Thay đổi thời tiết ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Thay đổi thời tiết có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đặc biệt là có khá nhiều căn bệnh xuất hiện chẳng hạn như thủy đậu hay cảm cúm. Đây là đều là các bệnh điển hình khi thời tiết thay đổi.

Đau đầu hay đau nhức chân khi thời tiết thay đổi đều là những biểu hiện phổ biến ở cơ thể khi thời tiết thay đổi. Vào thời điểm chuyển mùa, bạn cần quan tâm tới tình hình sức khỏe của mình. Nếu không thì khó tránh khỏi mắc phải nhiều căn bệnh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Dưới đây là một số bệnh khi thời tiết giao mùa bạn cần để ý.

1. Đau đầu khi thời tiết thay đổi

Đau đầu khi thời tiết thay đổi. Nguồn: Internet.

Mỗi khi trời đang nắng nóng, oi bức chuyển sang mưa gió hoặc đang đi ngoài trời nắng vào phòng máy lạnh; tắm sớm hoặc khuya; đi du lịch ở vùng khí hậu khác…, nhiều người lại bị nhức đầu khủng khiếp khiến họ không thể tập trung vui chơi hay làm bất cứ việc gì.

Cũng không ít người nhạy cảm với sự thay đổi của mưa nắng đến nỗi tự ví cơ thể mình giống như “cỗ máy dự báo thời tiết”. Cứ mỗi lần “đau đầu nhức óc” là y như rằng sau đó trời mưa hoặc khí hậu thay đổi như đã chuyển mùa. Dù buổi sáng, trưa hay tối chẳng biết cơn đau ập đến lúc nào.

Đau đầu do thời tiết thường xảy ra ở những người nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí...Các tác nhân này tác động đến sự co, giãn của các mạch máu trong sọ và hóa chất trung gian có khả năng gây viêm, làm khởi phát tình trạng đau đầu. Chưa kể, thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng đến việc cơ thể bị mất nước, căng thẳng, mất ngủ… khiến cơn đau đầu dễ xảy ra hoặc tái diễn, trở thành đau đầu mãn tính.

2. Đau nhức chân khi thời tiết thay đổi

Đau nhức chân khi thời tiết thay đổi. Nguồn: Internet.

Việc bị đau xương khi thời tiết thay đổi là một hiện tương không hiếm. Thông thường triệu chứng bị đau thường có liên quan đến chứng viêm khớp hay viêm xương mãn tính. Người bệnh sẽ phải chịu đựng cảm giác đau nhức xương hay đau các khớp khi áp suất trong không khí thay đổi, độ ẩm và nhiệt độ thay đổi.

Hiện nay trên thị trường có bày bán rất nhiều loại thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen hay acetaminophen, đều có tác dụng giảm đau nhanh chóng.

Tuy nhiên, bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ hay dược sĩ trước khi muốn sử dụng loại thuốc nào. Ngoài ra, bạn nên nhớ rằng thuốc là con dao hai lưỡi, bởi vậy sẽ không có lợi cho bạn nếu quá lạm dụng thuốc giảm đau.

3. Bị thủy đậu khi thời tiết chuyển mùa

Bị thủy đậu khi thời tiết chuyển mùa. Nguồn: Internet.

Thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân. Đến nay, bệnh thủy đậu đang vào mùa, dễ lây lan rộng trong môi trường tập thể. Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 tuổi có nguy cơ mặc bệnh cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.

4. Cảm cúm khi thời tiết thay đổi

Cảm cúm khi thời tiết thay đổi. Nguồn: Internet.

Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm hô hấp cấp do virut cúm gây ra (có rất nhiều chủng khác nhau). Siêu vi cúm có trong nước mũi, nước bọt người bệnh, bệnh lây truyền từ người bị cúm sang người chưa nhiễm khi những hạt nước nhỏ li ti có chứa siêu vi cúm bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh rất dễ lây lan, một ngày trước khi có triệu chứng, người bệnh đã có thể truyền virut cho người khác và tiếp tục truyền lan trong nhiều ngày kế tiếp.

Những đối tượng dễ mắc cảm cúm là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, những người có sức miễn dịch kém cũng dễ bị cảm cúm. Bệnh xảy ra quanh năm song tần suất bệnh cao nhất trong khoảng thời gian từ đầu mùa thu đến cuối mùa xuân. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, ẩm thấp đột ngột, cơ thể không điều tiết thích ứng kịp thời nên dễ mắc cảm cúm.

Bạn nên cảnh giác với những căn bệnh này để kiểm soát sức khỏe khi thời tiết thay đổi nhé.

Vân Anh (T.H)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/thay-doi-thoi-tiet-anh-huong-den-suc-khoe-nhu-the-nao-c9a274135.html