Thấy gì khi Việt Nam vào top quốc gia hấp dẫn FDI hàng đầu thế giới?

Giai đoạn mới đang mở ra cơ hội mới cho Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là thu hút và định hướng sử dụng đầu tư nước ngoài thế nào để 'lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ', cũng như giúp doanh nghiệp nội lớn mạnh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị đa quốc gia.

"Hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát của EuroCham dự đoán sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) khi năm 2023 gần kết thúc”, thông tin từ khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh được thực hiện trong quý III của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố.

Nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn

Đáng chú ý, khảo sát của EuroCham cho thấy sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ. 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Đáng chú ý hơn nữa, 31% xếp Việt Nam vào top 3, trong đó con số ấn tượng là 16% ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu.

Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

"Để củng cố hơn niềm tin này, hơn một nửa số người được khảo sát dự đoán sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khi năm 2023 gần kết thúc", khảo sát BCI cho biết.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Decision Lab Thue Quist Thomasen cho biết: “Sau khi vượt qua những thách thức, Việt Nam hiện có dấu hiệu phục hồi. Tăng trưởng FDI cũng mang lại sự lạc quan, củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh toàn cầu. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu giờ đây có thể dự đoán năm tới và lập kế hoạch tốt hơn cho các khoản đầu tư trong tương lai. Đây chính là một sự phát triển tích cực”, ông Thomasen nhìn nhận.

Không chỉ các nhà đầu tư châu Âu, mà nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới cũng đang chú ý, quan tâm tới thị trường Việt Nam, đặc biệt ở những ngành kinh tế xanh, công nghệ cao. Mới đây, SK Group – "chaebol" Hàn Quốc đã rót 500 triệu USD vào Hải Phòng để xây nhà máy vật liệu phân học sinh học công nghệ cao đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Quyết định đầu tư chỉ vài tháng sau khi đoàn công tác của SKC – thành viên SK Group có chuyến khảo sát thực tế các khu công nghiệp trên địa bàn Tp.Hải Phòng để nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án sản xuất.

"Sức nóng của sóng" đầu tư cũng được lan tới nhiều địa phương ở Việt Nam. Đáng chú ý, với tổng vốn đăng ký FDI đạt hơn 1,27 tỷ USD trong 9 tháng 2023 đã giúp Nghệ An vượt Bắc Ninh, Đồng Nai đứng thứ 6 cả nước về thu hút FDI, gia nhập “câu lạc bộ tỷ USD”.

Với những dự án đăng ký mới cũng như tăng thêm vốn đầu tư liên tục được cấp chứng nhận, thu hút vốn FDI trong 9 tháng năm 2023 đã vượt mốc 20 tỷ USD, đạt mức 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, dòng vốn FDI cũng đang nhắm tới Việt Nam với mục đích phát triển các ngành công nghệ cao như chip bán dẫn. Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SEMI) Đông Nam Á cho biết: “Bất chấp những thách thức toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi và khả năng thích ứng vượt trội trong năm 2022, khẳng định vị thế của Việt Nam như là một “ngọn hải đăng” của sự ổn định và tăng trưởng. Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ.

Cần lực lượng doanh nghiệp nội địa đủ mạnh

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, kinh tế thế giới được dự báo là đang trong thời kỳ “một thập niên mất mát”. Đây là một dự báo có nhiều căn cứ đáng tin cậy (xung đột trên thế giới, thời đại “tiền dễ” không còn, hậu quả trầm trọng của COVID-19, biến đổi khí hậu, tình trạng đứt chuỗi và vỡ cấu trúc… Xét theo logic thông thường và theo xu thế chung, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cửa cao nhưng thực lực chưa mạnh của Việt Nam sẽ chịu những tác động tiêu cực mạnh mẽ từ tình hình đó.

Thách thức này buộc Việt Nam phải chuẩn bị năng lực để đối phó, bao gồm củng cố những năng lực - động lực hiện có và quan trọng không kém, thực ra là ngày càng quan trọng hơn, phát triển những năng lực - động lực mới. Một trong những tuyến năng lực đó mà Việt Nam đang có lợi thế là sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài mạnh. Thực sự, Việt Nam đang có những điều kiện tự thân, cộng với bối cảnh quốc tế tạo ra những lực xô đẩy cơ bản thuận chiều, có lợi, để duy trì và gia tăng sức hấp dẫn đó.

Vấn đề đặt ra được ông Thiên nhắc tới là thu hút và định hướng sử dụng đầu tư nước ngoài thế nào để “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” là mục tiêu mà Việt Nam đang đặt ra, trước hết là cho chính mình trong việc tạo lập môi trường đầu tư.

Theo ông Thiên, giai đoạn mới đang mở ra cơ hội mới và lớn khác thường cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Nguồn lực phát triển này chứa đựng trong nó tiềm năng tạo động lực to lớn để tạo nhảy vọt phát triển. Mấu chốt vấn đề ở đây là hệ thống thể chế kinh tế thị trường hiện đại, quản trị thông minh cộng với các điều kiện nền tảng đồng bộ là hạ tầng kết nối - nguồn nhân lực chất lượng - lực lượng doanh nghiệp bản địa đủ mạnh để nối chuỗi.

Các doanh nghiệp Việt cũng cảm nhận rõ rệt tác động của làn sóng ngoại đang hướng tới Việt Nam. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho biết, ông vừa làm việc với 3 đoàn khách đến từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Đối tác Trung Quốc bàn với ông về việc lập một nhà máy liên doanh bán hàng vào Mỹ. Đối tác Nhật Bản và Mỹ đặt vấn đề chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam nên muốn khảo sát Sunhouse.

Shark Phú nhận định, Việt Nam không bao giờ lặp lại cơ hội như giai đoạn hiện nay. Các thế hệ doanh nhân Việt Nam cần chớp ngay lấy những cơ hội trên để biến Việt Nam thành cường quốc phát triển như cách mà Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm được.

Để tận dụng cơ hội, Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho biết, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra, ông đã nhìn ra rằng Việt Nam sẽ có cơ hội khi chuỗi cung ứng toàn cầu phải sắp xếp lại vì xung đột kinh tế. “Lúc đó, tôi đã quyết định xây 2 nhà máy về bản mạch. Tôi biết rằng quyết định này có thể khiến mình lỗ nhưng tôi có niềm tin rằng, chỉ trong thời gian ngắn thôi các đối tác nước ngoài sẽ sang Việt Nam tìm kiếm nhà cung ứng, khi đó Sunhouse sẽ có cơ hội”, Shark Phú cho biết.

Ông Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT

Chúng tôi khuyến khích các tập đoàn sản xuất đã có hoạt động tại Việt Nam nghiên cứu mở rộng hoạt động; các tập đoàn chưa có hoạt động tại Việt Nam thì tìm hiểu các cơ hội để đầu tư vào Việt Nam với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi tại các Khu công nghệ cao TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Tôi đề xuất các tập đoàn về thiết kế chip tham gia vào thị trường Việt Nam và mở rộng hoạt động tại đây cũng như cùng chúng tôi xây dựng đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Tôi đề xuất các công ty, tập đoàn cùng chúng tôi xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam và kết nối với toàn cầu.

TS. Nguyễn Đình Cung

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Thực tế cho thấy sức mạnh của doanh nghiệp nội địa còn kém so với khối ngoại. Và nếu nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu của FDI có thể làm giảm sức chống chịu của nền kinh tế và có thể làm giảm mức độ độc lập tự chủ của nền kinh tế bởi vì có thể trong một số trường hợp, chính sách của ta không thể đi ngược lại lợi ích của các nhà đầu tư. Vì vậy, khi Việt Nam có sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, thì các doanh nghiệp nội cũng cần phải vươn lên, đủ sức cạnh tranh để hợp đàn với các “đại bàng quốc tế”, nắm bắt công nghệ cốt lõi, dẫn dắt chuỗi giá trị.

Ông Gabor Fluit - C

hủ tịch EuroCham

Đã rất rõ ràng, nhóm doanh nghiệp Châu Âu tin tưởng vào Việt Nam. Gần một phần ba thành viên của chúng tôi xếp hạng Việt Nam là một trong ba địa điểm đầu tư hàng đầu đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về niềm tin của chúng tôi vào mối quan hệ hợp tác này. Tuy nhiên, những trở ngại vẫn tồn tại khi 59% cho rằng, những khó khăn về hành chính là thách thức chính khi hoạt động tại Việt Nam. Những trở ngại khác như sự không chắc chắn trong các quy tắc và quy định, rào cản trong việc xin giấy phép và các yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực và giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài cũng là những khó khăn mà Việt Nam cần cải thiện.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thay-gi-khi-viet-nam-vao-top-quoc-gia-hap-dan-fdi-hang-dau-the-gioi-1095859.html