Thay thế bếp than tổ ong để bảo vệ môi trường

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, thành phố hiện còn khoảng 55 nghìn bếp than tổ ong. Những bếp than này góp phần gây ô nhiễm không khí, nhất là khi chúng tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Thành phố Hà Nội đang xây dựng lộ trình để thay thế than tổ ong bằng các loại bếp cải tiến, với giá thành phù hợp.

Đã có lúc tại Hà Nội việc sử dụng than tổ ong khá phổ biến và rộng khắp. Khoảng 10 năm trở lại đây, khi cuộc sống người dân được cải thiện, việc sử dụng than tổ ong đã giảm. Mặc dù vậy, số lượng tiêu thụ than vẫn rất lớn. Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), mỗi ngày thành phố tiêu thụ hơn 528 tấn than. Không khí Hà Nội vốn đã ô nhiễm bởi khí thải từ phương tiện giao thông, bụi bặm…, lại “bổ sung” thêm 1.870 tấn khí thải CO2 từ 55 nghìn bếp than tổ ong. Đáng chú ý, 63% số bếp than tổ ong này lại nằm ở nội thành, nơi không gian chật hẹp. Nhiều nhất là tại các quận Ba Đình, Đống Đa. Những người sử dụng bếp than chủ yếu gồm các hộ kinh doanh ăn uống và những gia đình có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp. Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Bảo, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, bếp than tổ ong sinh ra nhiều loại khí độc khác nhau, trong đó tác hại lớn nhất là sinh ra khí CO (ô-xít các-bon). Khí này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ ngăn cản quá trình trao đổi ô-xy trong máu. Hầu hết người dân đều nhận thức được bếp than tổ ong gây tác hại cho sức khỏe, nhưng lại tiết kiệm được một phần ba chi phí so với sử dụng điện hay ga cho nên nhiều người vẫn sử dụng.

Việc loại bỏ bếp than tổ ong là cần thiết, nhất là tại khu vực nội thành. Thành phố đã xây dựng lộ trình và phương pháp phù hợp để từng bước thay thế. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã chọn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm làm thí điểm mô hình chuyển đổi sang sử dụng “công nghệ bếp xanh”. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND quận Ba Đình và Tổ chức Phát triển Hà Lan triển khai mô hình thí điểm “Sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong” trên địa bàn phường Trúc Bạch. Khảo sát của UBND phường Trúc Bạch cho thấy, trên địa bàn phường hiện có 150 gia đình còn sử dụng bếp than tổ ong. Những hộ dân trên địa bàn đã được phổ biến kiến thức về tác hại của bếp than tổ ong, giới thiệu mô hình bếp cải tiến để thay thế bếp than tổ ong. Bếp cải tiến được làm bằng i-nốc cho nên sạch sẽ hơn, nhiên liệu được bán kèm là vật liệu cháy được ép. Các hộ dân trên địa bàn phường được dùng thử các loại bếp cải tiến miễn phí trong vòng một tháng và mỗi hộ dân được phát miễn phí 5 kg nhiên liệu. Cùng với đó, các hộ dân trên địa bàn phường được ưu đãi từ 30 đến 50% kinh phí khi mua bếp cải tiến. Cùng với việc vận động nhân dân, Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định, Sở đang tập trung rà soát, thống kê các xưởng sản xuất bếp than tổ ong; đồng thời lên kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Theo lộ trình đến hết năm 2020, sẽ giảm và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở này.

Sau một thời gian thí điểm, bếp cải tiến thể hiện rõ ưu điểm về giá thành so sử dụng ga hoặc điện. Khi đun nấu, vật liệu này thải ra môi trường ít khí độc hại hơn bếp than tổ ong. Ngành tài nguyên và môi trường Hà Nội đặt ra, năm 2018 sẽ xóa bỏ 70% lượng bếp than tổ ong, năm 2019 sẽ thay thế hoàn toàn. Trưởng Phòng Quản lý dự án và truyền thông (Chi cục Bảo vệ môi trường) Lê Thanh Thủy cho biết: “Cùng với việc khuyến khích người dân có những trải nghiệm thực tế với các bếp cải tiến, tự nguyện chuyển đổi thói quen sử dụng để dần thay thế bếp than tổ ong thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan đoàn thể, các đơn vị, tổ chức; nhất là người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố”. Song, bếp cải tiến vẫn có không ít nhược điểm. Tổ trưởng Tổ dân phố 11, phường Trúc Bạch Trần Nhật Lân cho biết: “Một ki-lô-gam nguyên liệu của bếp cải tiến cháy được hai giờ đồng hồ, mới bằng một nửa so với bếp than tổ ong. Bên cạnh đó, giá một cân nguyên liệu vẫn đắt hơn so với một viên than tổ ong. Vì vậy, người dân vẫn chưa yên tâm khi chuyển đổi”.

Để có thể thay thế bếp than tổ ong một cách bền vững, cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân, thì tiếp tục cần có những cải tiến về kỹ thuật, để các loại bếp cải tiến thật sự đem lại hiệu quả kinh tế.

PHƯƠNG LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/36139702-thay-the-bep-than-to-ong-de-bao-ve-moi-truong.html