Thầy giáo được phong hàm giáo sư khi 40 tuổi

Anh Nguyễn Đức Toàn (sinh năm 1980), giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong ba người ở độ tuổi 8x được nhận học hàm giáo sư năm 2020.

Giáo sư Nguyễn Đức Toàn quê ở Hải Dương. Suốt năm học cấp 1, cấp 2, anh tự nhận bản thân không có thành tích nổi trội. Bước ngoặt lớn nhất là khi thi đậu vào lớp chuyên Toán, trường THPT Hồng Quang, từ một học sinh ở trường làng chuyển sang môi trường trường chuyên lớp chọn, cậu học sinh tên Toàn khi ấy thấy tự ti và có phần hụt hơi hơn so với các bạn cùng lớp.

“Các bạn trong lớp tôi khi ấy đều đến từ trường năng khiếu, trường THCS chuyên của huyện, sức học mạnh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cũng chính áp lực đó giúp tôi khi ấy quyết tâm rèn luyện, bứt phá vươn lên bắt kịp bạn bè trong lớp”, anh nói.

Anh Nguyễn Đức Toàn (phải) nhận quyết định công nhận học hàm giáo sư năm 2020.

Anh Nguyễn Đức Toàn (phải) nhận quyết định công nhận học hàm giáo sư năm 2020.

Cơ khí là ngành nghề anh yêu thích từ nhỏ. Khi được học với đúng đam mê của bản thân, anh luôn nỗ lực dẫn đầu lớp về kết quả học tập. Anh tự rèn luyện thói quen đọc sách và làm nghiên cứu không ngừng nghỉ mỗi ngày.

Năm 2003, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa loại giỏi, anh được giữ lại trường công tác vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học. Ngoài ra anh cũng tham gia công tác giáo viên chủ nhiệm và kiêm nhiệm công tác quản lý.

Sau 18 năm làm việc dưới mái trường Bách khoa, vị giáo sư trẻ hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Đặc biệt, anh công bố 110 bài báo khoa học, trong đó 50 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín. Đồng thời, anh cũng tham gia biên soạn 2 giáo trình, 2 sách chuyên khảo và 6 chương sách quốc tế có giá trị trích dẫn cao.

Với anh Toàn, kỹ sư về cơ khí luôn phải gắn liền với sắt thép, những con ốc vít, bản vẽ. Làm việc trong môi trường nghiên cứu thường xuyên tiếp xúc với dầu mỡ, máy móc thiết bị nặng đòi hỏi anh luôn phải chủ động, tìm hiểu kỹ từ quy trình, công nghệ chế tạo, thiết kế lắp ráp đầy đủ các bước cần thiết để có thể làm ra một chi tiết nhỏ nhất.

Vị giáo sư trẻ ấy luôn quan niệm, muốn làm nghiên cứu khoa học có đẳng cấp thì phải tạo ra những công trình mới, sáng tạo mới và để công bố được trên tạp chí quốc tế phải là những nội dung khác biệt. Sự khác biệt ở đây không phải là tạo ra những cái gì quá lớn, chúng ta có thể đề ra những phương trình mới, những công thức mới hay đề xuất ra những giải pháp mới, công nghệ mới thì việc công bố sẽ dễ dàng đạt được.

Giáo sư Nguyễn Đức Toàn hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.

Thành công trên con đường nghiên cứu khoa học, nhưng ít ai biết, hầu hết các công trình của anh không sử dụng ngân sách của trường hay nhà nước, mà đa số đều được tài trợ bởi các quỹ đầu tư phát triển. Anh chủ yếu nghiên cứu về phương pháp tạo hình kim loại tấm, dự đoán hiện tượng phá hủy dẻo trong tạo hình tấm kim loại, dự đoán hiện tượng đàn hồi ngược trong tạo hình tấm kim loại, mô phỏng cắt gọt kim loại, vật liệu cứng có gia nhiệt...

Năm 2011, tôi được nghiên cứu chuyên sâu và tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại Học Quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc, chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí. Tại đây, tôi công bố nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng. Nhờ những kết quả đó, khi về nước làm việc, tôi thường đệ trình lên các quỹ nghiên cứu phát triển để tìm kiếm nguồn tài trợ cho các nghiên cứu của mình.

Thật may mắn, nhờ vào uy tín và kết quả nghiên cứu trước đó của tôi, họ đều chấp nhận tài trợ tiền để mua sắm trang thiết bị, thậm chí họ trả thêm lương cho việc nghiên cứu của chính tôi”, vị giáo sư trẻ chia sẻ và cho rằng lợi thế đó giúp cho việc nghiên cứu phát triển của anh thuận lợi hơn trong gần hai thập kỷ qua.

Anh Toàn khuyên các bạn trẻ hãy cứ đam mê, hãy cứ cố gắng phấn đấu hết mình, đừng đánh đổi tình yêu khoa học để lấy tiền bạc. Bởi khi chúng ta đạt được kết quả nhất định nào đó, thì sự thành công đó sẽ là nền móng vững chắc giúp chúng ta gặp hái được những công việc tiếp theo, cả về tiền bạc và sự nghiệp.

Những nghiên cứu của anh Toàn tập trung chủ yếu vào việc dự báo các sai sót, hỏng hóc trong sản phẩm công nghiệp. Việc nghiên cứu đó cần quá trình khảo sát kỹ để đánh giá được các nhân tố ảnh hưởng đến sản phẩm đó như thế nào.

Giáo sư Toàn cùng nhóm nghiên cứu sinh trẻ thường xuyên đi khảo sát các vấn đề kinh doanh trên thị trường. Anh lấy những số liệu khảo sát đó làm căn cứ để áp dụng những phương pháp công nghệ học được, từ việc lý thuyết hóa, mô hình hóa dự đoán, đánh giá chất lượng cho kết quả của sản phẩm.

Giáo sư Nguyễn Đức Toàn (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp.

Theo anh, việc phân tích, đánh giá, biến những số liệu nghiên cứu từ thực tiễn thành lý thuyết và dự đoán trước thời gian hỏng hóc của các vật liệu là điều quan trọng trong sản xuất công nghiệp hiện đại. Đó chính là tiền đề để tối ưu hóa, lựa chọn được những công nghệ phù hợp nhất giúp các sản phẩm sản xuất ra đạt được chất lượng cao nhất.

Với anh Toàn, việc đưa ra được các đánh giá, dự báo cho các quy trình sản xuất là những công trình khoa học tâm đắc nhất. Anh kỳ vọng những công trình của mình giúp cho quá trình sản xuất được dễ dàng nhẹ nhàng và kiểm soát được chất lượng đầu ra.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thay-giao-duoc-phong-ham-giao-su-khi-40-tuoi-ar599879.html