Thấy gì từ việc nhiều chuỗi bán lẻ của Nhật thâm nhập thị trường bán lẻ trong nước

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng của thị trường bán lẻ với lượng dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thu nhập gia tăng... là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ.

Có thể nói theo xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, nhiều DN bán lẻ ngoại không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường hấp dẫn này. Đặc biệt, với quy mô đầu tư dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Trên thực tế thời gian qua đã chứng kiến sự đổ bộ của chuỗi bán lẻ Nhật Bản tại thị trường bán lẻ Việt Nam, điều này mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng cũng khiến các đơn vị bán lẻ trong nước cần sớm có sự điều chỉnh để không thể thua ngay trên sân nhà.

Được biết, Matsumoto Kiyoshi Holdings (một tập đoàn nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối dược – mỹ phẩm) vừa ký với Cty CP Chế biến Thực phẩm Hoa Sen (Lotus Food Group) để thành lập liên doanh Matsumoto Kiyoshi Việt Nam. Đây là sự đổ bộ đáng quan tâm của một chuỗi bán lẻ dược, mỹ phẩm lớn nhất nước Nhật về cả doanh thu lẫn điểm bán. Các sản phẩm dự kiến sẽ được bán chủ lực tại Việt Nam là mỹ phẩm Nhật Bản, mỹ phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, thực phẩm bổ trợ sức khỏe, thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc cơ thể.

Sự cạnh tranh tại thị trường bán lẻ sẽ ngày càng khốc liệt hơn với sự góp mặt của những chuỗi bán lẻ của nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản.

Sự cạnh tranh tại thị trường bán lẻ sẽ ngày càng khốc liệt hơn với sự góp mặt của những chuỗi bán lẻ của nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản.

Cũng không hề yếu thế, Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản Ryohin Keikaku, đơn vị vận hành hệ thống Muji chuyên các sản phẩm gia dụng và đồ dùng gia đình cũng đã thành lập Cty TNHH MUJI Việt Nam vào tháng 8-2019 nhằm phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Muji Việt Nam được sở hữu 100% bởi Ryohin Keikaku và dự kiến đặt trụ sở và cửa hàng đầu tiên tại TP HCM. Theo kế hoạch, cửa hàng này sẽ khai trương vào tháng 2-2020. Hay nhà bán lẻ Takashimaya (có lịch sử 180 năm tại Nhật Bản) cũng mở một cửa hàng 15.000m2 tại Saigon Center. Đây là cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này khi tiếp cận thị trường Việt Nam.

Nhiều DN nhỏ của Nhật Bản cũng đang có sự quan tâm tới thị trường 90 triệu dân. Đơn cử như Quỹ đầu tư ACA Investments thuộc Tập đoàn Sumitomo đã rót vốn để nắm 20% CP tại Hệ thống cửa hàng bán lẻ Bibo Mart. Ngoài ra, những chuỗi siêu thị lớn của Nhật tiếp tục mở rộng thị phần. Như Aeon Mall mở cửa thêm chi nhánh lớn tại Hà Đông. Chuỗi Family Mart của Nhật Bản đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam và tiếp tục dự định mở thêm 700 cửa hàng vào năm 2020. Hàng loạt các siêu thị đồng giá hàng tiêu dùng Nhật Bản mọc lên như nấm và tạo được sức hút tại thị trường Việt Nam.

Chị Hạnh (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ bản thân chị rất mong chờ Aeon Mall Hà Đông mở cửa và cuối cùng điều đó cũng đã đến, chị cùng những người bạn của mình từ đây đã có thể mua bán hàng hóa một cách thoải mái, đa dạng hơn với chất lượng sản phẩm được đề cao. “Tôi quyết định mua chung cư tại khu vực gần Aeon Hà Đông vì sự tiện lợi của hệ thống siêu thị này đã được khẳng định về mặt thương hiệu. Nó mang đến cho tôi một sự yên tâm nhất định khi mua sắm các sản phẩm tại đây”, chị Hạnh nói.

Theo thống kê cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ nước ngoài. Vì vậy, hầu hết DN đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu ở phân khúc thị trường bán lẻ hiện đại và chiếm khoảng 25-30% thị phần. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nhận định, các nhà bán lẻ nội đã nỗ lực và không thua kém trong cuộc đua thị phần hiện nay. Nhiều DN đã nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mở rộng mạng lưới; đồng thời, hướng đến phát triển bán lẻ trực tuyến với nhiều hình thức phong phú như hệ thống Vinmart, Hapro, Co.op mart,…

Dù vậy, vẫn còn không ít DN bán lẻ trong nước vẫn yếu về vốn, quy mô nhỏ, khả năng quản trị thiếu chuyên nghiệp khiến cho sức cạnh tranh đã yếu lại càng yếu hơn. Ngược lại, những nhà đầu tư ngoại có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị DN và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu; kế hoạch đầu tư bài bản dưới nhiều hình thức đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường này với 53% thị phần.

Theo các chuyên gia thương mại, DN Việt Nam tụt hậu về công nghệ diễn ra trong thời gian dài so với các DN đầu tư nước ngoài trong khu vực và thế giới. Hơn nữa, trình độ quản trị của DN còn ở mức thấp và chưa đồng đều, nguồn nhân lực còn hạn chế… là những vấn đề DN Việt cần sớm có giải pháp khắc phục để không bị “vượt mặt” ngay trên sân nhà.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thay-gi-tu-viec-nhieu-chuoi-ban-le-cua-nhat-tham-nhap-thi-truong-ban-le-trong-nuoc-180040.html