'Thầy rắn' Lư Hào tận tình cứu chữa hàng nghìn người

Dành cả cuộc đời để chữa rắn độc cắn cứu người, ông Lư Hào được người dân gọi với cái tên thân thương là 'thầy rắn.'

Đến thôn Từ Tâm, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Bình Thuận, hỏi nhà ông Lư Hào chuyên trị rắn cắn thì ai cũng biết. Dành cả cuộc đời để chữa rắn độc cắn cứu người, ông được người dân gọi với cái tên thân thương là “thầy rắn” Lư Hào.

Chúng tôi gặp “thầy rắn” Lư Hào trong căn nhà cấp 4 xây dựng kiên cố, khắp nơi toàn là cây thuốc. Ông kể rằng năm ông lên 4 tuổi, một hôm cha ông vào rừng kiếm củi và khi về có mang theo vài con rắn. Cơm nước xong, cha ông gọi ông ra nơi thả rắn và bảo ông bắt lại rắn cho cha. Quá sợ hãi trước những con vật ngo ngoe, miệng khè khè, ông không dám bắt.

Được sự động viên của cha, ông nhắm mắt không dám nhìn và thò tay vào bắt rắn. Bị rắn cắn, ông chỉ còn biết khóc thét. Còn cha ông thì mỉm cười rồi bình thản điều trị cho con trai. Đó là bài học đầu tiên của nghề. Sau đó, thêm nhiều lần nữa với nhiều loại rắn khác nhau, cha ông đã thực sự truyền nghề cho ông.

Ông Hào cho biết phải cho rắn cắn để cảm nhận được từng loại độc rắn khi chảy trong mạch mình thì mới bắt mạch được chính xác và có cách điều trị. Chẳng hạn như rắn khâu (một loại rắn lục, trên mình có những khoanh vàng, đen xen kẽ) khi cắn vào sẽ làm máu đông lại, nếu chữa trị không kịp là tử vong ngay. Còn loại rắn lục nưa lửa cắn vào sẽ làm loãng máu, vỡ hồng huyết cầu, nếu điều trị phải kết hợp với phương pháp Tây y truyền huyết thanh...

Học được nghề chữa rắn cắn gia truyền, ông đã tận tâm cứu không biết bao nhiêu người bị rắn độc cắn thoát khỏi nguy hiểm trong gang tấc. Khi người bệnh tìm đến ông, ông chỉ cần bắt mạch là có thể nói chính xác tên và tả đúng hình dáng của loài rắn đó. Thông thường, mỗi khi bị rắn cắn, người ta hay nặn máu ra cho hết nọc độc và lấy giẻ buộc chặt vết thương lại rồi mới đi tìm thầy chữa trị. Ông Hào cho biết làm như vậy sẽ nguy hiểm và gây khó khăn cho người điều trị. Vì khi dùng tay nặn máu ra thì máu đã nhiễm nọc độc của rắn sẽ lan nhanh và càng ngấm sâu vào máu. Theo ông, cách sơ cứu đầu tiên là nên dùng dao lam, bẻ nhọn hai đầu chích vào vết răng của rắn, máu độc sẽ tự khắc tuôn ra. Bệnh nhân khi đến tìm ông, ông cũng chích cho máu ngấm nọc độc tuôn ra rồi mới cho uống thuốc và đắp thuốc, trước khi chích máu độc ra ông thoa lên vết thương một ít thuốc đặc trị gia truyền.

Ông kể lại chuyện đã giật từ tay tử thần một mạng sống, một kỳ tích trong quá trình hành nghề điều trị rắn cắn. Đó là vào năm 2003, có một bệnh nhân ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa tìm đến ông trong tình trạng nguy kịch. Anh ta bị con rắn hổ chúa tấn công. Mặc dù đã điều trị nhiều ngày nhưng tình trạng vẫn không giảm mà càng nặng hơn. Một nửa người bên trái đã bị liệt, miệng cứng lại không ăn uống được. Nghe người quen mách bảo, gia đình bệnh nhân đã đến tận nhà để mời ông đến chữa trị.

Sau khi biết chắc đối tượng tấn công anh ta là rắn hổ chúa, ông đảm bảo với gia đình anh ta sẽ sống nếu đưa về nhà để ông chữa trị. Lúc đưa về nhà ông, do miệng của bệnh nhân đã bị đơ cứng, không thể đổ thuốc vào được nên ông đã sử dụng bộ dây truyền dịch của các bác sỹ để truyền thuốc vào. Chỉ sau vài giờ kiên trì nhỏ thuốc, quai hàm của người bệnh đã dần bình thường trở lại và người nhà đã có thể đổ cháo cho anh ăn. Sau mười ngày điều trị thì bệnh nhân khỏi hẳn.

Nghe lời cha, hơn 50 năm qua, ông đã tận tình cứu chữa cho hàng nghìn người. Tiếng lành đồn xa, người dân từ khắp các địa phương như Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh... cũng tìm đến ông. Để góp phần mang đến sự sống cho những người không may bị rắn cắn, “thầy rắn” Lư Hào đã truyền nghề lại cho người con trai lớn bằng chính cái cách mà ngày xưa ông đã học từ cha mình./.

(TTXVN)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/thay-ran-lu-hao-tan-tinh-cuu-chua-hang-nghin-nguoi/245779.vnp