Thấy gì ở môn thi THPT quốc gia có tới hơn 300 điểm 10?

Kỳ Thi THPT Quốc gia 2018, trong khi phần lớn các môn thi đều có điểm trung bình môn dưới 5, nhưng lại xuất hiện môn thi có điểm trung bình cao nhất (7,13 điểm), có tới hơn 300 điểm 10.

Phổ điểm môn Giáo dục công dân (GDCD) tại Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 lại một lần nữa gây ra sự bất ngờ cho dư luận khi là môn học có điểm trung bình cao nhất trong 9 môn (7,13 điểm) và cũng là môn có số bài thi đạt điểm tuyệt đối cao vượt trội với 309 điểm 10. GDCD đã tạo nên khoảng cách biệt lớn đối với những môn học còn lại.

So với năm 2017, điểm thi trung bình của môn GDCD năm 2018 giảm 0,77 điểm (năm 2017 là 7,80 điểm), nhưng điểm số mà thí sinh đạt nhiều nhất ở môn này lại lên đến 7,50 điểm. Ở kỳ thi vừa qua, môn GDCD so với các môn khác lại quá chênh lệch, bởi năm nay điểm thi ở một số môn thi rất thấp, nhiều thí sinh điểm dưới trung bình.

Ngoại trừ môn Ngữ văn, Địa lý, các môn còn lại đều có điểm trung bình môn dưới trung bình. Cụ thể, điểm trung bình của môn Toán là 4,86 điểm; Tiếng Anh: 3,91 điểm; Sinh học: 4,54 điểm; Lịch Sử: 3,97 điểm.

So sánh điểm thi trung bình năm 2018 và 2017 môn GDCD. Đồ họa: Hocmai.vn

Lí giải về điều này, các chuyên gia (chủ yếu là giáo viên THPT) của Hệ thống giáo dục Hocmai.vn cho rằng, quan điểm của học sinh, giáo viên và xã hội đã có sự thay đổi đối với môn học này. Từ năm 2017, môn học này được đưa vào kì thi THPT quốc gia và dùng để tuyển sinh vào các trường đại học. Với tầm quan trọng như vậy, cách dạy và cách học của giáo viên và học sinh cũng có nhiều thay đổi.

Tiếp đến, nội dung chủ yếu của môn GDCD trong đề thi năm nay là về pháp luật và kinh tế, đây đều là những kiến thức rất thiết thực với học sinh, đề bài không yêu cầu thí sinh ghi nhớ máy móc các khái niệm, điều luật, chỉ cần các em hiểu bản chất, nắm được “từ khóa” là có thể trả lời được câu hỏi.

Bên cạnh đó, đề thi năm nay có 50% câu hỏi tình huống, trong đó có 20% câu hỏi tình huống đơn giản, thí sinh chỉ cần nhớ nội dung chính là có thể giải quyết một cách dễ dàng. Ở những câu hỏi tình huống phức tạp, đề thi đã khéo léo đưa vào những vấn đề thời sự, để thí sinh vận dụng kiến thức xã hội của mình vào bài làm.

Điểm GDCD quá cao được cho là "cứu cánh" cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2018.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng trong đề thi GDCD, những phương án nhiễu trong đề thi đưa ra chưa tốt. Những phương án nhiễu của nhiều câu hỏi không phát huy được vai trò “đánh lạc hướng” học sinh, chỉ cần đọc lướt qua là chọn được ngay đáp án đúng.

Dù môn GDCD điểm cao ở nhiều nơi, là “cứu cánh” để học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và nhiều nơi đạt tỷ lệ cao, đây cũng được xem là “đòn bẩy” kích thích học sinh học về môn học vốn chưa được coi trọng trước đây. Cũng như thông qua môn học này, học sinh sẽ nâng cao giá trị đạo đức, nhân văn, tìm hiểu pháp luật…

Không đặt ra nghi vấn điểm thi cao bất thường có hay không chuyện nâng điểm, chấm nới trong môn GDCD, song nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng giữa các môn thi cần có sự bình đẳng, không nên để xảy ra tình trạng môn này dễ, môn kia lại quá khó. Hơn nữa, môn GDCD hiện nay cũng đã được một số trường ĐH, CĐ lấy làm môn xét tuyển đầu vào.

Do đó, nhiều kiến nghị đưa ra nhằm sự công bằng giữa các thí sinh, môn thi tại kỳ thi quốc gia, khâu ra đề cần cân bằng giữa các bộ môn. Tránh hiện tượng thí sinh chủ quan, ôn tủ, học lệch cốt để đi thi, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu kỹ về khâu ra đề để không tạo áp lực ở những môn quá khó (ví dụ như môn Toán ở kỳ thi 2018) và chủ quan, “cho điểm” ở môn thi đề ra quá dễ.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/thay-gi-o-mon-thi-thpt-quoc-gia-co-toi-hon-300-diem-10-20180720092206842.htm