Thấy gì ở hai ngành hàng không đạt chỉ tiêu?

Năm 2023, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, mà 2 mặt hàng gặp khó hàng đầu là gỗ - các sản phẩm gỗ và thủy sản.

Xuất khẩu tôm năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.

Theo số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 giảm khoảng 19% so với năm 2022; thấp hơn gần 3 tỷ USD so với mục tiêu 17 tỷ USD đề ra từ đầu năm.

Về nguyên nhân, theo VIFOREST, do tổng cầu giảm bởi tác động của lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều thị trường tiêu thụ gỗ lớn, khiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng gỗ liên tục suy giảm kể từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành gỗ đã có đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất đầu năm của thị trường thế giới.

Dù vậy, rất đáng chú ý là xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn sẽ đối diện với nhiều thách thức trong năm 2024. Cụ thể, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức áp dụng Quy định chống mất rừng (EUDR) vào tháng 12/2024. Đây sẽ là vấn đề tác động rất lớn đến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tương lai, vì EU là thị trường tiêu thụ lớn mặt hàng này của Việt Nam.

Con số của Tổ chức Forest Trends tại Việt Nam, cho biết năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu sang EU gần 700 triệu USD gỗ và các sản phẩm gỗ. Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định VPA/FLEGT, cam kết tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU là hợp pháp và không gây mất rừng. Ít có khả năng Việt Nam bị EU xếp loại rủi ro mất rừng cao, nhưng cũng không vì thế mà coi thể coi nhẹ yếu tố rủi ro khi mà nếu các DN ngành gỗ không thực hiện tuân thủ EUDR thì sẽ phải nộp phạt khoảng 4% tổng doanh thu của DN trong năm trước đó tại EU; bị tịch thu tiền và hàng hóa trong giao dịch vi phạm, cấm tham gia trong thời hạn 12 tháng vào các gói thầu mua sắm công hoặc các hoạt động sử dụng ngân sách công. Thậm chí, DN còn không được cấp phép đưa sản phẩm vào thị trường EU.

Theo EUDR, để chứng minh sản phẩm thỏa mãn cả hai điều kiện không gây mất rừng và hợp pháp, trước khi đưa sản phẩm vào lưu thông tại thị trường EU, DN cần có bản cam kết, ưu tiên cho việc xây dựng các chuỗi cung nguyên liệu có chứng chỉ bền vững.

Về thủy sản, đây cũng là ngành hàng của Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu trong năm 2023; khi mà sản lượng nuôi trồng vượt chỉ tiêu nhưng xuất khẩu lại không hoàn thành kế hoạch.

Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 đạt 9,269 triệu tấn, vượt mục tiêu đề ra. Trong khi đó giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD; chỉ bằng 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó: Tôm khoảng 3,45 tỷ USD; Cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; Nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; Cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD...

Đề cập tới những tồn tại cần khắc phục, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quan trắc môi trường của chúng ta còn thiếu, chưa đồng bộ. Công tác bảo quản sản phẩm chưa cải thiện. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản chưa được nhiều. Liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản chưa được chặt chẽ.

Đối với khai thác hải sản, số lượng tàu cá có xu hướng giảm dần nhưng chưa nâng cao giá trị sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản còn ở mức cao. Hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Công tác duy tu, bảo trì chưa được địa phương quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.

Chính vì thế mà mục tiêu năm 2024 được xác định là diện tích nuôi trồng thủy sản giữ ổn định so với năm 2023 (1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 380 nghìn ha, diện tích nuôi mặn, lợ 920 nghìn ha). Tiếp tục điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản. Cụ thể, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn; giảm 8,3% so với năm 2023. Sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn; tăng 5,0% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 đạt khoảng 9,5 tỷ USD.

Như vậy, ngành thủy sản đang đứng trước đòi hỏi tái cấu trúc. Tuy nhiên, điều đó phải song hành với sinh kế của ngư dân. Nói như Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan thì nguồn lợi thủy sản có sự suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Một trong những nguyên nhân chính là tác động của con người, do đó cần phải tái cấu trúc ngành hàng thủy sản một cách mạnh mẽ, đồng thời có phương án để bà con ngư dân trong vùng không cho phép khai thác được chuyển đổi sinh kế.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho rằng các địa phương ven biển cần tăng cường tiếp xúc với ngư dân để nắm bắt tâm tư, nguyên vọng. Từ đó Bộ NNPTNT kịp thời điều chỉnh cách quản lý "ứng xử với ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường".

Ngọc Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thay-gi-o-hai-nganh-hang-khong-dat-chi-tieu-10272408.html