện, xã, phường, thị trấn quy định. Các loại rác thải này cần được phân loại và chứa, đựng riêng, chủ nguồn thải không phải trả giá dịch vụ.

Đối với rác thải cồng kềnh, chủ nguồn thải tự vận chuyển hoặc thuê đơn vị có chức năng thu gom chất thải này vận chuyển đến địa điểm tập kết hoặc đến cơ sở xử lý (do UBND TP, quận huyện, xã, phường, thị trấn quy định). Chủ nguồn thải phải trả giá dịch vụ thông qua hình thức mua tem hoặc chi trả giá dịch vụ trực tiếp cho thu gom và sơ chế.

Đối với nhóm CTRSH còn lại không được phân loại theo các nhóm trên sẽ được chứa, đựng vào bao bì riêng (túi màu hồng và trong suốt), chuyển cho đơn vị thu gom theo lịch tại địa phương. Chủ nguồn thải phải trả giá dịch vụ theo khối lượng/thể tích.

Kịch bản nào cho phân loại chất thải tại nguồn?

Viện trưởng Viện Sức khỏe và môi trường Vì cộng đồng Nguyễn Thiệu Anh cho biết, rác thải ở Việt Nam hiện đang được xử lý bằng các phương pháp chính: Chôn lấp, tái chế làm compost, thiêu hủy, đốt chất thải rắn để phát điện, khí hóa… Nhưng “Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia 2016 - 2020” vẽ nên một bức tranh toàn cảnh không mấy tích cực cho công tác xử lý rác thải khi cả nước mới có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH gồm 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi không hợp vệ sinh.

Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt CTRSH để thu hồi năng lượng phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý nhưng hiện chỉ có 294/381 lò (khoảng 77%) có công suất trên 300kg/h, đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về lò đốt CTRSH.

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Thiệu Anh cho rằng, việc phân loại CTRSH tại nguồn là việc làm rất cần thiết nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, sức khỏe của người dân, đồng thời góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Trong khi đó, dưới góc độ DN trực tiếp thu gom rác thải, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, cùng với việc phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng cho tổ chức phân loại CTRSH tại nguồn bắt đầu từ năm 2023, hiện nay, đơn vị đang nghiên cứu thay đổi nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại các quận do đơn vị phụ trách như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Nam Từ Liêm. Cụ thể, đơn vị sẽ từng bước xóa bỏ các điểm tập kết, chân cẩu rác tại các quận thuộc địa bàn phụ trách.

“Thay vì xe gom như hiện nay, đơn vị sẽ đặt các thùng rác lớn tại các vị trí đã được thống nhất với địa phương. Đến giờ thu gom, đơn vị sẽ sử dụng ô tô (phương tiện xanh thân thiện với môi trường) đem thùng rác mới đến thay thế và vận chuyển thùng rác cũ về điểm tập kết, xử lý của đơn vị rồi đưa đi xử lý theo quy định” – đại diện Công ty Urenco cho biết và chia sẻ thêm, hiện đơn vị đang làm việc với các UBND quận Hoàn Kiếm để triển khai thí điểm tại một số phường trên địa bàn trước khi triển khai nhân rộng.

Theo lộ trình, giai đoạn thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP sẽ bắt đầu thực hiện từ 2023 đến 31/12/2024. Trong giai đoạn này, vẫn áp dụng cơ chế thu giá dịch vụ theo Quyết định số 54/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016. Giai đoạn nhân rộng, từ 2025 trở đi áp dụng cơ chế thu giá dịch vụ theo khối lượng hoặc thể tích chất thải thải bỏ trên cơ sở hướng dẫn của Bộ TN&MT và định mức, đơn giá mới phù hợp với nguyên tắc phân loại CTRSHTN do TP ban hành.

Vân Nhi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thay-doi-phuong-thuc-thu-gom-rac-thai.html