Thầy trò ĐH Kinh tế quốc dân 'ngộp thở' vì thời khóa biểu mới

Lịch dạy và học mới có những ngày lên đến 8-11 tiết/ngày khiến nhiều sinh viên, giảng viên ĐH mệt mỏi, quá tải, thậm chí bức xúc.

Ngày 13/9/2019, ĐH Kinh tế quốc dân ban hành quyết định số 1871/QĐ-ĐHKTQD về việc điều chỉnh thời gian biểu giảng dạy, học tập bậc đại học hệ chính quy. Quyết định này nêu rõ, căn cứ vào kết luận của Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo năm học 2018-2019 và triển khai kế hoạch học tập năm học 2019-2020 ngày 12/9/2019. Xét đề nghị của Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường quyết định điều chỉnh thời gian lên lớp hàng ngày bậc đại học chính quy. Theo đó, buổi sáng, thời gian học bắt đầu từ 7h-11h35. Mỗi tiết học kéo dài 60 phút, thời gian nghỉ giải lao giữa các tiết học là 10-15 phút. Buổi chiều, thời gian học bắt đầu từ 13h-17h35. Buổi tối từ 18h15-21h.

Sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân quá tải vì trường đột ngột thay đổi thời khóa biểu.

Sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân quá tải vì trường đột ngột thay đổi thời khóa biểu.

Ngay sau khi thời khóa biểu mới được áp dụng, không chỉ sinh viên mà cả giảng viên ĐH Kinh tế quốc dân đều phản ứng vì quá căng thẳng, mệt mỏi.

Nhiều sinh viên cho biết, việc xây dựng thời khóa biểu mới không được lấy ý kiến sinh viên, việc đột ngột thay đổi thời gian học ảnh hưởng không ít đến cuộc sống, công việc, học tập của sinh viên.

Phạm Quốc Đạt, sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ, với thời khóa biểu và lịch học như hiện nay, sinh viên phải dành quá nhiều thời gian cho việc học trên trường. Nếu như những năm học trước, Đạt thường đăng ký từ 23-25 tín chỉ, mỗi tín chỉ học 1 tuần, 1 tiết trong 50 phút, mỗi tuần chỉ phải học 25 tiết và mất khoảng 15 tuần học để hoàn thành 15 tín chỉ. Thì nay, các môn 2 tín chỉ được thay đổi thời lượng thành 2 tiết/tuần, các môn 3 tín chỉ tăng số tiết thàng 4 tiết/tuần, mỗi tiết học có thời lượng 60 phút.

Như vậy, số thời gian để hoàn thành tín chỉ sẽ được rút ngắn hơn so với trước kia, nhưng lại khiến sinh viên học dồn dập, căng thẳng, quá tải.

"Nhiều ngày em phải học cả 8 tiết từ 7h sáng đến 17h30 chiều. Lúc nào cũng trong tình trạng bơ phờ, mệt mỏi, học đến tiết thứ 4, thì có quá nửa lớp ngủ gật, những ngày học cả ngày, hầu như đến giữa buổi chiều chúng em đã không thể tiếp thu được bài nữa, không phải vì thầy cô giảng chán mà vì quá mệt.

Lịch học hiện tại cũng khiến chúng em không còn thời gian đi làm thêm và học ngoại ngữ. Trong khi đó, hiện nay không chỉ các thầy cô mà các nhà tuyển dụng đều cho rằng sinh viên ra trường phải có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc. Với những sinh viên năm 3, khi chỉ còn 1 năm nữa ra trường, em nghĩ kinh nghiệm thực tế từ làm thêm thực sự rất quan trọng. Nhưng với cách sắp xếp thời khóa biểu hiện nay của trường sinh viên chỉ đi học trên lớp đã không còn sức để thở.

Không chỉ có vậy, do lịch học thay đổi, dẫn đến tình trạng thang máy, nhà để xe đều ùn tắc. Có những ngày để đi ra khỏi nhà xe mất đến gần 45 phút, còn vào được thang máy cũng phải 20-30 phút”, Đạt cho biết.

Thời khóa biểu thay đổi khiến tình trạng ùn tắc khu vực nhà để xe và thang máy trong trường càng trầm trọng hơn.

Nam sinh cho biết, dù học theo tín chỉ, sinh viên có thể tự điều chỉnh số lượng môn học, nhưng nếu mỗi kỳ không học từ 23-25 tín chỉ thì rất khó ra trường đúng thời hạn. Do vậy, dù lịch học mới khiến sinh viên vất vả hơn, nhưng nhiều em vẫn phải cố học cho đủ số lượng tín chỉ. "Những kỳ học trước đăng ký 25 tín chỉ em cũng cảm thấy bình thường, nhưng đến năm nay thì không thể học nổi”, Đạt mệt mỏi chia sẻ.

Sau hơn 1 tuần học chương trình mới, Lê Cảnh, sinh viên năm 3 chương trình tiên tiến cho biết, có những ngày học từ 7h sáng đến 17h30 chiều mới được bước ra khỏi giảng đường. “Thời gian học dày đặc, em phải đi học sớm hơn để gửi xe và đợi thang máy. Toàn trường từ khi áp dụng thời khóa biểu mới luôn trong tình trạng đi đâu cũng thấy người, khắp nơi chật kín. Em cảm thấy thời khóa biểu mới khá bất tiện, sinh viên không có thời gian làm thêm, học thêm ngoại ngữ hay tham gia các hoạt động ngoại khóa khác. Vì đi học cả ngày đã rất mệt, nên việc tự học cũng hạn chế hơn rất nhiều. Em nghĩ rằng nhà trường có lý do để thay đổi thời khóa biểu, nhưng trước khi thay đổi nên lấy ý kiến của sinh viên, giảng viên và thông báo sớm để sinh viên có sự chuẩn bị và sắp xếp”.

Giống như nhiều sinh viên khác, Nguyễn Thị Như đang không biết xoay sở thời gian ra sao để có thời gian tự học và đi làm thêm. Như cho biết, lịch học của em nhiều ngày bắt đầu từ 7h sáng đến 16h chiều, sau đó lại tiếp tục học buổi tối đến 21h tối.

“Đi học về mệt nhoài, em không muốn động đến sách vở nữa. Lịch học kín mít, trong khi bài tập các môn đều rất nhiều, trong khi bài tập môn này chưa kết thúc, thì bài tập môn kia đã đến. Em cảm thấy bị quá tải với lịch học tiện tại. Buổi trưa ở lại trường, nhưng các giảng đường không mở cửa, nên phải ngồi vật vạ hết chỗ này đến chỗ khác đợi đến giờ học buổi chiều. Những ngày nắng không sao, nhưng ngày mưa, thậm chí còn không có chỗ trú”, Như cho biết.

Đang học năm thứ 3 đại học, Như cho biết, bên cạnh việc học, em chú trọng đến việc làm thêm, không chỉ để kiếm thêm thu nhập trang trải mức học phí đắt đỏ bậc nhất của ĐH Kinh tế quốc dân, mà còn để có thêm kinh nghiệm, kỹ năng, chuẩn bị tốt hơn cho công việc sau này. Tuy nhiên, với thời khóa biểu mới, Như phải bỏ những công việc làm thêm trước đó để nhận việc quản lý fanpage cho các shop hàng vào buổi tối.

Một giảng viên của trường cũng chia sẻ: “Sinh viên ngồi nghe 4 tiếng đồng hồ liên tục cũng chán và mệt, đừng nói đến giảng viên nói liên tục trong 4 tiếng đồng hồ, có ngày là 8 tiếng. Đến khi về phòng chờ giáo viên còn không dám nói chuyện với đồng nghiệp để lấy giọng còn giảng tiếp. Mỗi ngày đi dạy về nhà cũng đều mệt nhoài. Bản thân tôi thấy thời khóa biểu như hiện nay quá vất vả cho cả sinh viên và giảng viên. Dù thời gian được rút ngắn, nhưng chưa chắc kết quả học của các em đã thực sự hiệu quả”.

GS.TS Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, cách xây dựng thời khóa biểu hiện tại của trường chưa phù hợp: “Ở bậc đại học, mỗi tiết học chỉ nên kéo dài 45 phút, mỗi giảng viên chỉ nên dạy 3 tiết 1 buổi, bất đắc dĩ lắm thì mới dạy lên 4 tiết. Thế nhưng lịch học hiện nay của trường, có thầy cô phải dạy 8 tiết/ buổi, mỗi tiết học kéo dài 60 phút. Lịch học như vậy thì cả thầy và trò đều “khó đỡ”. Thầy không còn sức để giảng, mà trò cũng không còn hứng thú để nghe. Đặc biệt những thầy cô dạy các môn đại cương chung như Kinh tế học, Kinh tế vĩ mô sẽ rất vất vả. Sinh viên 1 ngày học đến 8 tiết thì không thể tiếp thu nổi”.

GS Phong cũng cho rằng, bậc đại học khác với những bậc học khác, giảng viên ngoài nhiệm vụ giảng dạy, còn làm công tác nghiên cứu. Với thời gian dạy kín tuần, các thầy cô không còn thời gian cho nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, tự học, vui chơi. Cứ 1 tiết học trên giảng đường, nên có 2 tiết tự học, để đảm bảo cho sinh viên tự nghiên cứu và tìm tòi kiến thức.

“Bản thân tôi cũng đã có ý kiến góp ý và hy vọng nhà trường sớm thay đổi, điều chỉnh thời khóa biểu để thuận tiện cho cả sinh viên và giảng viên”./.

N.T/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thay-tro-dh-kinh-te-quoc-dan-ngop-tho-vi-thoi-khoa-bieu-moi-957651.vov