Thầy Park có hơn 10 trợ lý, HLV Iran có xấp xỉ 20

HLV Carlos Queiroz có đội ngũ trợ lý và nhân viên hỗ trợ đông đảo, nhiều gấp đôi số trợ lý của HLV Park Hang-seo ở đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2019.

Cuộc đối đầu giữa đội tuyển Việt Nam và Iran ngày mai (12/1) được dự báo là sẽ rất chênh lệch về đẳng cấp. Việt Nam mới lọt vào Top 100 FIFA còn Iran đang xếp hạng 29 thế giới.

Iran là đội tuyển số một châu Á, từng cầm hòa Bồ Đào Nha tại World Cup còn Việt Nam vẫn còn là một đội bóng nhỏ bé ở sân chơi châu lục. Iran thắng Yemen 5-0 ngày mở màn còn Việt Nam thua ngược Iraq 2-3.

HLV Park Hang-seo (trái) sẽ phải đối đầu với một đội ngũ đẳng cấp, đứng đầu bởi HLV lừng danh Carlos Queiroz.

Không chỉ như vậy, sự hỗ trợ dành cho HLV Park Hang-seo cũng ít hơn hẳn những gì ông Queiroz đang có ở tuyển Iran. Điều đó được thể hiện ngay trong thành phần ban huấn luyện của hai đội.

Ghi nhận của Zing.vn cho thấy đội ngũ huấn luyện của HLV Carlos Queiroz có trên 20 người. Trung bình, mỗi cầu thủ Iran được hỗ trợ bởi một trợ lý. Ngược lại, danh sách ban huấn luyện tuyển Việt Nam được VFF công bố trước thềm Asian Cup 2019 chỉ có 9 người.

Cộng thêm một cán bộ truyền thông, một cán bộ hậu cần và trưởng đoàn Nguyễn Sỹ Hiển, đội ngũ của ông Park Hang-seo ở tuyển Việt Nam có tổng cộng 12 cái tên.

Ở từng vị trí, đẳng cấp và số lượng trợ lý của ông Queiroz cũng hơn hẳn đối thủ. Trợ lý số một Oceano da Cruz là cựu tuyển thủ Bồ Đào Nha, từng chơi hơn 50 trận trong màu áo đội bóng châu Âu. Ông cũng từng dẫn dắt đội U21 Bồ Đào Nha.

Trợ lý số hai Markar Aghajanyan là người Iran, đã có kinh nghiệm làm việc ở hai kỳ World Cup gần nhất. Ở chiều ngược lại, trợ lý số một của ông Park là HLV Lee Young-jin, chưa từng làm việc ở đội tuyển quốc gia nào trước Việt Nam.

HLV Queiroz có đội ngũ hỗ trợ đông đảo với nhiều chuyên gia đẳng cấp tới từ khắp thế giới.

Đội ngũ HLV thể lực của ông Queiroz có ba người (một Bắc Ireland, một Argentina, một Bồ Đào Nha). Trong đó, Mick McDermott là cựu tuyển thủ Bắc Ireland. Bên kia chiến tuyến, trợ lý Willander Fonseca là HLV thể lực duy nhất của tuyển Việt Nam.

Ở đội tuyển Việt Nam, hai bác sỹ Trần Anh Tuấn và Tuấn Nguyên Giáp phải đảm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ. Ở Iran, tổ bác sỹ, tổ vật lý trị liệu và tổ mát xa là ba đơn vị riêng.

Ở tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo thường cần tới giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede hay các HLV nội để trinh sát, tìm hiểu đối thủ. Tuyển Iran có một chuyên gia phân tích dữ liệu riêng là Miguel Saraiva, đứng đầu một ê-kíp, làm việc dưới sự hỗ trợ của nền tảng khoa học hiện đại với các chương trình thống kê bóng đá hàng đầu.

Thành phần ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam.

Mọi công việc liên quan tới truyền thông của tuyển Việt Nam được giao cho một cán bộ của VFF. Ở Iran, ông Filipe Santos là trưởng bộ phận này. Dưới quyền ông có các nhân viên chuyên môn khác nhau.

Buổi tập chiều 10/1 của tuyển Iran cũng được ghi hình bởi một nhân viên. Anh này dùng máy quay chất lượng cao, dựng chân máy, ghi hình từ trên cao theo đúng chuẩn truyền hình chuyên nghiệp.

HLV Park Hang-seo chỉ có trong đội ngũ hai người ngoại quốc là trợ lý Lee và HLV thể lực Fonseca. Bên kia chiến tuyến, ông Queiroz có một nhóm chuyên nghiệp với hơn 10 người Bồ Đào Nha và các quốc tịch khác. Đội ngũ ấy có những người đã nhiều năm gắn bó với Queiroz, theo ông đi qua mọi đội tuyển và CLB.

Phân tích thế để thấy, HLV Park Hang-seo và đội tuyển Việt Nam chắc chắn sẽ cố gắng hết mình. Nhưng có những bức tường mà họ không thể vượt qua chỉ bằng sự nỗ lực.

Cục diện bảng D sau lượt trận đầu. Đồ họa: Minh Phúc.

Thanh Hà (từ UAE)
Ảnh: Minh Chiến

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thay-park-co-hon-10-tro-ly-hlv-iran-co-xap-xi-20-post907990.html