Thầy – trò

Đập vào mắt tôi là tấm ảnh cũ, chụp từ 2 năm trước, ngay trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh. Đó là một ngày thứ Bảy, và như lệ thường, tôi dắt hai con đi chơi nhà sách. Sáng ấy, tôi đã ngạc nhiên bật cười khi nhìn thấy trang phục của cậu con trai út 6 tuổi (ở thời điểm đó).

Vốn dĩ tôi vẫn để con được tự do lựa chọn mặc bộ đồ mà chúng ưa thích. Vậy mà tôi vẫn không thể nhịn cười được với kiểu ăn mặc "trên đông dưới hạ" của nó. Cu cậu chọn chiếc quần short jeans, chiếc áo lạnh kiểu áo phao, cổ đeo bowtie màu đỏ, chân đi đôi vớ (tất) superman ưa thích và tai thì chụp headphone nối với cái điện thoại cùi bắp bỏ trong ba lô sau lưng.

Đúng là "thời trang phang thời tiết" khi giữa những ngày đầu hạ của miền Nam, thằng "doraemon" nhà tôi lại chơi một thứ "mode" không thể lẫn vào đâu được. Nhưng như tôi nhớ, hôm đó, tôi đã mặc kệ. Con muốn mặc thế nào cũng được, miễn là con thích. Sau này lớn, tự con sẽ học và hiểu hơn những quy tắc ăn mặc "chuẩn chỉnh".

Nhìn tấm ảnh của cu con, tự dưng tôi nhớ chuyện xảy ra vài hôm trước. Số là trường tiểu học mà cháu đang theo học có quy tắc mỗi tháng học sinh được một ngày mặc đồ tự chọn. Vậy mà hôm ấy cháu trong bộ đồ tự chọn của mình đã không dám bước vào cổng trường. Nó sợ. Nó nằng nặc đòi quay về nhà thay đồng phục. Mẹ cháu nhắn tin kể lại chuyện kèm theo ảnh chụp màn hình một tin nhắn của thầy chủ nhiệm. Hóa ra, nó sợ thầy không vừa lòng. Trong nhóm trao đổi giữa cha mẹ học sinh với thầy, thầy đã thông báo rằng "Đồng phục đi học (áo trắng quần xanh) là nét văn hóa, dấu ấn riêng của học sinh Việt Nam, đặc biệt là các trường công lập. Nó thể hiện sự quan tâm, chia sẻ không phân biệt giàu nghèo trong lứa tuổi học sinh, tránh cho học sinh tự ti, mặc cảm không bằng bạn bè. Từ ý nghĩ trên, giáo viên chủ nhiệm rất mong quý phụ huynh hiểu và xin đừng đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm về việc "có được mặc trang phục tự do vào ngày 20 hàng tháng không?". Câu trả lời ấy xin được dành cho quý phụ huynh của lớp. Cảm ơn". Và đã từng có lần, thầy trách trên lớp rằng "Tôi là tôi không ưa mấy người mặc đồ đẹp mà học thì thiếu tập trung". Chính cái điều đó đã khiến con trai tôi sợ dù cho nó rất thích được một ngày tưng bừng "thời trang phang thời tiết" mỗi tháng.

Tôi không trách người thầy của con mình. Cách nói của thầy có lý. Nhưng thầy không đúng. Và thầy cũng không sai. Để trẻ con không tự ti, không mang mặc cảm nghèo hơn bạn không thể chỉ có một quy tắc cứng nhắc nào đó như việc mặc đồng phục. Tự do biểu đạt mình qua trang phục cũng là điều mà đứa trẻ cần, và giúp nó xây dựng sự tự tin. Tôi còn rất nể trọng thầy khi thầy đã lồng vào bài giảng của mình những câu chuyện tạo cảm hứng mà chính con trai tôi đã luôn hào hứng kể lại cho cha mẹ nghe. Nhưng có phải là thầy đang hơi cứng rắn quá hay không? Nếu một học sinh nào đó nghèo hơn các bạn, không có bộ đồ đẹp như các bạn trong cái ngày mặc đồ tự do hàng tháng, việc xây dựng sự tự tin cho cháu sẽ là chuyện mà phụ huynh, thầy giáo cần phải làm. Song song đó là việc dạy dỗ cho chính những đứa trẻ có điều kiện hơn hiểu được thế nào là chia sẻ, thế nào là yêu mến một con người qua tâm hồn người ấy chứ không phải qua manh quần tấm áo. Khi cùng đồng phục như nhau, phải chăng là ta đã bỏ qua cơ hội để dạy trẻ những điều như thế?

Rồi lướt tiếp ký ức mạng của mình ở những năm trước đó, tôi lại bị cuốn vào một tấm ảnh khác. Bức ảnh đó tôi chụp lại, ở Bình Thạnh, trong một căn chung cư cũ. Hôm ấy, sau khi được bố nuôi của mình khơi gợi, giới thiệu, tôi đã tìm tới nhà ông bà Mai Phương. Bà là giáo viên chủ nhiệm của bố nuôi tôi thuở còn tiểu học, ở Hải Phòng. Bức ảnh được tôi chụp lại 7 năm trước, khi bà đã 80 tuổi. Đó là bức ảnh gia đình bà, chụp ở trạm quan trắc khí tượng đảo Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa, năm 1938. Lúc ấy, bà mới 2 tuổi. Chỉ một năm sau, em gái bà Mai Phương ra đời trên đảo Lưỡi Liềm, với tờ giấy chứng sinh bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, ghi rõ nơi sinh là "đảo Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa" và gắn với chủ quyền của Việt Nam. Trong bài giảng của bà cho học sinh của bà sau này, mà trong đó có bố nuôi tôi, luôn lồng câu chuyện Lưỡi Liềm, Hoàng Sa là của Việt Nam ở tư cách một nhân chứng sống. Bài học lớn trong câu chuyện nhỏ của người thầy đã đi theo bố nuôi tôi cả cuộc đời, rồi được truyền lại cho tôi. Nó chính là một bài học quý giá nhất vì nó gợi nhắc chúng ta một niềm tin vững chắc về chủ quyền và cả sự tự tin để chúng ta luôn có thể khẳng định lẽ phải thuộc về tổ quốc mình. Bây giờ, tôi chỉ băn khoăn rằng sau 7 năm trôi qua, không biết ông bà sức khỏe đã thế nào rồi, có còn rắn rỏi như khi tôi đến thăm, nhất là sau khi tất cả đều phải đi qua những tháng ngày dịch bệnh khủng khiếp.

Sau hai năm tôi ghé thăm bà Mai Phương, ký ức nhắc lại ngày nhân loại giã từ một trong những người thầy vĩ đại nhất, nhà khoa học Stephen Hawking. Có thể Hawking không dạy nhiều người nhưng ông lại được nhiều người coi như bậc thầy không chỉ qua những công trình ông để lại mà còn cả nghị lực của một con người bệnh tật suốt từ tuổi trẻ. Con trai tôi từng rất ấn tượng với chuyện thầy của nó kể lại về Albert Einstein và ước mơ sẽ trở thành nhà khoa học. Chắc nó sẽ còn ấn tượng hơn nữa nếu sau này được tìm hiểu về Hawking. Và con tôi không đơn độc. Tôi tin, có hàng trăm triệu, thậm chí có thể là tỷ, những trẻ thơ nuôi ước mơ từ chính những người thầy - chưa - bao - giờ - gặp.

Rồi nhân đó, tự dưng tôi liên tưởng chuyện "thầy - trò" lùm xùm giới showbiz gần đây khi báo chí đăng tải chuyện "học trò cũ cà khịa" một ngôi sao giải trí hàng đầu hôm nay. Họ được xem là có mối quan hệ "thầy - trò" sau một gameshow mà ở đó, ngôi sao kia là huấn luyện viên. Tôi cũng từng làm huấn luyện viên trực tiếp tuyển lựa và đứng lớp 2 buổi truyền đạt kinh nghiệm cho những đồng nghiệp đi sau của một kênh truyền hình cách đây chục năm. Sau hai lần tham gia với vai trò ấy, tôi đã quên đi rất nhanh và chưa bao giờ coi mình như thầy. Biết là "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" nhưng đó là chuyện của người nhận về kinh nghiệm, kiến thức chứ không phải là sự tự nhìn nhận vị thế của mình từ người đi truyền đạt. Sau chương trình đầu tiên tôi tham gia ấy, thậm chí ngày 20/11 năm đó tôi còn nhận được điện hoa của một ứng viên với lời chúc tình cảm của người học trò dành cho người thầy. Nhưng rồi thời gian trôi đi, cái hồ hởi "thầy - trò" ấy nhạt đi rất nhanh. Mỗi lần hiếm hoi gặp lại, chúng tôi cũng chỉ xưng hô "anh - em" chứ không còn cái cung kính đối lại với cái khiêm nhường như xưa nữa. Tôi không buồn. Nhưng liên tưởng đến chuyện ồn ào hôm nay, tôi thấy thật đáng thương cho những gì người ta đang bàn, đang nói. Mang chuyện "tôi từng dạy anh một chữ" để làm vị thế trong tranh luận là vô nghĩa, và nực cười. Người muốn làm thầy thì nhất thiết cần phải để kẻ làm trò nể trọng. Còn người làm trò mà không có nhân cách tốt, người làm thầy chắc cũng xin kiếu, chẳng dám nhận học trò vì xấu hổ.

Và tôi muốn kết lại bằng những cảm nhận về cuốn sách "Người thầy" mới vừa ra mắt của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Thực sự, tôi đã cuốn mình mất 1 ngày vào cuốn sách ấy. Đọc về tình báo vẫn luôn hấp dẫn mà.

Nhưng tôi đã xúc động mạnh khi đọc những trang cuối viết về mối quan hệ của nhà tình báo Ba Quốc (người thầy) với gia đình của ông ở Hà Nội. Tôi nhìn vào sự hi sinh của bà Thanh, vợ ông Ba Quốc, và các con của bà khi chấp nhận xa chồng (và có thể mất luôn chồng) vì nghĩa vụ với Tổ quốc.

Với tôi, bà mới thực sự là một người thầy, với một bài học gắn liền với hình mẫu người phụ nữ Việt về đạo nghĩa, về nghĩa vụ và cả về niềm tin cũng như là sự tự tin vào chính bản thân mình dù cho có phải đi qua những thời đoạn cam go và gian nan nhất.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/thay--tro-i689468/