'The Ballad of Buster Scruggs' - 6 câu chuyện bạo liệt miền Viễn Tây

Tác phẩm hợp tuyển của anh em đạo diễn nhà Coen giúp khán giả có một cái nhìn toàn cảnh về vùng đất hoang sơ, dữ dội của nước Mỹ trong quá khứ.

Trailer bộ phim 'The Ballad of Buster Scruggs' Tác phẩm hợp tuyển gồm 6 phim ngắn về miền Viễn Tây của anh em đạo diễn nhà Coen.

Thể loại: Viễn Tây, tâm lý
Đạo diễn: Joel Coen, Ethan Coen
Diễn viên chính: Tyne Daly, James Franco, Brendan Gleeson, Zoe Kazan, Liam Neeson, Tim Blake, Nelson Tom Waits
Zing.vn đánh giá: 9/10

Tập hợp 6 phim ngắn muôn màu, muôn vẻ về miền Viễn Tây

Là tác phẩm điện ảnh hợp tuyển (anthology) đầu tiên của anh em đạo diễn lừng danh nhà Coen, The Ballad of Buster Scruggs bao gồm 6 phim ngắn lấy bối cảnh chung là miền Viễn Tây nước Mỹ trong những năm tháng dân cao bồi còn đang tung hoành trên mảnh đất hoang sơ và chứa đựng nhiều điều bất trắc.

Dựa theo cái tứ là sáu chương sách của một tập truyện ngắn có “minh họa màu” về cuộc sống nơi miền Tây nước Mỹ, bộ phim mở đầu bằng chương cùng tên The Ballad of Buster Scruggs (Khúc ballad của Buster Scruggs).

The Ballad of Buster Scruggs là phim hợp tuyển gồm 6 chương khác nhau cùng lấy bối cảnh miền Viễn Tây của anh em đạo diễn nhà Coen.

Tuy có cái tựa nghe đôi phần lãng mạn, nhưng chương phim về anh chàng ca sĩ du ca “kiêm” tội phạm bị truy nã Buster Scruggs (Tim Blake Nelson) thực tế nhuốm đầy màu sắc bạo lực, và mang nhiều phần châm biếm về cuộc sống khắc nghiệt nơi miền Tây nước Mỹ.

Tiếp sau đó là Near Algodones (Đâu đó gần Algodones) - tập phim không kém phần bạo liệt và hài hước về hoàn cảnh dở khóc dở cười của một gã cao bồi chuyên nghề đi cướp nhà băng (James Franco).

Phần hai của tác phẩm hợp tuyển đem đến hai lý do khác để người xem phải cảm thấy gai mình trước cuộc sống nơi miền Tây: sự hiện diện của người thổ dân bản địa hoang dại khi bị dồn đến đường cùng trước cảnh mảnh đất tổ tiên đang bị dân nhập cư xâm lấn, và bản chất tàn nhẫn đến khó tin của chính những người nắm trong tay công lý.

Chất hài hước biến mất, mùi bạo lực cũng không còn, phần thứ ba mang tựa đề Meal Ticket (Phiếu ăn) không xoay quanh cuộc sống của những gã cao bồi mã thượng, máu lửa, mà tập trung mô tả những giờ phút vật lộn mưu sinh của ông chủ gánh hát rong Impresario (Liam Neeson) và nghệ sĩ duy nhất trong “đoàn hát” của ông ta - anh chàng không chân, không tay Harrison (Harry Melling).

Không chỉ khác biệt về hình mẫu nhân vật và cách kể chuyện, Meal Ticket còn có phần bối cảnh rất riêng. Đó là những đêm dài lạnh lẽo của mùa đông nước Mỹ vốn làm nản lòng con người chẳng kém gì bầu không khí nóng bỏng, khô rát của sa mạc ở The Ballad of Buster Scruggs hay Near Algodones. Mỗi cá nhân trở nên đơn độc và nhỏ bé đến cùng cực trước sự thờ ơ của thiên nhiên, hay giữa chính con người với nhau.

Hoàn toàn tương phản với bối cảnh của Meal Ticket, All Gold Canyon (Hẻm núi đầy vàng) là cuộc tìm kiếm bụi quý tưởng chừng vô vọng của ông lão đào vàng (Tom Waits) ở nơi hẻm núi hoang sơ và đẹp đẽ đến ngây người.

“Đổ xô đi tìm vàng” vốn không phải là hiện tượng xa lạ ở miền Tây nước Mỹ trong những năm người dân nghèo khổ kéo về đây để tìm kiếm cơ hội làm giàu. Nhưng thân già một mình lặn lội cùng chú lừa đến giữa chốn thiên nhiên không một bóng người để lần theo dấu vết bụi quý thì có lẽ chẳng có ai khác ngoài ông lão đào vàng trong All Gold Canyon.

Song, dù đơn độc đến mấy, hiểm nguy rình rập của xứ Viễn Tây vẫn đeo đuổi ông lão trên nẻo đường tìm kiếm cơ hội đổi đời.

6 câu chuyện trong The Ballad of Buster Scruggs hoàn toàn riêng rẽ.

Một trong những di tích mang tính đại diện nhất cho lịch sử hình thành và phát triển của miền Tây nước Mỹ là con đường mòn Oregon (Oregon Trail), nơi rất nhiều người dân di cư đã phải bỏ mạng trên chuyến hành trình 3.500 km từ miền Trung nước Mỹ tới vùng ven biển Thái Bình Dương nay thuộc bang Oregon.

Địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, bệnh tật hoành hành, và mối đe dọa chết người đến từ các bộ lạc thổ dân không muốn mất thêm đất vào tay những người nhập cư tự cho mình có “định mệnh Hiển nhiên” (Manifest destiny) đã khiến gần 1/10 số người di cư dọc đường mòn Oregon phải thiệt mạng.

Một trong những chuyến đi bão táp như thế được thuật lại qua phần thứ năm trong phim với tựa đề The Gal Who Got Rattled (Cô gái dễ giật mình). Cũng như đa phần người di cư khi quyết định đặt chân lên con đường mòn Oregon, Alice Longabaugh (Zoe Kazan) cùng người anh trai Gilbert (Jefferson Mays) và chú chó đáng yêu “Tổng thống” Pierce tin rằng ở đích đến xa xôi, cơ hội đổi đời đang chờ đón họ.

Nhưng dù có sự trợ giúp của những người dẫn đoàn tận tụy như Billy Knapp (Bill Heck) và Arthur (Grainger Hines), Gilbert và nhất là “cô gái dễ giật mình” Alice không thể ngờ rằng con đường mòn Oregon lại chứa đựng nhiều hiểm nguy và mất mát đến thế.

Bộ phim khép lại với The Mortal Remains (Xác chết) - một cuộc trò chuyện giữa 5 hành khách là bà Betjeman (Tyne Daly), Clarence (Brendan Gleeson), Thigpen (Jonjo O'Neill), René (Saul Rubinek), và ông lão đặt bẫy thú (Chelcie Ross) trên chuyến xe ngựa đường dài tới trạm Fort Morgan nằm trên bang miền Tây Colorado.

Có xuất thân rất khác nhau - một quý bà người Mỹ, hai người đồng nghiệp chuyên nghề chuyển tử thi đến từ Ireland và Anh, một quý ông “ham vui” người Pháp, và ông lão chuyên đặt bẫy thú sống cô đơn trong rừng sâu - họ cứ thế chia sẻ với nhau về nghề nghiệp, về quan điểm sống.

Dù rằng những khác biệt về cuộc đời, về suy nghĩ đẩy họ tới cuộc tranh cãi nảy lửa, tất cả rốt cuộc nhận ra rằng mình đều có chung một đích đến là trạm xe Fort Morgan nằm giữa miền Tây hoang vắng, cằn cỗi.

Sự trở lại của anh em đạo diễn nhà Coen

Đối với người hâm mộ điện ảnh, “thương hiệu” anh em nhà Coen từ lâu đã là bảo chứng cho chất lượng nghệ thuật ở mức cao nhất tại Hollywood. Luôn chia nhau cả ba vai trò quan trọng là đạo diễn, biên kịch, và sản xuất, Joel và Ethan Coen suốt từ thập niên 1980 đến nay đã cho ra đời nhiều tác phẩm được đánh giá cao về mặt nghệ thuật.

Trong đó, Fargo (1997) mang về cho hai anh em tượng vàng Oscar hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc. Và đặc biệt,No Country for Old Men(2007) - bộ phim hình sự lấy bối cảnh Texas - đã giúp hai anh em chiến thắng ở cả ba hạng mục quan trọng là Phim truyện, Đạo diễn Kịch bản chuyển thể xuất sắc của Oscar 2008.

Anh em đạo diễn nhà Coen có một sự nghiệp đáng nể khi không ngại ngần khai thác các thể loại khác nhau.

Một điểm đáng chú ý trong sự nghiệp của anh em nhà Coen là hai người thành công ở rất nhiều thể loại phim khác nhau, từ hình sự như FargoNo Country for Old Men, cho tới bi hài như Inside Llewyn Davis (2013).

Đặc điểm chung, đặc trưng của các bộ phim do hai người nhào nặn là phần kịch bản chặt chẽ, bất ngờ, cùng những chi tiết ẩn dụ thâm thúy, và chất hài châm biếm vừa đủ sức chọc cười, nhưng cũng hết mực chua cay khiến khán giả phải suy ngẫm.

Kể cả khi thử sức với dòng phim Viễn Tây vốn thường nhấn mạnh chất hành động và đòi hỏi bối cảnh chuyên biệt của các vùng đất nằm ở rìa phía Tây nước Mỹ, anh em nhà Coen vẫn thành công trong việc vừa tạo ra một tác phẩm hành động đặc sắc, lôi cuốn thông qua hình ảnh nhân vật cao bồi anh hùng mã thượng, lại vừa thổi vào thể loại truyền thống kiểu triết lý hiện đại về cách sống, về cách cư xử giữa người và người.

Lần thử sức thành công đó của hai anh em nhà Coen chính là bộ phim True Grit (2010). Tác phẩm nhận tới 10 đề cử Oscar năm 2011, và trình làng Hollywood một gương mặt trẻ hết sức tiềm năng là Hailee Steinfeld.

Một đỉnh cao mới trong dòng phim Viễn Tây

Tuy True Grit The Ballad of Buster Scruggs cùng thuộc thể loại Viễn Tây, nhưng quả là khập khiễng khi so sánh một tác phẩm có kịch bản rất chặt chẽ, dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng từng một lần được chuyển thể lên màn ảnh lớn, với một bộ phim hợp tuyển gồm sáu phần tương đối riêng biệt.

Nhưng trên một khía cạnh nào đó, The Ballad of Buster Scruggs có lẽ còn hấp dẫn và mang nhiều tầng ý nghĩa hơn cả True Grit, cũng như xứng đáng được coi là một đỉnh cao mới trong sự nghiệp của anh em nhà Coen, ít nhất là trong thể loại Viễn Tây.

Bộ phim có thể chứa đựng 6 câu chuyện riêng biệt, nhưng 6 chương phim của The Ballad of Buster Scruggs mang tính bổ trợ và kết nối cao, giúp khán giả có được bức tranh toàn cảnh hiếm có về cuộc sống nơi miền Tây nước Mỹ năm xưa.

Các câu chuyện trong phim có thể không liên quan, nhưng lại giúp tạo ra bức tranh toàn cảnh về miền Viễn Tây khắc nghiệt.

Cả 6 phần của bộ phim đều được thực hiện hết sức chắc tay và trọn vẹn về mặt cảm xúc ở những cung bậc khác nhau, với những nhân vật hoàn toàn khác biệt, nhưng luôn đủ chiều sâu, đủ số phận để đi vào lòng khán giả.

Điện ảnh Hollywood ngày nay tràn ngập các tác phẩm phần tiếp theo, tiền truyện, ngoại truyện, hay những bộ phim thuộc một “vũ trụ điện ảnh” nào đó. Do đó, một tác phẩm có kịch bản mang đầy tính thể nghiệm với hình thức hợp tuyển nhưng vẫn rất dày dặn và tươi mới về cốt truyện, ẩn chứa rất nhiều triết lý về nhân sinh quan, suy nghĩ về nước Mỹ của thời quá vãng nhưng vẫn ảnh hưởng tới tận xã hội hiện đại như The Ballad of Buster Scruggs quả là một điều đáng quý.

The Ballad of Buster Scruggs thực sự xuất sắc. Không chỉ có một kịch bản thượng hạng đúng chất anh em nhà Coen và giúp họ giành giải Kịch bản xuất sắc tại LHP Venice 2018, bộ phim còn mang đến nhiều phần diễn xuất đáng nhớ đến, từ cả những khuôn mặt thân quen với khán giả như James Franco hay Liam Neeson, lẫn những cái tên gây bất ngờ như Harry Melling - nam diễn viên chủ yếu được biết tới qua vai cậu quý tử nhà Dursley trong loạt phim Harry Potter.

Phần nghe - nhìn của The Ballad of Buster Scruggs được anh em nhà Coen chăm chút tới mức tối đa với sự cộng tác của nhà soạn nhạc nổi tiếng Carter Burwell, và cái tên đứng sau những thước phim không thể nào quên của Amélie (2001) và Inside Llewyn Davis - tay máy người Pháp Bruno Delbonnel.

Phần hình ảnh của The Ballad of Buster Scruggs do Delbonnel đảm nhiệm mang đến vô vàn ngoại cảnh tại những địa điểm đáng nhớ gắn liền với miền Tây nước Mỹ, với những tông màu rất khác nhau dành cho mỗi chương phim.

Người xem có thể thấy choáng ngợp về bối cảnh miền Viễn Tây trong phim.

Nếu để phàn nàn về bộ phim thì khán giả khó tính có lẽ sẽ nhắc tới việc anh em nhà Coen mô tả hình ảnh người thổ dân hoang dại tới mức man rợ, khiến người ta có thể hiểu nhầm về số phận đậm chất bi thương mà những bộ lạc ấy phải gánh chịu trong lịch sử phát triển của miền Tây nước Mỹ.

Thêm vào đó, việc phim được phát hành chủ yếu thông qua kênh Netflix làm khán giả mất đi cơ hội thưởng thức những cảnh quay tuyệt đẹp của Bruno Delbonnel trên màn ảnh lớn, và đồng thời khiến The Ballad of Buster Scruggs trở nên yếu thế trong cuộc đua Oscar năm nay.

Nhưng nếu gạt đi những vết gợn không quá đáng kể ấy, The Ballad of Buster Scruggs hoàn toàn xứng đáng là một trong những tác phẩm hay nhất của điện ảnh thế giới năm 2018, và nằm trong nhóm những bộ phim Viễn Tây đáng nhớ nhất của thế kỷ XXI.

Việt Phương
Ảnh: Netflix

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/the-ballad-of-buster-scruggs-6-cau-chuyen-bao-liet-mien-vien-tay-post905333.html