Thầy Nhật ở 'ao làng'

Đó là câu chuyện của thuyền trưởng Đội tuyển Thái Lan và U.22 Thái Lan, ông Nishino. Và đó còn là câu chuyện của cựu thuyền trưởng Đội tuyển Việt Nam Toshiya Miura. Hai người đàn ông Nhật - Hai HLV Nhật ở Đông Nam Á khiến giới mộ điệu bóng đá Đông Nam Á đã và sẽ nghĩ gì?

Thêm một lần chờ “phép mầu” từ thầy Park

Một ngày cuối năm 2019, Liên đoàn bóng đá Thái Lan đột ngột thông báo tân HLV trưởng Đội tuyển Thái sẽ là cựu HLV trưởng Đội tuyển Nhật Bản Nishino. Thông tin này vừa lạ vừa không lạ. Không lạ ở chỗ, kể từ sau khi ông thầy Châu Âu Rajevac ra đi, Liên đoàn bóng đá Thái đã quyết tâm tìm một thầy ngoại quốc thay thế.

Việc sử dụng thầy nội ở một vài giải đấu giao hữu chỉ mang tính tạm thời, và các cổ động viên bóng đá Thái hiểu rằng khi thầy ngoại được chọn lựa thì chắc chắn thầy nội sẽ phải nhường ghế. Nhưng lạ ở chỗ, lần này thay một thầy châu Âu lại không phải một thầy châu Âu, hoặc Nam Mỹ - điều mà bóng đá Thái vẫn làm trong quá khứ. Lần này, thay một thầy châu Âu lại là thầy Nhật, và việc người Thái "chọn Nhật" được cho là vì ảnh hưởng ít nhiều bởi câu chuyện Đội tuyển Việt Nam đang thành công với "thầy Hàn" Park Hang Seo.

Thực ra chẳng riêng gì Thái, quan sát những thành công của bóng đá Việt Nam dưới trướng Park Hang Seo, nhiều nền bóng đá Đông Nam Á nhận ra rằng: thầy Âu bây giờ không phải là số 1. Trái lại, thầy Nhật, thầy Hàn - tức là những ông thầy đến từ những nền bóng đá hàng đầu châu Á, có sự tương đồng nhất định về văn hóa với mình có thể mới là chìa khóa thành công.

Thậm chí trong giai đoạn cái tên Nishino còn chưa được đóng chốt, có tờ báo Thái còn lấn cấn với câu hỏi: "Có phải chúng ta đang âm thầm liên hệ với Park Hang Seo", khiến một lãnh đạo Liên đoàn phải đăng đàn: "Không phải vậy".

Công bằng mà nói, ông Nishino đến Thái trong bối cảnh nền bóng đá quốc gia này đang rơi vào một cơn khủng hoảng trầm trọng. Asian Cup 2019, Thái bị loại ngay ở vòng bảng, trong đó có trận thua 0-4 không thể chấp nhận nổi trước "chiếu dưới" Ấn Độ. Trước đó, Thái bị loại ở bán kết AFF Suzuki Cup 2018 trước "chiếu dưới" Malaysia.

Và trước nữa, ở VCK U.23 châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc), U.23 Thái cũng chơi rất tệ. Có nghĩa là 3 giải đấu mà các Đội tuyển Việt Nam thăng hoa là 3 giải đấu mà Thái đánh mất mình. Thế nên người hâm mộ Thái không chịu nổi, giới chuyên môn không chịu nổi, và Liên đoàn Bóng đá càng không chịu nổi.

Ông Nishino được mời đến, được trả một mức lương được cho là "khét lèn lẹt" để vực dậy cơn khủng hoảng trầm trọng đó. Người Thái tin rằng ông Nishino với kinh nghiệm từng dẫn dắt Đội tuyển Nhật Bản tham dự VCK World Cup rồi sẽ làm được những điều mà người tiền nhiệm của ông - Rajevac không làm được.

Vậy thì rốt cuộc, ông Nishino đã làm gì?

Ông thầy Nhật đã gặp sức ép kinh khủng ngay ở vạch xuất phát đầu tiên - trong trận đấu đầu tiên, khi đối thủ mà ông gặp lại chính là Việt Nam, trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Chuẩn bị cho cuộc ra mắt đầu tiên ấy, ông Nishino ra lệnh đóng cửa báo chí, để các học trò âm thầm tập luyện.

Thậm chí ông còn ra nội qui, không cho các cầu thủ sử dụng điện thoại di động một cách bừa bãi. Tức là ngay lập tức, ông dùng kỷ luật của người Nhật và phương pháp huấn luyện theo đúng kiểu "thiết quân luật" của bóng đá Nhật vào đội bóng mới của mình.

Huấn luyện viên Nishino Akira và đội tuyển Thái Lan. Ảnh: L.G.

Huấn luyện viên Nishino Akira và đội tuyển Thái Lan. Ảnh: L.G.

Về mặt chuyên môn, ông cũng đổi luôn thứ bóng dài, bóng bổng, nghiêng về phòng ngự của người tiền nhiệm Rajevac sang thứ bóng đá tấn công với những đường chuyền ngắn theo đúng tinh thần Nhật. Ông Nishino ưa kiểm soát trung tuyến đến mức trong trận đấu ra quân gặp Việt Nam, đã sử dụng đông đảo quân số ở khu trung tuyến, hòng bóp chẹt cái khu vực trung chuyển lối chơi của Việt Nam.

Sau trận hòa 0-0 với thế trận có phần nhỉnh hơn Việt Nam, đã có chuyên gia Thái vặn vẹo Nishino: Tại sao nhiều người ở trung tuyến và ít người ở tuyến đầu đến vậy? Tuy nhiên âm hưởng chung sau trận đấu này vẫn là Nishino có vẻ đã giúp Thái được trở về là Thái. Cầu thủ Thái có vẻ nhuyễn hơn và thoải mái hơn khi đá ngắn - nhỏ kiểu Nishino, thay vì đá dài, đá bổng kiểu Rajevac. Mọi thứ tiếp tục đứng về phía Nishino khi Thái sau đó thắng Indo 3-0.

Thế nhưng vấn đề lập tức xảy ra khi Nishino thay đổi nhân sự ở hàng phòng ngự và đội bóng của ông bất ngờ thua 1-2 trên sân Malaysia, dù đã ghi bàn trước. Kể từ trận thua này ông Nishino có gì? Ông có thêm một trận lượt về với Việt Nam trên sân Mỹ Đình, và tiếp tục hòa 0-0. Thế rồi ông có một vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 30 phải nói là thất vọng.

Trong 4 trận ở vòng bảng, Thái chỉ thắng được những đội "dưới cơ" như Brunei, Lào, Singapore. Còn trong 2 trận đấu với 2 đội "ngang cơ" là Indonesia và Việt Nam, Thái một thua, một hòa. Điều đáng nói là trong cả 2 trận đấu này, báo chí Thái đều thất vọng với những pha phối hợp, tổ chức lối chơi của các cầu thủ.

Họ cũng thất vọng với những sự điều chỉnh nhân sự và chiến thuật của Nishino. Hình ảnh lặp đi lặp lại trong 2 trận đấu này chính là hình ảnh Nishino đứng lặng lẽ trên đường piste, chấp nhận nhìn mọi thứ vụt trôi khỏi mắt mình.

Tuy nhiên thất bại ở SEA Games 30 dẫu đáng thất vọng cũng chưa phải làm thảm họa đối với Nishino. Bởi một mặt, ông có thể đưa ra hàng loạt những lý do để biện minh cho thất bại này: không có thời gian đủ dài làm việc với các cầu thủ (vì trước đó phải dồn sức cho ĐTQG), không bổ sung 3 cầu thủ trên 22 tuổi (trong khi cả Indonesia lẫn Việt Nam đều thực hiện điều này), và có vẻ không may mắn trong một số quyết định của trọng tài (chẳng hạn việc trọng tài cho Việt Nam đá lại quả phạt đền hỏng ăn).

Mặt khác, ông Nishino cũng hiểu rằng bóng đá Thái Lan đã quá no nê với những tấm huy chương vàng SEA Games. Mục tiêu tối thượng nhất của U.22 Thái trong giai đoạn này vì thế không phải là SEA Games, mà là vòng chung kết giải U.23 châu Á diễn ra vào tháng 1 năm 2020 trên sân nhà.

Có thể nói, đây mới chính là cuộc thử lửa quan trọng với Nishino. Thành công ở giải đấu mà người Thái đang rất hy vọng này, rất có thể ông sẽ có tất cả. Ngược lại, sẽ không bất ngờ nếu ông lại lặng lẽ ra đi.

Câu chuyện của thầy Nhật Nishino gợi người hâm mộ Việt Nam nhớ lại câu chuyện của thầy Nhật Miura. Năm 2014, trước thất bại của thầy nội Hoàng Văn Phúc, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lập tức "cầu cứu" Liên đoàn Bóng đá Nhật, và đã được giới thiệu thầy trẻ Miura. Xét về danh tiếng, ông Miura không thể nào sánh bằng ông Nishino. Xét về kinh nghiệm và thực tiễn cầm quân, ông càng không phải là đối trọng để được đặt "cùng chiếu" với Nishino.

Xét về mặt tư tưởng bóng đá, trong khi Nishino thích thứ bóng đá nhỏ - ngắn theo đúng phong cách Nhật thì một người học nghề HLV tại Đức như Miura lại ưa bóng dài, với tính thực dụng cao. Điểm giống nhau duy nhất giữa Nishino và Miura có lẽ là kỷ luật. Cả hai đều đưa ra những quy định sinh hoạt khá chặt chẽ cho các học trò, và cả hai đều có những giới hạn nhất định trong việc tiếp xúc, quan hệ với truyền thông.

Khách quan mà nói giai đoạn đầu của Miura diễn ra khá trơn tru, khi ông đưa Đội tuyển Quốc gia vào bán kết AFF Suzuki Cup năm 2014 và Đội tuyển U.23 vào bán kết SEA Games năm 2015. Nhưng lạ là ở cả hai trận bán kết ở hai giải đấu này, quân ông đều lần lượt thua sốc trước Malaysia và Myanmar - những đội bóng bị đánh giá là chiếu dưới.

Những trận đấu mà có lẽ bây giờ bình tĩnh ngồi vắt óc suy nghĩ lại ông cũng khó có thể hiểu nổi là vì sao các cầu thủ của mình lại thua. Sau đó, khi không thành công ở vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á và VCK U.23 châu Á thì ông đã bị chính một quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chỉ trích nặng nề.

Kết quả: ông đã phải ra đi trước thời hạn. Sau này, trả lời phỏng vấn báo chí Nhật Bản, ông Miura nhiều lần bày tỏ cái nhìn không thiện cảm về một nền bóng đá mà trong mắt ông là "rất thiếu chuyên nghiệp". Dẫu vậy thì năm 2018, ông cũng trở lại Việt Nam để làm HLV trưởng CLB TP Hồ Chí Minh, nhưng không để lại bất cứ dấu ấn nào.

Thất bại của Miura ở Việt Nam được cho là thất bại của một cuộc gặp gỡ giữa một HLV kỷ luật đến mức máy móc với một nền bóng đá giàu cảm tính. Chắc chắn là thuyền trưởng Đội tuyển Thái Lan Nishino biết về câu chuyện của Miura. Và chắc là sau một thời gian làm quen với bóng đá Đông Nam Á, ông Nishino cũng bắt đầu nhìn ra những đặc thù rất riêng của khu vực vốn vẫn bị nhận diện là "vùng trũng" này.

Giai đoạn trăng mặt của ông ở "vùng trũng" đã trôi qua một cách chấp nhận được. Chờ xem ở giai đoạn mang tính quyết định tiếp theo, thầy Nhật Nishino có nhiều "phép thiêng" hơn thầy Nhật Miura hay không?

Diệp Xưa

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/thay-nhat-o-ao-lang-574862/