Thay nếp nghĩ, đổi ấm no

Xác định chè là cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, người dân xóm Nhội, xã Thành Công (T.X Phổ Yên) đã mạnh dạn đưa các giống chè lai có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, xóm Nhội cũng đã ra khỏi diện xóm đặc biệt khó khăn.

Trung bình mỗi năm, bà con xóm Nhội, xã Thành Công (T.X Phổ Yên) trồng mới được từ 1-2ha chè lai.

Trung bình mỗi năm, bà con xóm Nhội, xã Thành Công (T.X Phổ Yên) trồng mới được từ 1-2ha chè lai.

Xóm Nhội nằm cách trung tâm xã Thành Công hơn 7km. Xóm hiện có 135 hộ dân với 668 nhân khẩu, trong đó 98% là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Kinh tế của người dân trong xóm chủ yếu là dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó, chè là cây trồng chủ lực với gần 100ha. Mặc dù vậy, từ khoảng năm 2015 trở về trước, người dân xóm Nhội vẫn sản xuất chè theo lối "mạnh ai nấy làm", chưa chú trọng tới việc chăm sóc, chế biến nên cây chè cho năng suất, chất lượng không cao, sản phẩm chỉ bán được với giá thấp.

Ông Lưu Văn Khanh, Trưởng xóm Nhội, chia sẻ: Nhằm thay đổi tư duy, cách làm cho bà con, được sự khuyến khích của xã, xóm thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động đồng bào chuyển đổi diện tích chè trung du đã thoái hóa, kém hiệu quả sang trồng các loại chè lai LDP1, TRI 777, F1... Đồng thời, phối hợp với xã mời cán bộ nông nghiệp về tập huấn cách trồng, chăm sóc và chế biến chè cho bà con. Nhờ đó, người dân đã dần xóa bỏ lối sản xuất lạc hậu, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa các giống chè có giá trị, chất lượng cao vào sản xuất. Đến nay, hầu hết diện tích chè trung du trên địa bàn xóm đã được bà con chuyển sang trồng các loại chè lai.

Theo chân ông Trưởng xóm, chúng tôi đến thăm nhà ông Lê Văn Tám. Ông Tám được biết đến là người đầu tiên chuyển đổi từ chè trung du sang trồng chè lai và cũng là hộ có diện tích chè cành lớn nhất xóm Nhội, với gần 1 mẫu.

Vừa thoăn thoắt hái chè, ông Tám kể: Cách đây 5 năm, ngay sau khi tham gia lớp tập huấn về trồng, chăm sóc và chế biến chè lai tại nhà văn hóa xóm, tôi đã cải tạo diện tích chè trung du của gia đình sang trồng chè lai F1. Hiện nay, mỗi lứa tôi thu được khoảng 15kg chè búp khô/sào, với giá bán trung bình từ 200-250 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần so với chè trung du giống cũ.

Ngay sát nương chè của ông Khanh là hơn 1 sào chè lai của gia đình chị Tăng Thị Long. Chị Long cho hay: Diện tích chè trung du của gia đình tôi có một thời gian bị bỏ bẵng do cây bị thoái hóa, năng suất ngày một giảm. Nhiều lần gia đình tôi có ý định thay thế diện tích này bằng cây keo. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang trồng chè lai F1, năng suất và giá bán sản phẩm chè đã cao hơn nhiều. Nhờ đó, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Hiện nhà tôi đang cải tạo thêm 3 sào ruộng trồng ngô kém hiệu quả để chuyển sang trồng chè lai.

Cũng theo đa số các hộ dân ở xóm Nhội, những giống chè lai thích nghi với thổ nhưỡng và điều kiện địa hình địa phương nên sinh trưởng, phát triển tốt hơn chè trung du. Thêm vào đó, chè giống mới có thời gian thu hái nhanh, mật độ ra búp dày hơn. Không chỉ cho năng suất, sản lượng vượt trội mà các giống chè lai còn được thị trường ưa chuộng với giá bán cao hơn.

Từ hiệu quả của việc chuyển đổi giống chè, nhiều hộ gia đình ở xóm Nhội đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất như: Máy sao chè, máy vò chè, máy hút chân không, máy đóng gói.... Bà còn cũng tích cực đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế từ cây chè đã nâng lên rõ rệt. Nếu giai đoạn 2016-2020, xóm Nhội thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận lên tới trên 60% thì đến cuối năm 2020, xóm đã ra khỏi danh sách xóm đặc biệt khó khăn. Thời điểm đầu năm 2022, cả xóm chỉ còn 23 hộ nghèo và 30 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân theo đầu người đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.

Ông Dương Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công, thông tin: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con trong xã nói chung và xóm Nhội nói riêng phát triển vùng sản xuất chè theo hướng hàng hóa, đưa các giống chè chất lượng cao vào trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, VietGAP nhằm nâng cao sản lượng cũng như chất lượng chè. Xã cũng sẽ tăng cường liên kết giữa người trồng chè với các tổ chức, hợp tác xã nhằm nâng cao chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/kinh-te/thay-nep-nghi-doi-am-no-298709-108.html