Thay đổi tư duy tiểu ngạch, chợ biên giới

Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản Việt Nam, Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất - đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua, do hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng chặt chẽ. Trong thời gian tới, ngành hàng nông nghiệp Việt Nam phải tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng hàng xuất khẩu, chú trọng xuất khẩu chính ngạch…

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trung bình chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản, chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. Hiện Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ nhất về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ ba về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ tư về chè; đứng thứ năm về thủy sản; đứng thứ chín về cà phê... của Việt Nam.

Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm. Có thể thấy, hàng nông, thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về chất lượng.

Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, giá nhiều mặt hàng giảm sau khi đã đạt mức cao trong năm

Trung Quốc đã cho phép 9 loại quả tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Phía Trung Quốc cũng đã cấp tổng số hơn 1.309 mã số vùng trồng trên 42 tỉnh, thành phố và 1.435 mã số cơ sở đóng gói trên 32 tỉnh, thành phố cho 8 loại quả tươi.

2017-2018. Kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc 8 tháng năm 2019 ước đạt 16,6 tỉ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản, Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất - đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua.

Đánh giá về thị trường, Bộ Công Thương cho hay, bên cạnh những cơ hội, tiềm năng, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do bối cảnh thị trường thế giới và khu vực hiện đang có nhiều biến động như sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc; tác động từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung dẫn tới xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nhập khẩu nông sản làm nguyên liệu để chế biến và tái xuất khẩu, đồng NDT giảm giá; tác động từ các chính sách mới và thực thi chính sách từ năm 2018 của các cơ quan quản lý Trung Quốc, tăng cường kiểm dịch, an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu.

Trước hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước và để tăng cường xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam, theo Bộ Công Thương, thời gian tới phải tổ chức tốt sản xuất để bảo đảm nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, tăng cường công tác quản lý từ khâu sản xuất đến bảo quản sau thu hoạch, chế biến, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.

Tại Hội nghị “Phát triển xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã phân tích những khó khăn và tìm ra giải pháp để gia tăng giá trị xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc. Phóng viên Báo Năng lượng Mới trích lược một số ý kiến đáng chú ý tại hội thảo.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Chú trọng giao thương chính ngạch

Trung Quốc hiện là đối tác lớn cả về kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản của nước ta sang Trung Quốc tồn tại nhiều vấn đề, cần tìm cách giải quyết để bảo đảm có sự hài hòa trong quan hệ thương mại song phương.

Phương thức xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vào xuất khẩu tiểu ngạch, dựa vào các cửa khẩu biên giới, chưa đưa hàng hóa vào sâu thị trường nội địa Trung Quốc. Do đó, nông, thủy sản Việt Nam chưa vượt qua được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững, tạo giá trị gia tăng cao.

Những khó khăn về xuất khẩu sang Trung Quốc đã tồn tại nhiều năm qua. Các bộ, ngành, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực để giải quyết những khó khăn này. Tuy nhiên, thời điểm này, không thể chậm trễ được nữa vì Trung Quốc sẽ ngày càng đặt ra các hàng rào kỹ thuật, yêu cầu cao, chặt chẽ, liên quan đến chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thương hiệu. Thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, cao su, thủy sản, nông sản chế biến…, đặc biệt là chú trọng giao thương chính ngạch. Do đó, chúng ta cần định vị lại sao cho đúng với thực tiễn thương mại quốc tế, từ đó có các giải pháp cụ thể để tăng trưởng xuất khẩu, tạo nên thị trường ổn định cho ngành nông nghiệp, từng bước giải quyết câu chuyện “được mùa, mất giá” của hàng hóa nông sản lâu nay.

Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương sẽ cùng phối hợp, trao đổi, làm rõ hơn thực tiễn để đối chiếu với chính sách, làm rõ những yêu cầu liên quan, từ đó xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu bền vững.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Không tạo khủng hoảng dư cung

Trung Quốc không chỉ có 1,4 tỉ dân mà GDP đầu người hiện nay tới 11.000 USD, đây là dung lượng thị trường cực lớn về nông sản. Đặc biệt, dự báo đến năm 2030, số triệu phú của Trung Quốc chiếm đa số trên thế giới. Khi đó, nhu cầu về các sản phẩm cao cấp sẽ tăng lên. Mặt khác, Trung Quốc đang tập trung cải cách nông nghiệp, quá trình đô thị hóa đang đạt tới 60% diện tích. Tỷ trọng nông nghiệp đang giảm rất nhanh khi phía Bắc và phía Đông chịu tác động cực đoan từ biến đổi khí hậu. Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc năm 2018 đạt gần 9 tỉ USD, chiếm 22% giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã tích cực tái cơ cấu, sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng cao. Các nhóm hàng nông sản Việt Nam lại mang tính bổ trợ cho nông sản Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, đòi hỏi Chính phủ, doanh nghiệp và nông dân phải phối hợp thật tốt với nhau để khai thác được lợi thế.

Hiện nay, thương mại biên giới chỉ chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Cần khẳng định rằng, giao thương với thị trường Trung Quốc không chỉ với các tỉnh biên giới là Vân Nam và Quảng Tây mà còn với cả 31 tỉnh, thành phố, khu tự trị của Trung Quốc.

Hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần chú trọng về công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất, coi trọng, quan tâm đến đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông, thủy sản, nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật. Đồng thời, cần có thông tin, định hướng, hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi, không chỉ giúp doanh nghiệp luôn cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường Trung Quốc, không tạo ra khủng hoảng dư cung, mà còn đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của mọi thị trường xuất khẩu.

Thay đổi tư duy tiểu ngạch, chợ biên giới

Thay đổi tư duy tiểu ngạch, chợ biên giới

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh: Nhận thức sai về thị trường Trung Quốc

Thời gian qua, xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc sụt giảm, chưa thích nghi được với những yêu cầu, điều kiện đặt ra từ thị trường Trung Quốc. Điều này xuất phát từ nhận thức sai về thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp.

Thứ nhất, nhận thức Trung Quốc là thị trường dễ tính, từ đó sản xuất chạy theo số lượng, không quan tâm đến nhu cầu thị trường. Một số mặt hàng nông sản như gạo, thanh long... được sản xuất với số lượng quá lớn nhưng chất lượng, phẩm cấp thấp hoặc trung bình.

Thứ hai, nhận thức Trung Quốc là chợ biên giới, vì vậy, khi sản xuất, nuôi trồng tạo ra sản phẩm nông, thủy sản là để đem hàng lên biên giới chào bán. Nhiều khi hàng được đem đi chào bán trong tâm thế chưa biết bán cho ai, đối tác hay người tiêu dùng cần loại hàng như thế nào? Khi không bán được, hàng hóa bị bán đổ bán tháo.

Thứ ba, nhận thức xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch, không quan tâm đến các tiêu chuẩn. Sản phẩm nhiều khi được sử dụng bao bì, nhãn mác tùy tiện, bọc lót thô sơ bằng rơm rạ. Doanh nghiệp cũng không quan tâm tìm hiểu xem mặt hàng đó đã được Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch hay chưa mà vẫn đem hàng lên biên giới xuất khẩu tiểu ngạch, điển hình như mặt hàng sầu riêng, thạch đen...

Thứ tư, nhận thức thương mại với Trung Quốc là thương mại biên giới. Hiện nay, thương mại biên giới chỉ chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Cần khẳng định rằng, giao thương với thị trường Trung Quốc không chỉ với các tỉnh biên giới là Vân Nam và Quảng Tây mà còn với cả 31 tỉnh, thành phố, khu tự trị của Trung Quốc. Do vậy, doanh nghiệp cần khai thác tiềm năng thị trường này.

Thứ năm, nhận thức sai lầm là chính sách của Trung Quốc liên tục thay đổi. Thực tế có nhiều quy định được Trung Quốc đưa ra từ trước, chính sách nhập khẩu hàng hóa được Trung Quốc ban hành từ rất lâu. Các yêu cầu như truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đăng ký danh sách doanh nghiệp xuất khẩu... đã được cơ quan thương vụ phổ biến từ năm 2012, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm.

Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa: Nông sản Việt còn nhiều dư địa để xuất khẩu

Trong nửa đầu năm 2019, các loại quả xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã tăng đáng kể, đạt hơn 2,2 triệu tấn, tăng 676.500 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc đã cho phép 9 loại quả tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Phía Trung Quốc cũng đã cấp tổng số hơn 1.309 mã số vùng trồng trên 42 tỉnh, thành phố và 1.435 mã số cơ sở đóng gói trên 32 tỉnh, thành phố cho 8 loại quả tươi. Xuất khẩu một số mặt hàng rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đã vượt, thậm chí tăng gấp 2 lần so với cả năm 2018 như vải, chuối, dưa hấu.

Con số đó cho thấy, nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường Trung Quốc, nông sản Việt vẫn còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng: Cần giải pháp mang lại lợi ích lâu dài

Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp kiểm soát hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu với yêu cầu nghiêm ngặt hơn về kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm; yêu cầu cao về bảo quản, đóng gói và tăng cường quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ đường biên giới nhằm ngăn chặn hàng hóa không bảo đảm yêu cầu. Điều đó đẫn đến hàng hóa nông, lâm, thủy sản Việt Nam có thời điểm bị ứ đọng cục bộ do chưa đáp ứng được các yêu cầu nhập khẩu của phía Trung Quốc.

Do doanh nghiệp vẫn có tâm lý coi thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính, hàng hóa từ nội địa đưa ra cửa khẩu biên giới là có thể xuất khẩu ngay được, nên dù tỉnh Quảng Ninh đã có thông báo về việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn còn chủ quan, chưa thực hiện.

Nhận thức sai lầm là chính sách của Trung Quốc liên tục thay đổi. Thực tế có nhiều quy định được Trung Quốc đưa ra từ trước, chính sách nhập khẩu hàng hóa được Trung Quốc ban hành từ rất lâu. Các yêu cầu như truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đăng ký danh sách doanh nghiệp xuất khẩu... đã được cơ quan thương vụ phổ biến từ năm 2012, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm.

Đáng quan ngại, doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa áp dụng quy trình nuôi trồng thủy sản để bảo đảm các điều kiện về chất lượng. Việc người dân nuôi trồng theo kinh nghiệm, dẫn đến chất lượng hàng hóa đôi khi chưa bảo đảm, hàm lượng một số chất vượt mức tiêu chuẩn cho phép, thậm chí có cả chất cấm. Bởi vậy, khi thông quan, Hải quan Trung Quốc kiểm dịch và trả lại hàng, thiệt hại đáng kể.

Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông, thủy sản nhập khẩu cho thấy doanh nghiệp, hộ kinh doanh Việt Nam chưa có sự chuẩn bị kỹ cho việc xuất khẩu khẩu các mặt hàng nông, thủy sản vào thị trường Trung Quốc. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan cần đưa ra giải pháp phù hợp, để mang lại lợi ích ổn định và lâu dài cho thủy sản, nông sản Việt Nam.

Đức Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thay-doi-tu-duy-tieu-ngach-cho-bien-gioi-550650.html