Thấy tức ngực, nữ sinh viên đi khám bất ngờ phát hiện ung thư vú giai đoạn cuối

Nếu như ở các nước, độ tuổi mắc ung thư vú thường là phụ nữ 60 – 65 tuổi thì ở Việt Nam, bệnh nhân mắc ung thư vú đang trẻ hóa rất nhanh, gặp rất nhiều ca 31-35 tuổi, thậm chí có những nữ sinh vừa bước vào đại học đã mắc bệnh…

Ung thư vú đang ngày càng trẻ hóa

TS.BS Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội 5 - Bệnh viện K cho biết, mới đây khoa tiếp nhận bệnh nhân Ánh T., mới 22 tuổi, quê Nam Định vào điều trị do phát hiện ung thứ vú ở giai đoạn cuối. Đây là một trường hợp rất đáng tiếc vì cô gái trẻ đang là sinh viên Đại học và phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên khả năng điều trị rất khó khăn.

Theo bác sĩ Đức, tháng 8-2017, khi đang là sinh viên năm thứ 3, Ánh T. đi viện khám vì thấy đau, tức ngực không rõ nguyên nhân. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, bác sĩ đã kết luận T. bị ung thư vú phải đã di căn đến gan, hiện bệnh nhân đã ở giai đoạn 4 của ung thư vú.

Một trường hợp khác là bệnh nhân Hồ Anh V., đang học đại học năm thứ 2, cũng bị ung thư vú giai đoạn 2B sau khi đi khám vì triệu chứng đau nhói mơ hồ và sờ thấy hạch ở ngực. Hiện tại, bệnh nhân V. đang xạ trị tại Bệnh viện K được 6 tháng. Bác sĩ Lê Thanh Đức cho biết, may mắn hơn so với Ánh T. là bệnh nhân V. đến bệnh viện được phát hiện bệnh sớm hơn, khối u vú chưa di căn.

Nói về tỷ lệ mắc ung thư vú và xu hướng trẻ hóa bệnh nhân ung thư vú tại Việt Nam, bác sĩ Lê Thanh Đức cho biết, ở các nước phát triển như Mỹ và châu Âu, ung thư vú thường gặp ở phụ nữ đã lớn tuổi.

Thế nhưng tại châu Á, thậm chí ngay cả các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, tỷ lệ phụ nữ trẻ bị ung thư gặp khá cao, nhiều bệnh nhân 26 – 27 tuổi đã bị ung thư vú.

Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ 31 – 36 tuổi bị ung thư vú đang gặp ngày càng nhiều, chiếm tỷ lệ khá lớn, rất nhiều trong số bệnh nhân chưa có gia đình.

Bệnh nhân đến thăm khám tại khoa Nội 5 - Bệnh viện K

“Đối với người trẻ mắc ung thư vú, thông thường bệnh phát triển mạnh, nhanh hơn người cao tuổi, có những đặc điểm riêng chưa lý giải được tại sao, mà là quan sát được. Tế bào ác tính tốc độ phát triển mạnh hơn, độ ác tính cao hơn, thụ thể nội tiết hay âm tính và thời gian giữ được ổn định bệnh cũng ngắn hơn”- TS Lê Thanh Đức nói.

Theo báo cáo của các cơ sở y tế điều nhận bệnh nhân ung thư tại Việt Nam, năm 2018, có 164.671 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 15.229 ca (9,2%).

Với bệnh nhân ung thư vú nếu phát hiện sớm ở giai đoạn I thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%, với ung thư cổ tử cung là 80-93%, ung thư đại trực tràng là 88%. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, ung thư đã di căn, việc điều trị sẽ không mang lại hiệu quả cao.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng chống, phát hiện sớm ung thư vú, phụ nữ bước vào tuổi trưởng thành nên: tự kiểm tra vú thường xuyên hang tháng, sau kỳ kinh 7 ngày (có thể dùng tay sờ nắn để phát hiện bất thường); Khi thấy bất thường – có hạch ở nách, vú thì cần đến cơ sở y tế khám sớm.

Riêng đối với những trường hợp trong gia đình có tiền sử bố mẹ bị các ung thư như đại trực trạng, buồng trứng, phổi, cổ tử cung... thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ. Đối với phụ nữ ở tuổi ngoài 50, trung bình nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/thay-tuc-nguc-nu-sinh-vien-di-kham-bat-ngo-phat-hien-ung-thu-vu-giai-doan-cuoi/785674.antd