Thay đổi ý thức, thói quen của người dân về sử dụng phương tiện công cộng

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong, Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, trong đó có quy định phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Hà Nội cần có ý kiến, kiến nghị từ thực tiễn để quy định vấn đề này trong luật…

Ngày 15/4, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khảo sát thực tế tại TP Hà Nội.

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông lĩnh vực đường thủy nội địa

Tổ công tác số 1 của Đoàn giám sát do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng làm Tổ trưởng đã khảo sát thực tế ở huyện Thường Tín về lĩnh vực đường thủy nội địa. Tham gia đoàn còn có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai và lãnh đạo các sở, ngành của thành phố Hà Nội.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại bến phà Hồng Vân (huyện Thường Tín). Ảnh: N.Thành

Theo báo cáo của huyện Thường Tín, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp với UBND các xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện tại các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa trên địa bàn quản lý, thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện đã xử lý nghiêm hành vi vi phạm về các quy định bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa…

Đánh giá cao hiệu quả quản lý, thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn huyện Thường Tín, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp các kết quả, ý kiến đề xuất của huyện để tiếp tục làm việc với UBND TP Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn huyện Thường Tín, trong đó có lĩnh vực đường thủy nội địa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng đề nghị, địa phương cần chủ động yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách trên đường thủy thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông; không cho xuất bến đối với các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn…

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông)

Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi)

“Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, trong đó có các quy định phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Từ đó, Hà Nội cần có ý kiến, kiến nghị từ thực tiễn để quy định cụ thể vấn đề này trong luật, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả thi hành luật” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong.

Tổ công tác số 2 của Đoàn giám sát do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong làm Tổ trưởng đã khảo sát thực tế lĩnh vực giao thông công cộng trên tuyến xe buýt nhanh BRT01 và tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, mỗi ngày, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận chuyển khoảng 37.000 khách với 80% hành khách sử dụng vé tháng, góp phần giảm tải lưu lượng phương tiện giao thông trong giờ cao điểm, làm thay đổi thói quen sử dụng phương tiện công cộng và từng bước xây dựng văn hóa giao thông theo hướng văn minh, hiện đại.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế trên tuyến xe buýt nhanh BRT01

TS Vũ Hồng Trường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, hiện nay đường sắt đô thị vẫn đang được điều chỉnh bởi Luật Đường sắt và các nghị định có liên quan. Cơ chế hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, do đó cần có cơ chế đặc thù, đột phá để phát triển, quản lý, vận hành đường sắt đô thị.

Trong khi đó, về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Bùi Hồng Sơn cho biết, hiện Transerco đang vận hành 68 tuyến xe buýt, chiếm 54% thị phần lĩnh vực này trên địa bàn thành phố. Mỗi năm, Transerco có 3,3 triệu lượt phương tiện vận chuyển khoảng 150 triệu lượt khách. Riêng tuyến xe buýt BRT01, trong 7 năm qua đã thực hiện 853.000 lượt xe, vận chuyển 92 triệu lượt khách.

Các đại biểu mua vé đi tàu điện, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

“Định hướng của Chính phủ và thành phố Hà Nội là chuyển đổi phương tiện công cộng sử dụng động cơ diesel sang động cơ điện. Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư cho phương tiện động cơ điện khá lớn, cộng với việc một số phương tiện động cơ diesel vẫn còn sử dụng tốt, chưa thể loại bỏ ngay khiến Transerco gặp nhiều khó khăn trong thực hiện lộ trình chuyển đổi phương tiện” - Phó Tổng Giám đốc Transerco Bùi Hồng Sơn thông tin.

Tổ công tác đánh giá, việc đưa vào hoạt động tuyến xe buýt BRT01 và tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã tạo thuận lợi trong việc thay đổi ý thức, thói quen của người dân về sử dụng phương tiện công cộng, từ đó góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Đoàn giám sát trải nghiệm đi tàu điện, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Hồ Long

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong, thông qua buổi khảo sát đã thấy được những vướng mắc về mặt chính sách, giúp cho Đoàn giám sát và rộng hơn là Quốc hội xem xét xây dựng, sửa đổi quy định pháp luật về giao thông nói chung và giao thông công cộng nói riêng.

“Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, trong đó có các quy định phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Từ đó, Hà Nội cần có ý kiến, kiến nghị từ thực tiễn để quy định cụ thể vấn đề này trong luật, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả thi hành luật” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong nhấn mạnh.

Thái San

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thay-doi-y-thuc-thoi-quen-cua-nguoi-dan-ve-su-dung-phuong-tien-cong-cong.html