Thay đổi, tận dụng, chớp thời cơ để vào 'Thị trường lớn'

Hiệp định EVFTA được ký kết là cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng kèm theo nhiều thách thức cho nhiều ngành nghề. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU, buộc các ngành có thế mạnh như: dệt may, da giầy, thủy hải sản, lâm nghiệp phải có chiến lược, phải thay đổi tư duy và tầm nhìn.

Bài liên quan

Biết mình, hiểu bạn - Phần thắng của hội nhập

Không ít doanh nghiệp không biết, không quan tâm tới FTA

Nỗi niềm doanh nghiệp

Nên có cách tiếp cận phù hợp với thị trường EU

EVFTA: Đường rộng có dễ đi?

Tầm nhìn lớn để dẫn dắt hành động nhỏ!

Xây dựng thương hiệu, tiền không phải là quan trọng nhất!

Chúng tôi đã có những trao đổi với một số cá nhân được coi là “sát sườn” của các ngành này để có được cái nhìn thấu đáo hơn trong việc tiếp cận các hiệp định.

Ông Lương Hoàng Thái-Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương):

Trước đây, ngành dệt may Việt Nam phát triển theo bề rộng, dựa vào nguồn lao động giá rẻ và đây là ngành có sự cạnh tranh rất lớn trên quy mô toàn cầu. Nếu một nhà đầu tư vào Việt Nam gặp phải chi phí tăng lên, không có chuỗi cung ứng bền vững thì họ có thể di chuyển sang nước khác. Rất nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, EVFTA sẽ là cú hích lớn cho họ trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu trong ngành dệt may. Tuy nhiên, cơ hội là có, nhưng tận dụng cơ hội này như thế nào là vấn đề không dễ. Mấu chốt của vấn đề là Việt Nam phải tạo lập được chuỗi cung ứng mang tính ổn định, lâu dài để ngăn tình trạng nhà đầu tư di chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia khác. Điều này cũng góp phần mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho hàng dệt may Việt Nam.

Hiệp định EVFTA sẽ mang lại lợi ích to lớn cho ngành dệt may Việt Nam đó là việc thuế quan với tất cả hàng dệt may sẽ được đưa về 0%, trong đó 77% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cùng với đó, EU là thị trường đứng đầu thế giới về nhập khẩu hàng dệt may và EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của hàng dệt may Việt Nam. Từ đó có thể nhận thấy dệt may là một trong những ngành được đánh giá là có nhiều lợi thế khi EVFTA có hiệu lực. EVFTA sẽ đặt ra những thách thức cho ngành dệt may Việt Nam với những yêu cầu cải cách mạnh mẽ về nguồn cung và công nghệ sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso):

Ngành da giầy Việt Nam (DGVN) đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, muốn tận dụng tốt các cơ hội này, các DN phải chủ động được nguồn nguyên, phụ liệu trong nước và giải quyết bài toán về vấn đề thương hiệu. Hiện tại, ngành DGVN vẫn làm gia công là chủ yếu mà chưa có sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu của riêng DN, do đó, cần có giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cho ngành trong thời gian tới.

EVFTA mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức đối với hàng hóa việt nam.

Hiện ngành DGVN vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi ngành cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất da giầy kém. Các trung tâm nghiên cứu, phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu. Các trường đại học, cơ sở nghiên cứu, đào tạo nghề không sát thực tế khiến DN phải tốn nhiều thời gian đào tạo lại. Ngoài ra, các DN trong nước chưa chủ động nguồn nguyên, phụ liệu, còn phụ thuộc vào nước ngoài khi tỷ lệ nhập khẩu chiếm tới 40 đến 50%. Điều đó cho thấy, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, dự kiến đạt 21,5 tỷ USD trong năm nay nhưng giá trị mang lại thấp.

Số liệu thống kê của Lefaso cho thấy, trong 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành DGVN đạt hơn 10,33 tỷ USD. Trong đó, giày dép đạt 8,53 tỷ USD, túi xách đạt 1,8 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất trong 6 tháng là Mỹ, tiếp đến là EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do nhu cầu tiêu dùng sản phẩm da giày tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn cao, riêng Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm đầu tư trong lĩnh vực da giầy, cho nên các đơn hàng gia công giầy dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết. Đây cũng là điều mà chúng ta hết sức phải chú ý, việc dịch chuyển này sẽ tạo ra những tác động trong đó có cả những tác động xấu đối với ngành da giầy.

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam:

Trên thực tế, việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. Đây là một thách thức rất lớn, bởi các DN EU có lợi thế hơn hẳn các DN Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA. Đề nghị chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực hiện các hiệp định CPTTP và EVFTA trong năm 2019 này để giúp cho cộng đồng DN có căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm kinh doanh trong thời gian tới.

Bên cạnh những khó khăn, hiện nay tín hiệu vui cũng đang đến với ngành. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2018 trở về trước, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang EU 700 - 750 triệu USD, nhưng năm 2019 đã mang lại tín hiệu rất tích cực khi giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm đạt 440 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cả năm kỳ vọng đạt 900 triệu USD. Khi EVFTA được thực thi, các DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn nguyên liệu dồi dào, đa dạng và chất lượng cao, bảo đảm tính pháp lý từ EU. Điều quan trọng nữa là DN còn có cơ hội rất thuận lợi để tiếp cận nguồn thông tin về thiết bị, thị trường, công nghệ của EU. Như vậy, chúng ta có đủ căn cứ để tin rằng, đến năm 2020 DN ngành gỗ của Việt Nam sẽ có khả năng xuất khẩu sang thị trường EU khoảng 1 tỷ USD trở lên.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP):

Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra cơ hội, thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản, trong đó, trước mắt là vấn đề thuế quan, bởi rất nhiều nhóm mặt hàng của các doanh nghiệp thủy sản mong đợi điều này. Bên cạnh những mặt hàng chế biến vẫn phải chịu thuế suất từ 3-5%, thì các mặt hàng mực, bạch tuộc, tôm, cá tra đều có những dòng hàng có lợi thế mà thuế xuất giảm về mức 0% ngay. Theo đó, xóa bỏ ngay 50% dòng thuế - trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên; 50% còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3-5 năm. Với cá da trơn, mức thuế giảm từ 6,8% hiện nay về 0% vào năm thứ 3. Với những ưu đãi này, các doanh nghiệp, các mặt hàng thủy sản đang chờ đợi những cơ hội và mục tiêu đạt được 10 tỷ USD vào năm nay cũng đang trông chờ những cơ hội thuận lợi này.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam:

Ngành dệt may đặt ra mục tiêu xuất khẩu năm 2019 đạt khoảng 40 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm 42%, tiếp đến là EU với thị phần khoảng 21,5%, Nhật Bản chiếm 19,5%, Hàn Quốc chiếm 14%... Dù đứng thứ 2, song EU vẫn là thị trường có tính chiến lược, trọng điểm và lâu dài của ngành dệt may Việt Nam vì dòng hàng vào EU có giá trị gia tăng cao hơn một số nước khác. Bên cạnh đó, EU cũng là thị trường có mối quan hệ truyền thống, ổn định với doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, người tiêu dùng châu Âu cũng có những lựa chọn khắt khe hơn và đây sẽ là lợi thế cũng như thử thách cho Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng cao cấp.

Trước đây các doanh nghiệp EU đã không có nhiều sự chú ý đối với ngành dệt may. Tuy nhiên trong thời gian gần đây thì lại khác, nhiều doanh nghiệp, nhiều nước trong khối EU đã bắt đầu để mắt tới thị trường này ở Việt Nam. Cụ thể năm 2018 đã có 2 dự án lớn đầu tư vào Việt Nam đó là 1 tập đoàn Đức đầu tư 1 nhà máy kéo sợi len lông cừu tại Đà Lạt, ngoài ra còn có một số doanh nghiệp Pháp cũng đã tìm đến đặt quan hệ và kiếm tìm cơ hội. Các nguồn vốn đầu tư này đã tạo một động lực cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài vào những nguồn cung còn đang thiếu hụt ở Việt Nam.

Để tận dụng được cơ hội từ EVFTA mang lại, ngành dệt may đang gặp phải nút thắt về nguồn cung thiếu hụt, tức phải đáp ứng quy tắc xuất xứ trong hiệp định thương mại tự do EVFTA. Cùng với doanh nghiệp, để tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, địa phương cần hoạch định chiến lược phát triển các khu công nghiệp nhằm phát triển phần cung thiếu hụt. Đặc biệt với EU, dệt may Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải, bên cạnh đó cần giải quyết vấn đề lao động, việc làm khi quy hoạch vùng sản xuất…

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI):

Qua số liệu thống kê cho thấy dư địa của thị trường châu Âu là rất lớn. Năm 2018 dệt may Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu là 5,6 tỷ USD nhưng cũng chỉ chiếm 2,02% tổng lượng nhập khẩu hàng dệt may của châu Âu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may cũng cần lưu ý, vấn đề nguồn cung nguyên liệu ngành dệt may là thách thức không chỉ cho ngành dệt may. Nếu không đảm bảo quy tắc xuất xứ thì hàng hóa Việt Nam không được ưu đãi. Đảm bảo quy tắc xuất xứ, dệt may Việt Nam mới được hưởng ưu đãi từ EVFTA.

Hiện theo thống kê, có khoảng 90% nguyên phụ liệu của ta đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của hiệp định và không được ưu đãi cộng gộp trong hiệp định. Do vậy các doanh nghiệp dệt may phải hết sức lưu ý về vấn đề này. Các hiệp định trong đó có Hiệp định EVFTA đang được coi là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may. Tuy nhiên có một điều đáng báo động là, theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi khảo sát về sự hiểu biết về EVFTA, thì nhiều doanh nghiệp cho rằng họ mới nghe về EVFTA, có đến 70% doanh nghiệp cho biết họ chưa hiểu biết về EVFTA.

Để tận dụng được cơ hội từ EVFTA, ngành dệt may phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Đối với doanh nghiệp, ban đầu họ tưởng rằng EVFTA sẽ tạo bước tăng trưởng đột biến cho ngành, thế nhưng thực chất FTA này mới được ký kết chứ chưa có hiệu lực thực sự, hàng xuất khẩu vẫn chịu thuế. Nhiều khách hàng nhìn nhận các FTA mang đến nhiều cơ hội nhưng cơ hội chưa thật rõ nét, Việt Nam mới chỉ là thị trường tiềm năng. Do vậy, cũng chưa thể kỳ vọng sự tăng trưởng mạnh mẽ về kim ngạch xuất khẩu ở thị trường dệt may Việt Nam. Việc đầu tiên ngành dệt may cần làm là giải quyết vấn đề nguồn cung nguyên liệu, đây là thách thức không nhỏ của dệt may. Nếu không đảm bảo quy tắc xuất xứ thì hàng hóa Việt Nam không được ưu đãi. Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng khoảng 90% nguyên phụ liệu của ta đang nhập khẩu từ các nguồn không phải từ những nước là thành viên của hiệp định hoặc có ký hiệp định thương mại tự do với EU thì như vậy chúng ta vẫn chỉ là một nước gia công và được hưởng rất thấp về lợi nhuận.

Minh Lê

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thay-doi-tan-dung-chop-thoi-co-de-vao-thi-truong-lon-post67464.html