Thay đổi tư duy để đạt nhiều lợi ích

Mô hình thông tin công trình (BIM) áp dụng cho vòng đời dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật mang những đặc trưng riêng, khác biệt với các dự án xây dựng công trình công nghiệp và dân dụng.

Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong công trình hạ tầng kỹ thuật là cần thiết. Ảnh: Thành Luân

Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong công trình hạ tầng kỹ thuật là cần thiết. Ảnh: Thành Luân

Nhiều ưu thế vượt trội

Với việc khuyến khích áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, quy mô phức tạp của TP Hồ Chí Minh đã triển khai như: Metro 2 (Bến Thành - Tham Lương); nút giao thông An Phú và mới đây nhất cũng đang được áp dụng trong công tác thiết kế dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh…

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Ideco Việt Nam Trần Văn Tâm, hiện nay, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đang được thiết kế bản vẽ thi công và bước đầu triển khai thi công.

Với hệ thống hàng nghìn kilomet đường cao tốc đang được đầu tư xây dựng, việc quản lý vận hành sao cho hiệu quả cũng đang được đặt ra. "Dự án này có tầm quan trọng đối với quốc gia, tiến độ và chất lượng đang được quan tâm hàng đầu.

BIM có ưu điểm trong việc quản lý tiến độ, sản lượng và chất lượng thi công. Do đó, có thể áp dụng BIM với mục tiêu cụ thể là quản lý tiến độ, sản lượng, chất lượng công trình, đảm bảo sớm đưa công trình vào khai thác, phục vụ sự phát triển kinh tế của đất nước" - ông Trần Văn Tâm nhìn nhận.

Đặc biệt hơn, công trình đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đưa vào khai thác sử dụng tháng 5/2015 với tổng chiều dài 105,5km, quy mô 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 120km/giờ. Bề rộng nền đường 33m, 54 cầu lớn nhỏ, 108 cống chui dân sinh, 9 nút giao liên thông khác mức.

Trong giai đoạn thi công, các gói thầu EX1, EX4, EX6, EX7, dịch vụ BIM được sử dụng làm mô hình 3D cho đường cao tốc 6 làn xe và nút giao khác mức dạng hoa thị, phục vụ cho giai đoạn quản lý cũng như vận hành. Trong đó, nhà thầu GS Hàn Quốc thi công hạng mục gói thầu EX7 được đánh giá là có tiến độ tốt nhất.

Với những ưu thế vượt trội như vậy, tuy nhiên, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) thông tin, việc áp dụng BIM trong dự án đầu tư vốn nước ngoài (FDI) hay tư nhân khá thuận lợi; còn với đầu tư công rất khó khăn khi triển khai. Cụ thể, với các dự án hạ tầng giao thông, một "vòng đời" gồm 3 giai đoạn rất quan trọng: Hình thành dự án - xây dựng - quản lý vận hành.

"Trong quá trình thi công với rất nhiều gói thầu khác nhau, cần có một công cụ có thể tổng hợp, khi rất nhiều gói thầu trong lĩnh vực giao thông khó đảm bảo sau 9 tháng có thể quyết toán, hoàn thiện hồ sơ hoàn công công trình.

Đây là một trong những trở ngại lớn nhất khi hiện tại vẫn đang làm theo cách truyền thống. BIM là một quy trình làm việc, liên quan đến tất cả đối tác và xuyên suốt dòng đời dự án, đặc biệt hơn sửa bệnh "nan y" đó là chậm hồ sơ hoàn công" - GS.TS Trần Chủng cho hay.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, sau khi hoàn thiện công trình giao thông sẽ đưa vào quản lý, vận hành tối thiểu 7 - 8 năm rồi mới bàn giao. Đây là thách thức rất lớn khi hiện nay nhiều DN chưa hiểu đầy đủ, tập trung vào thu phí khi đây chỉ là một trong 5 nội dung quản lý, coi nhẹ việc bảo trì dự án.

Thách thức cho doanh nghiệp

Các chuyên gia cho biết, theo thống kê, ít nhất 4% tổng chi phí các dự án hạ tầng là do lỗi thiết kế. Với BIM chi phí này liên tục được giảm xuống. Tuy nhiên, việc ứng dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật trong nước chưa được đề cập một cách cụ thể, chuyên sâu trong hệ thống văn bản pháp luật và hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật liên quan.

TS Tạ Ngọc Bình - Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, tuy đã có những hướng dẫn nhưng chi phí áp dụng BIM khiến nhiều đơn vị gặp vướng mắc, thậm chí tại các dự án đang triển khai như Vành đai 3 (TP Hồ Chí Minh). Những quy trình nộp hồ sơ phục vụ thẩm định, phê duyệt; tính pháp lý của mô hình BIM còn thiếu.

"Cần xây dựng chuẩn hóa các dự án, đẩy mạnh tính đa dạng khi hiện tại mảng dân dụng đang được áp dụng rất triệt để, trong khi nhiều dự án giao thông đang dừng lại ở bước thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, chưa có nhiều dự án ra công trường để có thể cập nhật, phục vụ quản lý vận hành" - TS Tạ Ngọc Bình nhìn nhận.

Công nghệ BIM thể hiện tiềm năng lớn trong việc trở thành một công nghệ cốt lõi được sử dụng trong ngành xây dựng nói chung và xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật nói riêng.

Tuy nhiên, với DN, nếu áp dụng sẽ làm tăng chi phí ban đầu khi yêu cầu phải trang bị máy móc tiên tiến, máy tính cấu hình cao để thực hiện đi kèm với nhân sự biết sử dụng các loại trên, am hiểu chuyên môn và các nghiệp vụ.

Ông Noah Arles - Giám đốc Nhóm chuyên gia Kỹ thuật AEC ASEAN, Autodesk nhấn mạnh, dữ liệu được phát triển, cập nhật liên tục trong dự án áp dụng BIM sẽ giúp chủ đầu tư và các bên liên quan kiểm soát được tình trạng dự án, đưa ra những quyết định tốt nhất trong quá trình thực hiện.

Minh chứng cho nhận định này là 2 dự án điển hình: Trung tâm Vận tải đa phương tiện ở Los Angeles (Mỹ) và cao tốc ở Nauy cho thấy lợi ích của việc áp dụng BIM đã hỗ trợ quản lý chất lượng, hạn chế rủi ro, tăng tốc thời gian hoàn thành, đảm bảo ngân sách dự kiến trong việc thực hiện dự án.

Về vấn đề này, KTS Ngô Tâm - Công ty CP Tư vấn xây dựng Covic nhìn nhận, so với cách thức thiết kế truyền thống, công nghệ BIM cho năng suất vượt trội với độ chính xác cao, việc giảm sai sót ngay từ khâu thiết kế đảm bảo việc thi công tại công trường được chính xác, đúng tiến độ.

"Nhìn vào lộ trình của đề án áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành đã được Chính phủ ban hành có thể thấy, Việt Nam đang tích cực “mở mọi cánh cổng” cho sự phát triển của ứng dụng BIM trong hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình" - KTS Ngô Tâm cho biết.

Ứng dụng BIM giúp giảm thiểu tác động của các công trình xây dựng đến môi trường và đô thị, giảm ùn tắc, giảm khí thải, đảm bảo an toàn cho công nhân, người lưu thông trên đường.
Giám đốc bộ phận iBIM Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam Nguyễn Huy Bình

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thay-doi-tu-duy-de-dat-nhieu-loi-ich.html