Thầy hiệu trưởng

Trước cửa lớp tôi có cây phượng cổ thụ. Sứ mệnh của nó không chỉ bung hoa và che mát.

Ảnh minh họa INT.

Chiều thứ Bảy mỗi tuần, thầy hiệu trưởng mang “đồ nghề” để dưới gốc cây thành một tiệm cắt tóc đặc biệt trên ốc đảo nhỏ bé này. Khách hàng của thầy là những anh cốm, cậu choai, tóc chạm tai, chớm gáy. Chúng tôi xếp thành hàng ngồi ngay ngắn đợi đến lượt lên ghế… đỏ.

Chiếc ghế ấy thầy được cho trên đất liền rồi mang ra đây mấy tuần nay. Mặt ghế tròn giống hình con sứa, hơi cũ nhưng còn dùng tốt. Dưới mặt ghế là trục xoay inox chắc chắn. Kết nối trục xoay với mặt đất là 5 chân ghế có bánh lăn bằng cao su như năm xúc tu của con sứa. Đứa nào đến lượt cũng nhún mông đôi ba cái để cảm nhận sự sung sướng từ mặt ghế có đệm mút rất êm.

Chúng tôi chẳng bận tâm chiếc ghế này chào đời tự bao giờ, đáng tuổi em, tuổi bạn hay tuổi anh... Chỉ biết rằng, nó có sức hút mãnh liệt khi chúng tôi được ngồi lên, xoay vòng, rồi nâng cao, hạ thấp, rồi lăn lăn qua lại… Ôi, chỉ có một từ là “HỊN”. Chắc đất liền giàu lắm.

Ngoài chiếc ghế cũ người mới ta, tiệm của thầy vẻn vẹn một tông đơ, một lược, một áo choàng chắn tóc lọt vào người học trò. Thầy mở tiệm trước khi chúng tôi vào trường học nên nó có từ bao giờ chúng tôi cũng chẳng biết. Nói chung, chúng tôi không biết gì ngoài việc chiều thứ Bảy hằng tuần sẽ tụ tập ở đây để được thầy cắt tóc hoặc nếu tóc chưa dài thì ngồi xem thầy cắt cũng vui.

Hôm nay, thằng Trí được cắt tóc đầu tiên vì nó đến sớm, ngồi vị trí nhất trong dãy khách chờ. Thầy vẫy tay gọi. Nó nhanh nhẹn đặt mông vào ghế và không quên nhún nhún rồi toét miệng cười. Mấy chiếc răng lộn xộn, không hàng, không lối hở cả ra nhưng không đến nỗi vô duyên. Trước khi cắt tóc cho thằng Trí, thầy hỏi:

- Cây cảnh có tự đẹp không?

- Dạ, không!

- Vậy sao nó đẹp?

- Dạ, nó được cắt tỉa cành xấu, cành thừa.

- Con người có tự đẹp không?

- Dạ, không!

- Muốn đẹp phải sao?

- Phải cắt cành thừa, cành xấu.

- Cành nào thừa?

- Dạ, cành tóc dài, móng tay dài, móng chân dài.

- Hết chưa?

- Dạ, cành lười học, cành nói leo…

- Giỏi. Giờ ta cắt cành bên ngoài nha. Cành bên trong từ từ cắt, ngày ngày cắt, tự mình cắt là sẽ đẹp từ trong ra ngoài.

- Dạ.

Thầy choàng áo chắn tóc xung quanh nó. Hạ thấp ghế một chút vì thằng này đang dậy thì, cao lêu nghêu. Chiếc lược bắt đầu lùa ngược vào tóc, phía sau gáy rồi từ từ đi lên phía đỉnh đầu. Rồi sang thái dương trái, thái dương phải, phía trán… Lược đi tới đâu, tông đơ đi tới đó. Tỉ mỉ, cẩn thận. Từng nhúm tóc rơi xuống lã chã, lưa thưa. Chẳng mấy chốc, mái tóc thằng Trí đã ra kiểu X-Men đất biển.

Trước khi hoàn thành, thầy chải quanh đầu nó một lượt, ngắm nghía thật kĩ từ các hướng rồi bo tròn, cắt tỉa những sợi tóc còn sót hoặc không vào nếp. Tiếp đó, thầy cầm miếng bọt biển phẩy nhẹ từ trên xuống, quanh cổ, rồi tháo áo choàng khỏi người thằng Trí, giũ nhẹ. Thế là xong một quả đầu. Thằng tiếp theo, lại tiếp nữa… Cứ như vậy, những thằng cốm lần lượt được thầy chậm rãi cắt tỉa cho những quả đầu gọn gàng, bắt mắt.

Bố mẹ mải đi biển từ lúc chúng tôi còn chưa thức dậy. Có khi chúng tôi đi ngủ thì bố mẹ vẫn chưa về. Cuộc sống trên đảo cực nhọc đến nỗi bố mẹ chẳng có thời gian hoặc thậm chí chẳng có tiền cho chúng tôi đến tiệm tóc chính hiệu. Thầy hiệu trưởng biết, nên tiệm tóc này được mở ra – hoàn toàn miễn phí.

Ảnh minh họa INT.

Tôi nhớ mãi lần đầu tiên được thầy cắt tóc, đã ba năm rồi, khi ấy tôi là lính mới của trường. Học sinh lớp sáu. Vừa ngồi vào chiếc ghế gỗ ọp à ọp ẹp, chân tay tôi đã run bắn lên. Từ thuở bé đến đó, tôi chưa từng được ai cắt tóc ngoài mẹ. Bố tôi mất trong một lần bão biển, thuyền chìm.

Khi mới nghe tin, mẹ tôi ngất lên ngất xuống. Chị em tôi hoảng loạn ôm lấy mẹ. Chúng tôi sợ: lỡ mẹ cũng lại đi… Rồi mẹ tỉnh. Mẹ nhìn chị em tôi. Mẹ không khóc hoặc không còn khóc được. Mẹ duỗi một chân, ra hiệu cho chúng tôi nằm xuống, gối đầu lên chân mẹ. Mẹ vỗ vỗ từng đứa, lần lượt như chơi trò thả đỉa ba ba. Trong đêm tối tịch mịch, chúng tôi được trấn an, dần ngủ thiếp.

Năm ấy, tôi lên hai, chị cả lên bảy, chị thứ lên năm, em trai út còn trong bụng mẹ. Lo việc cho bố xong, mẹ tôi tiếp tục đi chợ cá. Có điều, mẹ đi sớm hơn, về muộn hơn. Mẹ rạc người nuôi chị em tôi. Thấm thoắt đã hơn chục năm. Chúng tôi tan học thì bảo nhau phụ mẹ việc nhà, việc chợ. Tôi rất thèm tết vì mẹ thường nghỉ chợ ba ngày. Mẹ dành thời gian cắt tỉa tóc cho tôi và thằng út cẩn thận hơn những lần khác. Hai chị là con gái thì cứ để tóc ngang lưng. Mua dây buộc tóc mới cho điệu đà, chắc chắn là thích rồi.

Tôi ban đầu không định đến tiệm tóc của thầy hiệu trưởng vì ngại, vì sợ, vì linh tinh thứ. Nhưng thằng Quách thả thính hấp dẫn quá. Nó khen thầy cắt tóc đẹp, tâm lý, nói chuyện hài, lại không mất tiền… Vậy là tôi lấy hết sức can đảm mon men ra xếp hàng dưới gốc phượng. Chuẩn bị đến lượt, tôi tự dưng nóng bừng mặt, đứng lên định chạy vào lớp thì bị thằng Quách túm lấy đuôi áo, ấn tôi ngồi lại.

- Kì vậy mày. Tính chuồn hả?

- Tao sợ.

- Sợ chi? Thầy nuốt trôi mày đâu.

Tôi im lặng. Chứ chẳng lẽ lại nói toạc móng heo là: “Tao quen mẹ tao cắt cơ” thì nó cười sặc nước bọt vào mặt cho. Biết thế này thì lúc trước cứ ngồi yên trong lớp. Ra đây giờ áp lực quá.

- Thầy mời Hải nào.

Tôi giật bắn người và thực sự bối rối khi thầy gọi tên tôi. Chẳng còn cách nào khác, tôi lí nhí “dạ” và rụt rè bước lên. Ngồi xuống ghế mà tay chân tôi run bần bật. Tôi cố kìm nhưng không được. Trống ngực đập thình thịch vào hùa cùng tay chân để vạch trần sự nhút nhát, căng thẳng của tôi. Vài đứa bên dưới bụm miệng cười. Tôi càng mất bình tĩnh tợn. May thay, thầy cất tiếng cứu nguy:

- Hải giống y chang thầy ngày xưa. Gầy gầy, cao cao, hiền hiền…

Mấy đứa bên dưới dần khép miệng. Tôi cũng chẳng biết nói gì, cứ im vậy thôi. Thầy vừa chải tóc cho tôi vừa nói:

- Tóc Hải khỏe này, đen này, chắc là chăm đội mũ hơn mấy bạn tóc hoe ha.

- Dạ…

- Em thích để mái chéo hay mái bằng?

- Dạ, sao cũng được, thầy ạ.

- Thầy thấy mặt em hợp với mái chéo, kiểu này nhiều diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc thích lắm, lịch sự, nam tính.

- Dạ…

- Chỗ nào tóc dày thì thầy tỉa bớt cho mát ha.

- Dạ…

Cứ thế, thầy vừa cắt vừa nói, tôi mải nghe và trả lời thầy nên hết run từ lúc nào không biết. Chẳng mấy chốc, tôi đã có mái tóc mới. Thằng Quách lên kế sau tôi. Nó bảo thầy:

- Thầy cắt cho em giống bạn Hải nha. Kiểu đó đẹp quá.

- Mặt em phải kiểu khác mới hợp - thầy trả lời thằng Quách.

- Đầu đinh kẻ vạch tia chớp, thầy ạ - thằng Sào láu cá nói chen. Cả bọn được phen cười phá.

Tối ấy, trong lòng tôi khấp khởi vui vì được cả nhà khen đẹp trai, ra dáng thanh niên mầm. Tôi ngắm mình trong gương và thừa nhận thầy không chỉ dạy hay mà cắt tóc cũng rất xuất sắc. Lớp tôi từng được thầy dạy thay một tiết vì cô môn toán ốm. Tôi nhớ như in bài dạy thay của thầy: “Phép chia phân số”. Thầy bắt đầu vào bài dạy thế này.

- Chúng ta đang sống trên đảo. Các em hãy tìm từ ghép có từ “đảo”.

- Đảo lộn, ạ. – Thằng Quốc trả lời.

- Đúng. Gì nữa? – Thầy khuyến khích cả lớp.

- Đả đảo, ạ. – Thằng Huỳnh trả lời.

- Đúng. Các em tìm tiếp nào?

– Thầy nói.

- Nghịch đảo, ạ. – Tôi trả lời.

- Trời, sao em giỏi vậy? Em có biết nghịch đảo là gì không?

- Dạ không? Em thấy từ này trong sách nên nói đại. – Tôi thật thà trình bày.

- Thế là nhanh mắt, nhanh trí rồi. Nào, bây giờ chúng ta sẽ học về nghịch đảo nhé. – Thầy nói và bắt đầu ghi tên bài lên bảng.

Đã mấy năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in bài dạy của thầy hôm ấy: hai số gọi là nghịch đảo của nhau nếu tích của chúng bằng một. Bản chất của vấn đề là: “Nghịch là ngược. Đảo là di chuyển. Nghịch đảo là chuyển ngược lại chính nó. Từ định nghĩa này, thầy dẫn dắt sang quy tắc phép chia phân số:

Muốn chia một phân số cho một phân số, ta nhân số bị chia với nghịch đảo của số chia. Ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu. Dạy xong lý thuyết, thầy cho chúng tôi làm bài tập. Nhoáng cái, bài tập trong sách giáo khoa được giải quyết hết veo. Thầy lại cho một nhóm ra đề, một nhóm giải đề. Rồi nghịch đảo, nhóm giải đề lại ra đề. Nhóm ra đề lại giải đề. Bọn tôi, đứa nào cũng hào hứng xung phong. Chúng tôi ước chi tiết toán nào cũng được học thầy.

Sau lần cắt tóc thứ nhất đầy ấn tượng ấy, tôi càng thích học toán hơn và nhen nhóm một giấc mơ. Sắp đến ngày chuyển cấp, tôi đem giấc mơ ấy tâm sự với thầy khi tình thầy trò đã trở nên thân thiết:

- Thầy ơi, sau này em cũng muốn làm hiệu trưởng giống thầy.

- Được chứ. Em còn làm tốt hơn thầy.

- Thật hả thầy?

- Thật, em giờ còn học giỏi hơn thầy ngày xưa.

- Nhưng em không biết cắt tóc như thầy.

- Trời, khi ấy người trên đảo giàu rồi, học trò ra tiệm cắt chứ cắt chi dưới gốc phượng nữa mà em lo. Với lại, có nhiều việc cần thiết hơn cắt tóc mà thầy chưa làm được. Đến lượt em thì em cố làm nhé.

- Dạ, việc gì thế thầy?

- Trường mình giờ còn thiếu giáo viên, thiếu phòng thư viện, phòng thí nghiệm, phòng máy tính, bể bơi, sân tập thể thao, văn nghệ… nhiều lắm.

- Dạ, rồi em sẽ xây dựng những công trình còn thiếu để học sinh trên đảo có cơ hội được học đầy đủ như đất liền.

- Tốt, có chí hướng, thầy hiệu trưởng tương lai ạ.

Thầy trò tôi vừa chia sẻ, vừa tin tưởng nhau hơn. Tôi là gã choai, chưa lớn hẳn nhưng đã quyết tâm là làm bằng được. Giống như kì thi vừa rồi. Dưới sự giảng dạy, dẫn dắt của thầy, tôi đã giành giải ba cuộc thi học sinh giỏi môn toán lớp chín, cấp tỉnh. Không phải giải cao nhất trong cuộc thi nhưng là giải đặc biệt đối với bản thân tôi. Tôi đã chiến thắng sự nhút nhát, dám bước khỏi vùng an toàn, dám ước mơ, dám hành động, dám tin tưởng.

Tôi biết ơn thầy – người truyền lửa, dẫn dắt, thấu hiểu, sẻ chia với tôi như một người cha, người anh, người bạn. Tôi kính phục thầy – người thầy dù giỏi giang nhưng vẫn không ngừng học hỏi. Thầy có một giá sách được chia làm nhiều ngăn: toán học nhà trường, phương pháp dạy học, nghệ thuật quản lý, bồi dưỡng học sinh giỏi, hạt giống tâm hồn... Khi rảnh, thầy đọc sách. Và may thay, nếu chúng tôi muốn thì thầy liền cho phép đọc.

Tôi thích cuốn “You can – không gì là không thể” của tác giả George Matthew Adams trong ngăn hạt giống tâm hồn. Và thầy đã tặng nó cho tôi khi tôi đang nỗ lực thi vào trường THPT chuyên trong đất liền. Tôi yêu mến thầy – người thầy dù bận rộn với bao công việc nhưng vẫn dành thời gian để lắng nghe tâm tư của những học trò tuổi ẩm ương, đổi tính. Gặp được thầy tốt là may mắn cho tôi và lũ học trò cùng trường. Chúng tôi rồi đây sẽ tiếp tục lớn lên, tiếp tục đi qua ngôi trường khác nhưng sẽ luôn nhớ về thầy – thầy hiệu trưởng tâm tầm tài của chúng tôi.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Hằng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-hieu-truong-post639626.html