Thấy gì từ ngôi nhất toàn đoàn SEA Games của Việt Nam

Đoàn Thể thao Việt Nam khép lại SEA Games 32 thành công rực rỡ với ngôi nhất toàn đoàn, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số tiếc nuối.

13 ngày tranh tài sôi nổi trên đất Campuchia đã khép lại với chiến tích lịch sử của Đoàn Thể thao Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử 32 kỳ SEA Games, Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn mà không phải với tư cách chủ nhà, cùng với đó là lần thứ hai liên tiếp vượt qua Thái Lan trên bảng xếp hạng khi tranh tài ở quốc gia khác.

Chiến tích lịch sử nhất toàn đoàn của Việt Nam. Ảnh: Bùi Lượng.

Nhiều môn Olympic chiến thắng

Đoàn Thể thao Việt Nam kết thúc SEA Games 32 với ngôi nhất toàn đoàn khi giành 136 HCV, 105 HCB và 118 HCĐ, hơn đoàn xếp sau là Thái Lan 28 HCV. Đây là thành tích vượt chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường (giành từ 90 HCV đến 120 HCV).

5 ngày thi đấu cuối của SEA Games 32, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ. Từ cuộc bám đuổi ngôi số một với Campuchia và Thái Lan, Việt Nam đã bứt hẳn lên nhờ "mỏ vàng" từ vật, lặn, judo và aerobic.

Đội tuyển lặn Việt Nam giành nhiều HCV nhất với 14 tấm, tiếp đến là tuyển vật khi đem về 13 HCV. Tuyển judo giành 8 HCV trong khi đội aerobic thâu tóm cả 5 HCV. Đây là những đội đã thể hiện sức mạnh áp đảo so với các đoàn trong khu vực, giúp đoàn Việt Nam bứt phá trên bảng xếp hạng.

Bên cạnh đó, nhiều môn thể thao, trong đó có những môn Olympic, đã chiến thắng ấn tượng. Tuyển cử tạ Việt Nam để lại những kỷ niệm khó quên bằng những lần cử xuất thần của Trần Minh Trí và Trần Đình Thắng. Cả hai giành HCV đầy bất ngờ nhờ lần thực hiện cử đẩy cuối cùng, qua đó hơn các đối thủ đến từ Thái Lan đúng 1 kg tổng cử.

Cú đẩy tạ xuất thần giúp Đình Thắng giành HCV. Ảnh: Quang Thịnh.

Minh Trí nâng thành công mức tạ 176 kg, hơn lần cử đẩy trước 8 kg, để vượt qua đối thủ Thái Lan, giành HCV hạng 67 kg và phá kỷ lục SEA Games. Sau phần thi đầy cố gắng, Minh Trí đã bị căng cơ, khụy xuống ngay trên bục và cần sự chăm sóc của đội ngũ y tế. Đồng đội Đình Thắng (hạng trên 89 kg) cũng có màn thể hiện gây bất ngờ hơn khi thực hiện thành công mức tạ 209 kg ở lần cử đẩy cuối, hơn lần thực hiện trước tới 13 kg.

Tuyển bóng đá nữ Việt Nam làm ngây ngất người hâm mộ khi lần thứ 4 liên tiếp giành tấm HCV SEA Games. Trong 10 kỳ đại hội gần nhất, các nữ tuyển thủ đã 8 lần lên ngôi và 2 lần về nhì. Đây là thành tích vô tiền khoáng hậu của một đội tuyển bóng đá nữ trong khu vực đạt được tại SEA Games.

Cùng với đó là những tấm HCV lịch sử đến từ môn golf, bóng rổ và bóng bàn. Niềm vui như vỡ òa với bóng bàn Việt Nam khi cặp Đình Anh Hoàng (21 tuổi) và Trần Mai Ngọc (19 tuổi) giành tấm HCV sau 26 năm chờ đợi ở nội dung đôi nam nữ. Đây là nội dung mà bóng bàn ít kỳ vọng nhất nhưng đôi vận động viên trẻ đã có những chiến thắng ấn tượng trước Thái Lan ở bán kết, sau đó hạ đối thủ mạnh Singapore ở chung kết với tỷ số 3-1.

Golf Việt Nam cũng lần đầu tiên có HCV SEA Games. Đáng ngạc nhiên thay, vận động viên giành HCV ở môn thể thao "quý tộc" này mới 15 tuổi. Lê Khánh Hưng đã có màn trình diễn xuất sắc với -13 gậy. Các nữ tuyển thủ bóng rổ cũng đem về tấm HCV lịch sử khi chiến thắng Philippines ở nội dung 3x3.

Những tiếc nuối

Điền kinh và bơi đóng góp số HCV không nhỏ cho ngôi đầu bảng tổng sắp của Thể thao Việt Nam nhưng hai đội tuyển nhận được nhiều sự quan tâm này lại chưa thể hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Sau 3 kỳ nhất toàn đoàn, điền kinh Việt Nam đã bị Thái Lan lấy lại ngôi số một. SEA Games 32 được dự báo là khó khăn với điền kinh Việt Nam khi đội thiếu vắng những gương mặt từng giành HCV do dương tính doping, "lão tướng" Nguyễn Văn Lai nói lời chia tay hay chấn thương đáng tiếc của nhà vô địch ném lao Lò Thị Hoàng.

Nguyễn Thị Oanh (4 HCV cá nhân) hay Nguyễn Thị Huyền (1 HCV cá nhân, 2 HCV tiếp sức) vẫn là những nhân tố nổi bật của đội. Tuy vậy, vẫn có những tiếc nuối khi Huyền không bảo vệ thành công tấm HCV nội dung sở trường 400 m.

Nguyễn Thị Oanh giành nhiều HCV nhất cho đoàn Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: Y Kiện.

12 tấm HCV mà điền kinh Việt Nam giành được đều đến trên đường chạy. Chúng ta vắng bóng trên bục cao nhất ở các nội dung bật nhảy và ném. Bùi Thị Thu Thảo, Phạm Thị Diễm hay Nguyễn Hoài Văn chỉ nhận HCB. Và trong số 12 tấm HCV, chỉ có đúng 1 HCV đến ở nội dung cá nhân của nam do Nguyễn Trung Cường mang về tại chung kết 3.000 m chướng ngại vật. Nguyễn Tiến Luật, Lương Đức Phước chưa đủ sức gánh vác trọng trách giành vàng như đàn anh Nguyễn Văn Lai hay Dương Văn Thái trước đây.

Nếu như các chân chạy nữ "gánh" tuyển điền kinh, các nam kình ngư đảm nhiệm trọng trách tương tự. 7 HCV mà tuyển bơi có được đều do các nam kình ngư mang về. Dù vậy, con số này vẫn chưa như mong đợi khi các nam kình ngư Việt Nam từng giành 11 HCV tại SEA Games 31.

Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thanh Bảo và Trần Hưng Nguyên cùng lập cú đúp HCV cá nhân bên cạnh tấm HCV đồng đội tiếp sức 4x200 m tự do. Người hâm mộ đã rất nhớ Ánh Viên bởi nếu có sự góp mặt của "Tiểu tiên cá", tuyển bơi Việt Nam hoàn toàn đủ sức cạnh tranh ngôi đầu với Singapore, cường quốc bơi của khu vực.

Bóng đá Việt Nam khép lại SEA Games 32 theo cách chưa trọn vẹn khi đội U22 chỉ có được tấm HCĐ, không bảo vệ thành công tấm HCV đã giành được ở hai kỳ trước đó. Bên cạnh đó là tiếc nuối của Vũ Thành An, Nguyễn Tiến Nhật, những kiếm thủ giàu thành tích nhưng không thể giữ được HCV.

SEA Games 32 đã khép lại nhưng các vận động viên Việt Nam sẽ tiếp tục cho những mục tiêu, giải đấu quan trọng trong năm mà gần nhất là Asian Games vào tháng 9 tại Trung Quốc. Chiến tích SEA Games sẽ là liều thuốc tinh thần cho các vận động viên để hướng đến đấu trường châu lục.

Khoảnh khắc Nguyễn Thị Oanh giành HCV thứ 4 ở SEA Games 32 Chiều 12/5, Nguyễn Thị Oanh về nhất ở chung kết điền kinh nội dung 10.000 m nữ. Trước đó, cô đã về nhất ở các cự ly 5.000 m nữ, 1.500 m nữ và 3.000 m vượt rào nữ tại SEA Games 32.

Duy Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thay-gi-tu-ngoi-nhat-toan-doan-sea-games-cua-viet-nam-post1432120.html