Thầy trò vùng lũ vượt khó bước vào năm học mới

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, nhân dân các xã biên giới Tà Cạ, Mường Ải, Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An phải gánh chịu hai trận lũ quét liên tục. Lũ cuốn trôi nhà cửa, tài sản, làm hỏng đường và nhiều điểm trường học. Bước vào năm học mới, giáo viên và học trò các xã vùng biên đang nỗ lực vượt khó để dạy và học.

Thầy, cô giáo Trường Tiểu học Mường Típ, BĐBP Nghệ An băng rừng, lội suối trở lại trường. Ảnh: T.H

Sau hai trận lũ liên tục, con đường duy nhất nối trung tâm huyện Kỳ Sơn với các xã Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải đã bị cuốn trôi hoàn toàn. Hành trình vào các xã biên giới của những giáo viên vùng cao vốn nhiều khó khăn thì nay càng trở nên gian khổ, nguy hiểm hơn. Đi bộ cắt rừng, trèo đèo, lội suối là phương án duy nhất mà thầy, cô giáo nơi đây phải vượt qua để đến trường.

Để kịp chuẩn bị cho ngày khai giảng, toàn bộ thầy, cô giáo Trường Tiểu học Mường Ải đã không nghỉ lễ mà phải quay trở lại trường đúng ngày Quốc khánh 2-9. “Trước đây, nói là đường xấu, nhưng mọi người cũng chỉ mất khoảng 2 tiếng đồng hồ đi bằng xe máy là đến trường. Nhưng giờ đây, khi con đường đã bị lũ cuốn trôi, chúng tôi phải đi bộ gần 2 ngày trời mới đến nơi. Không chỉ đi bộ, mọi người phải mang vác đủ thứ đồ dùng sinh hoạt để lo cho cuộc sống sau bục giảng” - Thầy Lê Quỳnh Lưu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Ải cho biết.

Sau đợt mưa lũ cuối tháng 8 vừa qua, Trường Tiểu học Mường Ải phải gánh chịu hậu quả nặng nề, toàn bộ khuôn viên nhà trường ngập ngụa trong bùn đất. Nhà công vụ của giáo viên trong trường cái bị sạt lở, cái thì bị cuốn trôi hoàn toàn. Khi lũ rút, mặc dù đang trong thời gian nghỉ hè, nhưng nhà trường đã phải triệu tập toàn bộ giáo viên và kêu gọi sự giúp đỡ của phụ huynh, các đơn vị quân đội để khắc phục hậu quả. Họ phải căng màn, ngủ tạm trong các phòng học để bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh trường lớp. Không máy móc hỗ trợ, toàn bộ thầy, cô giáo và lực lượng tới hỗ trợ phải lao động liên tục gần 10 ngày mới hốt được toàn bộ bùn đất ra ngoài, trả lại chỗ cho các lớp học. Khi trường lớp ổn thỏa, các giáo viên mới nghĩ đến việc ổn định cuộc sống sau bục giảng của chính mình và gia đình. Toàn bộ 37 giáo viên của nhà trường đều là người từ dưới xuôi lên đây dạy học. Sự vất vả, thiếu thốn là vậy, nhưng ở lâu rồi cũng dần thành quen. Khu ký túc bị lũ cuốn trôi, những giáo viên bị mất phòng được bố trí ở ghép cùng với những đồng nghiệp khác ở một khu ký túc xá gần đó, còn 7 người khác đành ở tạm tại các điểm trường lẻ và số còn lại buộc phải thuê nhà dân để ở. Thế nhưng, điều mà các thầy, cô giáo ở đây lo lắng nhất là khi nghĩ về các em học trò của mình. “Trong trận lũ vừa qua, nhiều gia đình học trò của chúng tôi bị thiệt hại nặng nề về tài sản, nhà cửa. Đường sá tới một số điểm trường ở bản lại bị sạt lở, nên hành trình các em trở lại trường đầu năm học mới sẽ gặp phải không ít khó khăn” – Thầy Lê Quỳnh Lưu cho biết thêm.

Thầy, cô giáo Trường Tiểu học Mường Típ băng rừng, lội suối trở lại trường. Ảnh: T.H

Cũng nằm dọc bờ sông Nậm Típ, trong trận lũ vừa qua, điểm trường bản Na Mỳ, Trường Tiểu học Mường Típ bị nước lũ cuốn trôi các phòng học và toàn bộ công trình vệ sinh. Bước vào năm học mới, không còn cách nào khác, nhà trường phải tổ chức đưa các em học sinh ở đây ra điểm trường chính để học tập. Cô Lê Thị Hằng, quê ở Hưng Nguyên với kinh nghiệm 12 năm gắn bó với công việc dạy học ở Trường Tiểu học Mường Típ 1, bày tỏ: “Tôi đã gắn bó với công việc dạy học ở vùng đất biên giới này một thời gian dài. Nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của mưa lũ. Tôi nghĩ rằng mọi khó khăn rồi sẽ được khắc phục, công tác dạy và học nơi đây sẽ sớm trở lại bình thường”.

Biết rằng công tác giảng dạy và cuộc sống sau bục giảng của giáo viên nhà trường sẽ còn gặp muôn vàn khó khăn; nhưng hình ảnh những em học sinh cắt rừng, lội suối trở lại trường học sau những ngày nghỉ hè kéo dài đã phần nào tiếp thêm niềm tin cho những người làm nhiệm vụ gieo chữ nơi biên giới. Nói về những khó khăn đầu năm học mới, ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: "Không chỉ có Mường Típ, Mường Ải, Tà Cạ mà sau hai trận lũ liên tiếp, nhiều trường học tại huyện Kỳ Sơn cũng bị hư hại nghiêm trọng. Thiệt hại mà mưa lũ gây ra cho riêng ngành Giáo dục của huyện phải gánh chịu ước tính lên khoảng 10 tỉ đồng. Chúng tôi luôn động viên cán bộ, giáo viên ở các trường học đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo công tác dạy và học được đảm bảo tốt nhất”.

Tại Thanh Hóa, cận kề ngày khai giảng, nhiều trường học bị chìm trong mưa lũ khiến cho việc chuẩn bị năm học mới gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Thanh Hóa, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 13 điểm trường trong toàn tỉnh bị ngập lụt, 6 điểm trường bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, 2 nhà bán trú cho học sinh bị vùi lấp. Cùng với việc nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, ngành GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đang tích cực thống kê cơ sở vật chất bị hư hỏng để kịp thời sửa chữa, bổ sung. Đồng thời, kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ những trường học bị thiệt hại bởi mưa lũ.

Tại Sơn La, nhiều trường học đã phải chạy đua với thời gian, khắc phục hậu quả mưa lũ để kịp khai giảng năm học mới. Trong đó, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Ớt (xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) phải hứng chịu 2 cơn lũ (ngày 28 và 30-8) đang phải huy động tối đa nhân lực để dọn dẹp lượng bùn đất khổng lồ do mưa lũ để lại. Nhằm giúp thầy, trò bớt khó khăn, Bộ GD-TĐ đã tặng cho các trường ở huyện Mai Sơn, Sơn La chịu ảnh hưởng và thiệt hại từ những trận lũ vừa qua sách giáo khoa và tiền mặt trị giá 300 triệu đồng. Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng tặng cho huyện Mai Sơn phần quà trị giá 120 triệu đồng.

Tại Điện Biên, sau cơn lũ bất ngờ ngày 28-8, hơn 700 học sinh của các trường học trên địa bàn xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ đã phải nghỉ học ở nhà do các phòng học bị bùn đất tràn vào. Mưa lũ cũng cuốn trôi toàn bộ khu vui chơi, ngập toàn bộ khu ăn ở nội trú của học sinh. Nước lũ cũng cuốn trôi gần 300m bờ kè phía sau trường, gây sạt lở nhiều đoạn đường ở xã nên việc đi lại của giáo viên, học sinh rất khó khăn. Trong suốt gần 10 ngày qua, các thầy cô giáo cùng bộ đội, công an, cán bộ địa phương và người dân đã khẩn trương khắc phục lũ lụt để kịp tổ chức khai giảng năm học mới vào ngày 5-9.

Viết Lam - Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thay-tro-vung-lu-vuot-kho-buoc-vao-nam-hoc-moi/