Thấy gì khi tăng trần giá vé máy bay nội địa?

Sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chính thức điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay nội địa, bên cạnh tác động tích cực cho doanh nghiệp vận tải hàng không thì không ít ý kiến lo lắng việc người lao động khó tiếp cận dịch vụ.

Chính thức tăng trần giá vé máy bay nội địa

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Đáng chú ý, Thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Giá vé máy bay tăng khiến người lao động nghèo và các doanh nghiệp du lịch gặp khó. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, các nhóm đường bay còn lại có mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Với đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều. Đường bay có khoảng cách từ 850km đến dưới 1.000km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều. Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều và đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều.

Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, với giả định tỉ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí, các yếu tố chi phí khác không có biến động thì với biến động của giá Jet A1 và tỉ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 6/2023 của các hãng hàng không tăng 23,1% so với tháng 9/2015.

Tác động của giá nhiên liệu làm tổng chi phí tăng 10,9% so với tháng 8/2015. Cục Hàng không cũng đã nhận được ý kiến của các hãng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Bamboo Airways về tăng giá vé máy bay nội địa.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, chi phí nhiên liệu hàng không chiếm khoảng 36% chi phí vận chuyển của hãng. Tuy nhiên giá nhiên liệu trung bình năm 2022 so với năm 2015 (thời điểm mức giá trần hiện tại được áp dụng) tăng khoảng 85% từ 67,3 USD/thùng lên 124,4 USD/thùng khiến chi phí của hãng tăng khoảng 30,5%.

Đồng thời chi phí vận chuyển hàng không có hơn 70% bằng ngoại tệ, trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng VND. Tỉ giá tăng 6,6% từ năm 2015 đến năm 2022 (tăng bình quân từ 21.900 VND/USD lên 23.350 VND/USD) làm chi phí của hãng tăng tương ứng 4,3%.

Do đó, chi phí vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines năm 2022 là 2.769 đồng/khách/km, cao hơn 43% so với chi phí năm 2015 (1.933 đồng/khách/km).

Quy định tăng giá trần vé máy bay nội địa được kỳ vọng sẽ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hàng không để đảm bảo cân đối chi phí.

Lo lắng chi phí đi lại tăng cao, người lao động nghèo khó tiếp cận

Nhiều ý kiến cho rằng tăng trần vé bay nội địa giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hàng không trong bối cảnh các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé; đặc biệt là giá nhiên liệu tăng và tỉ giá đều tăng cao, 2 năm dịch bệnh COVID-19, xung đột địa chính trị,...

Theo ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, có thể nói các biến động đầu vào của vé máy bay đã tăng cao hơn rất nhiều nhưng khung trần vé máy bay vẫn giữ nguyên từ năm 2015 và thực tế này hiện đã không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa.

Thị trường vận chuyển hàng không nội địa đã có tính cạnh tranh ngày càng cao. Vì vậy, giá dịch vụ phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Ở thời điểm hiện tại, nước ta đã có 6 hãng hàng không đang khai thác với đủ các mô hình kinh doanh hàng không (dịch vụ đầy đủ và chi phí thấp) và các thành phần kinh tế khác nhau.

Trên thị trường hoàn toàn không có đường bay nào khai thác độc quyền, khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa với nhiều lựa chọn hãng hàng không. Các nước trên thế giới đều đang đi theo hướng nới lỏng và bỏ các quy định khung giá vé vận tải hàng không.

Tăng giá trần vé máy bay nội địa được kỳ vọng sẽ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hàng không để đảm bảo cân đối chi phí. Ảnh: VĐ

Tuy nhiên về góc độ người tiêu dùng, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại khi tăng giá trần vé máy bay sẽ khiến chi phí đi lại đội lên. Trong bối cảnh người lao động đang trải qua thời gian kinh tế khó khăn, nhiều người thất nghiệp,... thì chi phí đi lại tăng lên cũng gia tăng áp lực không nhỏ đến vấn đề tài chính.

Trao đổi với PV, chị Huệ đang làm nhân viên cho một công ty may mặc tại tỉnh Bình Dương cho biết, giá vé máy bay hiển thị trên website khá rẻ, chỉ vài trăm ngàn nhưng chưa phải giá cuối cùng. Khi thanh toán còn có các khoản phí, tổng số tiền cuối cùng khách phải trả lên đến cả triệu.

Thời buổi khó khăn, người dân chi tiêu thắt chặt hơn nên giá vé máy bay tăng, dù là vài chục nghìn hay vài trăm nghìn đồng cũng sẽ khiến mọi người cân nhắc. Như Tết năm nay, gia đình chị Huệ quyết định về quê ăn Tết bằng tàu hỏa cho tiết kiệm khi chi phí nếu đi máy bay sẽ chiếm hết cả lương và thưởng Tết của chị.

Ngay khi biết thông tin tăng trần giá vé máy bay nội địa, chị Thúy Vy (trú tại quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) bày tỏ lo lắng, điều này sẽ dẫn đến việc khách Việt sẽ không đi du lịch nội địa nữa mà lựa chọn du lịch nước ngoài với chi phí cũng chỉ ngang ngửa.

Dịp cuối năm, gia đình chị Vy cũng có kế hoạch cho chuyến du lịch dài ngày. Khi tra cứu tour du lịch Thái Lan 5 ngày, mức giá chỉ dao động khoảng 7 - 8 triệu đồng, bằng 2/3 so với tour Phú Quốc. “Việc chi khoảng 10 triệu đồng để đi nước ngoài đáng giá hơn cho một chuyến trong nước với mức giá tương tự” - chị Vy nói.

Trong khi du lịch nội địa lo kém cạnh tranh vì ảnh hưởng từ giá vé máy bay hiện đang ở mức cao thì chiều ngược lại, khách Việt nườm nượp đi tour nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp du lịch lo lắng khi giá vé bay tăng cao dẫn đến giá các tour du lịch dịp cuối năm cũng tăng thêm từ 10% - 20% làm sức mua của khách giảm xuống vì chi phí vượt qua mức ngân sách khách dự trù cho mục đích du lịch. Giá tour du lịch trong nước tăng cao cũng khiến khách hàng có xu hướng so sánh và lựa chọn tour du lịch nước ngoài nhiều hơn.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thay-gi-khi-tang-tran-gia-ve-may-bay-noi-dia-post275470.html