Thầy thuốc Biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch

Hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng có những diễn biến phức tạp, tại cửa ngõ của đất nước, những người lính Biên phòng vẫn đang ngày đêm căng mình 'chống dịch như chống giặc'. Ở đó, những thầy thuốc mang quân hàm xanh vẫn luôn đồng hành cùng nhân dân, đồng bào các dân tộc nơi biên giới. Những trạm xá quân dân y đã trở thành 'địa chỉ đỏ' để người dân tin tưởng đến khám, chữa bệnh khi ốm đau, bệnh tật.

Thiếu tá, Y sĩ Phạm Trung Kiên khám bệnh cho nhân dân. Ảnh: Quang Long

Hết lòng vì nhân dân biên giới

Trong những ngày này, khi trời còn rất sớm, tại Trạm xá quân dân y Lũng Phjắc, đứng chân ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Thiếu tá, y sĩ Phạm Trung Kiên đã tất bật thăm khám cho bà con nhân dân trên địa bàn Đồn Biên phòng Đàm Thủy. Vừa thăm khám cho bà con, Thiếu tá Phạm Trung Kiên vừa chia sẻ với chúng tôi: “Tại Cao Bằng, hiện giờ vẫn chưa có người nào bị nghi nhiễm dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đây là địa bàn biên giới, thời gian này có nhiều công dân từ Trung Quốc trở về Việt Nam qua đường mòn, lối mở, nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch cho cộng đồng xã hội rất cao. Do vậy, sức khỏe của nhân dân ở đây luôn là sự quan tâm hàng đầu của đội ngũ y, bác sĩ đứng chân trên địa bàn”.

Trong giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi, nhấp chén trà nóng trên tay, Thiếu tá Phạm Trung Kiên cho biết, quê anh ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, anh đã gắn bó với mảnh đất Cao Bằng này 20 năm. Sau khi tốt nghiệp hệ 4 của Học viện Quân y tại Sơn Tây, Hà Nội, năm 1999, anh về công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng và được điều động về phụ trách công tác quân y tại Đồn Biên phòng Ngọc Khê (nay là Đồn Biên phòng Ngọc Côn). Đến năm 2009, anh được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Đàm Thủy và công tác ở Trạm xá quân dân y Lũng Phjắc từ đó đến nay.

Đại úy Nguyễn Duy Đông, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đàm Thủy, người đưa chúng tôi đến Trạm xá quân dân y Lũng Phjắc cho hay, mấy năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự chung tay của các cấp chính quyền, con đường đến với xóm Lũng Phjắc đi lại thuận lợi hơn, bà con nơi đây cũng dễ dàng hơn trong việc khám, chữa bệnh. Ngoài nhân dân trên địa bàn, nhân dân ở các xóm khác cũng không quản ngại đường xa đến đây thăm khám. “Công tác ở đây đã nhiều năm, đồng chí Kiên luôn nhiệt tình, tâm huyết với nghề, cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc, góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi biên cương. Ngoài ra, anh còn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách phòng, chống dịch bệnh” - Đại úy Nguyễn Duy Đông cho biết thêm.

Quyết tâm vượt gian khó để hoàn thành nhiệm vụ

Được biết, từ những ngày đầu khi dịch Covid-19 bùng phát, theo chỉ đạo của cấp trên, Thiếu tá Phạm Trung Kiên đã cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy tích cực đi tuyên truyền cho bà con trên địa bàn xã Đàm Thủy hiểu rõ về dịch bệnh. Ngoài ra, anh cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị đi cấp phát khẩu trang, nước sát khuẩn và hướng dẫn bà con phương pháp vệ sinh để phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất.

Mải mê với những câu chuyện của Thiếu tá Kiên cũng đã gần trưa, anh nói: “Mời nhà báo lên tổ công tác chốt chặn ở lán dã chiến cùng với mọi người. Anh em đang trực chiến ở trên đó đấy !”. Lời mời của Thiếu tá Kiên làm tôi hơi bất ngờ. Hóa ra, ngoài việc thăm, khám cho bà con ở đây, anh còn tham gia cùng tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực đường mòn, lối mở trên địa bàn. “Khi nào có người đến thăm khám, tôi và anh em cũng cơ động quay về để kiểm tra sức khỏe cho bà con. Con đường đến tổ công tác tuy không xa, nhưng hơi khó đi vì phải di chuyển qua một đoạn đường dốc cao với nhiều sỏi đá lởm chởm…”.

Thiếu tá, Y sĩ Phạm Trung Kiên (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội làm nhiệm vụ tại tổ công tác ở địa bàn thôn Háng Thoang, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Quang Long

Chúng tôi lại tiếp tục theo chân Thiếu tá Kiên lên Tổ công tác tại địa bàn thôn Háng Thoang, xã Đàm Thủy. Con đường tuy không xa, nhưng cheo leo, đầy đất đá gập ghềnh nằm sâu hút trên đường vành đai biên giới. Chiếc lán dã chiến nằm vắt vẻo trên khoảng trống giữa ngọn đồi, hướng tầm nhìn ra xa có thể bao quát tất cả con đường mòn phía dưới. Tại đây, Tổ công tác tuần tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng Đàm Thủy có 5 đồng chí, trong đó có một đồng chí dân quân tự vệ của xã. Thiếu tá Phạm Trung Kiên nói: “Địa điểm này của Tổ công tác không hề có điện, anh em phải dùng bình ắc quy để thắp sáng. Hơn nữa, sóng điện thoại cũng chập chờn lắm. Thế nhưng anh em đều chung quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Khó đến đâu chúng tôi khắc phục đến đó, điều quan trọng nhất là phải hoàn thành được nhiệm vụ cấp trên giao…”.

Qua những lời trải lòng của Thiếu tá Kiên, chúng tôi còn biết rằng, bữa cơm của các anh nhiều hôm chỉ là gói mỳ tôm nấu chung với ít rau rừng. Thời tiết lại vô cùng khắc nghiệt, về đêm, nhiệt độ xuống chỉ còn 4 đến 5 độ, trời khô ráo thì còn đỡ, nếu mưa trút xuống, nhiều chỗ trong lán trại, nước tràn vào và bị dột khiến cho quân tư trang ướt hết. “Cách đây mấy hôm, trên địa bàn xã Đàm Thủy có xảy ra một số trận rung chấn, tại địa điểm của Tổ công tác cũng bị ảnh hưởng. Đã có một số chỗ, đá trên núi lở xuống chắn ngang một vài đoạn đường, nhưng may sao, lán trại của chúng tôi cũng cách xa và đảm bảo độ an toàn nên không xảy ra vấn đề gì. Khi biết tin trên địa bàn có rung chấn, vợ tôi lo lắng gọi điện mà không liên lạc được vì khu vực này sóng điện thoại chập chờn. Nhưng ngay sau đó, tôi đã liên lạc lại với gia đình và động viên để vợ con ở nhà yên tâm…” - Thiếu tá Phạm Trung Kiên chia sẻ thêm.

Đã hơn 20 ngày, kể từ khi triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Thiếu tá Phạm Trung Kiên và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy luôn túc trực 24/24 giờ tại địa bàn. Chỉ khi nào có thời gian rảnh, anh mới tranh thủ gọi điện về thăm hỏi và động viên mọi người, anh cũng không quên nhắc nhở mọi người chú ý đảm bảo sức khỏe và làm tốt các phương pháp để phòng, chống dịch bệnh.

Miên man với những câu chuyện rất đỗi đời thường của anh khi trời đã về chiều, từng cơn gió rít lên giữa bốn bề rừng sâu núi đá, chúng tôi chia tay Thiếu tá Phạm Trung Kiên và anh em trong tổ công tác để quay trở về. Với nhiều người, thời khắc này là bữa cơm xum vầy bên gia đình, thế nhưng với những người lính mang quân hàm xanh, màn đêm buông xuống là lúc các anh bắt đầu một phiên gác mới… Và những người lính ấy luôn khắc ghi câu nói này trong tim: “Biên giới vững chắc thì hậu phương sẽ an toàn”.

Quang Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thay-thuoc-bien-phong-noi-tuyen-dau-chong-dich/