Thấy gì sau chiến thắng vang dội tại phòng vé của 'Venom'?

Chỉ sau ba ngày trình chiếu, 'Venom' đã mang về cho Sony hơn 205 triệu USD, bất chấp đủ lời chê bai từ giới phê bình và nhiều fan ruột của nhân vật dựa trên truyện tranh Marvel.

Do đạo diễn Ruben Fleischer thực hiện, Venom giành chiến thắng vang dội tại phòng vé cuối tuần qua với 80 triệu USD tại Bắc Mỹ, và hơn 205 triệu USD tính trên cấp độ toàn cầu. Đó là thành công không thể mỹ mãn hơn dành cho Sony sau khi họ chỉ phải bỏ ra 100 triệu USD để sản xuất dự án. Giờ thì hãng đã có thể thoải mái nghĩ tới cột mốc 500 triệu USD dành cho bộ phim, cũng như phát triển vũ trụ điện ảnh gồm toàn đối thủ của Người Nhện.

Thực hiện Venom là quyết định đúng đắn: Khi công bố thực hiện Venom cách đây khoảng gần hai năm, hãng Sony chỉ nhận được những cái nhìn hoặc lắc đầu hoài nghi, nhất là khi bộ phim dường như rất tách biệt với phiên bản Spider-Man mới xuất hiện ở MCU của Tom Holland. Song, thành công phòng vé lúc này cho thấy nhân vật Venom (Tom Hardy) rõ ràng sở hữu lượng fan chẳng hề thua kém gì Deadpool ở bộ phim cùng tên, hay Harley Quinn của Suicide Squad. Tất cả yếu tố bất lợi, từ bình luận tiêu cực của giới phê bình cho tới việc thành phẩm có phần cắt dựng lộn xộn, không thể ngăn bộ phim giành chiến thắng vang dội.

Nhãn PG-13 đã phát huy hiệu quả: Fan ruột của Venom từng bực tức khi thấy Sony theo đuổi nhãn PG-13 (khán giả dưới 13 tuổi có thể xem phim nếu đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ), thay vì nhãn R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi). Họ cho rằng động thái sẽ khiến nhân vật “mất chất”, và bộ phim thiếu đi tính bạo lực cần thiết. Nhưng trong tháng 10 đã có quá nhiều phim nhãn R (A Star Is Born, First Man, Bad Times at the El Royale, Halloween…), Venom bỗng nhiên trở nên khác biệt với nhãn PG-13. Nước cờ của Sony đồng thời còn giúp họ kiếm tiền từ lượng khán giả nhí là fan của Venom. Kể ra cũng đáng tiếc khi nhân vật không gây ép-phê như nguyên tác. Nhưng về mặt kinh tế, Sony rõ ràng đã đúng.

Ảnh hưởng từ các bài review: Hàng loạt bài bình luận sớm về Venom của giới phê bình chê bai bộ phim đủ đường, nhưng tác phẩm rốt cuộc không hề bị khán giả ngó lơ như nhiều trường hợp khác. Dù chê bộ phim tới đây, hầu hết cây bút đều ca ngợi màn trình diễn của Tom Hardy trong vai chính Eddie Brock / Venom. Và khán giả thực tế chỉ cần có vậy, cộng thêm những pha biến chuyển tạo hình và hành động đầy ấn tượng nhờ kỹ xảo điện ảnh. Ở đây, Sony rõ ràng đã thành công trong việc chiều lòng số đông, và cũng rất khôn khéo khi tung ra nhiều trailer, trích đoạn đề cao mảng kỹ xảo hiện đại của bộ phim.

Tương lai sáng sủa hơn cho vũ trụ điện ảnh mới: Dù giới phê bình có chê bai, dẫu người hâm mộ có bình luận thế nào về bộ phim, Venom đã tiếp cho Sony thêm niềm tin để thực hiện vũ trụ điện ảnh gồm toàn các đối thủ của Người Nhện (trong khi chính Spider-Man lại chẳng xuất hiện). Hơn 205 triệu USD chắc chắn là con số đáng để hãng phim tự hào. Song, Sony chắc chắn cũng không thể quá tự mãn, bởi Morbius (Jared Leto) hay Kraven - những nhân vật tiếp theo có phim riêng trong thời gian tới - không thể đông fan như Venom. Nhưng ít ra thì hãng có thể sớm khởi động Venom 2 nếu muốn, với câu chuyện có sự góp mặt của Carnage (Woody Harrelson).

Một bệ phóng được yêu mến: Năm 2017, The Mummy lãnh trách nhiệm mở màn Dark Universe cho hãng Universal, nhưng rốt cuộc lập tức đưa vũ trụ phim quái vật đúng là đến chỗ “đen tối”. Bộ phim gần như không có một điểm sáng nào, và tồi tệ hơn cả là việc nhân vật Nick Morton của Tom Cruise quá tẻ nhạt, dù đây được hứa hẹn sẽ đóng vai trò giống như Iron Man (Robert Downey Jr.) ở MCU. Giờ thì vũ trụ điện ảnh mới của Sony đã sớm tìm được “vedette” là Venom của Tom Hardy. Họ còn nắm trong tay một tài năng nữa là Woody Harrelson trong vai Carnage. Ngoài ra, khán giả sẽ rất tò mò muốn biết liệu Venom có thể xuất hiện ở MCU như Spider-Man hay không, và gây ra ảnh hưởng thế nào cho vũ trụ điện ảnh thành công bậc nhất.

Sony có thể cần bình tĩnh hơn: The Amazing Spider-Man 2 (2014) đạt doanh thu lên tới 709 triệu USD toàn cầu, nhưng vẫn khiến Sony cảm thấy thất vọng và quyết định dẹp bỏ loạt phim của tài tử Andrew Garfield. Từ đây, họ cho phép Spider-Man xuất hiện ở MCU dưới sự thể hiện của Tom Holland. Theo đó, kế hoạch về The Amazing Spider-Man 3 hay phần ngoại truyện xoay quanh nhóm Sinister Six (có cả Venom) bị dẹp bỏ. Nguyên nhân bởi The Amazing Spider-Man 2 tiêu tốn tới 225 triệu USD để sản xuất. Thành công lúc này của Venom cho thấy sức hút của loạt truyện tranh Spider-Man lớn đến ra sao, và Sony vẫn có thể hốt bạc từ đó. Nếu họ thực hiện bom tấn hồi mùa hè 2014 với quy mô và kinh phí nhỏ hơn, thế cờ trong dòng phim siêu anh hùng lúc này có lẽ sẽ cực kỳ khác.

Phim siêu anh hùng vẫn là số một: Chỉ cần một bộ phim siêu anh hùng nào đó đạt doanh thu thấp hơn thông thường một chút, không ít người lại bắt đầu lên tiếng cho rằng thể loại sắp sửa đến giai đoạn thoái trào. Trường hợp mới nhất chính là Ant-Man and The Wasp hồi mùa hè, khi phim chỉ đứng thứ 15 về mặt doanh thu trong riêng MCU. Song, Venom lập tức lại cho tất cả thấy rằng dòng phim siêu anh hùng vẫn đang được ưa chuộng ra sao. Sau gần ba tháng thể loại vắng bóng trên màn bạc, khán giả như đổ xô đi theo dõi bộ phim của Sony. Sẽ chẳng ngạc nhiên khi số lượng phim siêu anh hùng tiếp tục tăng cao trong khoảng 3-4 năm tới đây.

Trailer bộ phim 'Venom' Tác phẩm thuộc Vũ trụ Điện ảnh Người Nhện do Sony xây dựng, xoay quanh nhân vật phản anh hùng lừng danh Venom (Tom Hardy).

Ngọc Nhi
Ảnh: Sony

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thay-gi-sau-chien-thang-vang-doi-tai-phong-ve-cua-venom-post882712.html