Thế cờ lật ngược sau 10 năm của các vũ trụ siêu anh hùng

Có xuất phát điểm rất chênh lệch trong lĩnh vực điện ảnh, nhưng sau đúng một thập kỷ, DC và Marvel đã hoàn toàn hoán đổi vị trí cho nhau.

2008: Xuất phát điểm chênh lệch

Ngày 14/7/2008, The Dark Knight của đạo diễn Christopher Nolan chính thức ra mắt và lập tức tạo ra cơn sốt trên khắp toàn cầu. Bộ phim được đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất của thể loại siêu anh hùng với doanh thu trên 1 tỷ USD.

DC như ngự trị trên đỉnh cao của dòng phim khi tác phẩm ẵm hai tượng vàng Oscar, trong đó có giải Nam diễn viên phụ xuất sắc dành cho Heath Ledger trong vai Joker sau khi tài tử qua đời. Chưa kể, nhiều fan còn lên tiếng phản đối giải Oscar khi không trao cho bom tấn đề cử hạng mục Phim truyện xuất sắc.

The Dark Knight (2008) luôn được coi là đỉnh cao của dòng phim siêu anh hùng trong hơn một thập kỷ qua. Ảnh: Warner Bros.

Quan trọng hơn, The Dark Knight trở thành định hướng cho phong cách làm phim sau này của DC Films, tức tăm tối, sâu sắc, chứa đựng nhiều hình ảnh ẩn dụ, và đi sâu vào tâm lý nhân vật. Tại thời điểm đó, khó ai có thể nghĩ DC có thể bị đánh bại.

Ngay trước chiến thắng của The Dark Knight khoảng hơn hai tháng, Marvel Studios trình làng Iron Man, một trong những siêu anh hùng còn tương đối xa lạ với khán giả đại chúng.

Song, câu chuyện thuyết phục và màn diễn xuất “tưng tửng” của Robert Downey Jr. đã giúp Người Sắt gặt hái thành công. Phim đạt doanh thu 585 triệu USD toàn cầu, và đứng thứ hai tại thị trường Bắc Mỹ trong năm chỉ sau The Dark Knight.

MCU chính thức bắt đầu trong mùa hè 2008 với Iron Man. Ảnh: Disney.

Giữa Người Sắt và Người Dơi, vào tháng 6/2008, khán giả còn được thưởng thức tập phim riêng về Người Khổng lồ xanh mang tên The Incredible Hulk. Nhân vật không lôi kéo được số đông khán giả tới rạp.

Nhưng giống như Iron Man, The Incredible Hulk chứa đựng đoạn phim post-credits có sự góp mặt của Người Sắt, và cho thấy tham vọng xây dựng vũ trụ điện ảnh từ sớm của Marvel Studios.

Trở lại quá khứ, do những khó khăn trong công việc kinh doanh, công ty truyện tranh Marvel đã bán đi nhiều nhân vật ăn khách của mình như các nhóm X-Men, Bộ tứ Siêu đẳng cho 20th Century Fox, Người Nhện, Venom cho Sony…

Trên thực tế, hồi mùa hè 2008, Iron Man do Paramount phát hành, còn The Incredible Hulk đến từ Universal. Và cho tới giờ, bản quyền nhân vật Người Khổng lồ xanh vẫn thuộc về Universal. Với một thành công và một thất bại, vũ trụ điện ảnh còn non trẻ của Marvel Studios bị đặt cho dấu hỏi lớn, nhất là trước thành công khổng lồ của đối thủ DC với The Dark Knight.

2012: Sự chuyển giao giữa DC và Marvel

Bước ngoặt xảy ra vào ngày 31/8/2009. Đó là thời điểm Walt Disney mua lại Marvel Entertainment với giá 4,24 tỷ USD, và lập tức tạo ra sự thay đổi chóng mặt trong cuộc chạy đua trong lĩnh vực điện ảnh giữa Marvel và DC.

“Nhà chuột” bắt đầu rót tiền đầu tư để xây dựng Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU), cũng như định hình phong cách hài hước, đậm tính giải trí cho thương hiệu. Tác phẩm đầu tiên dưới “triều đại” Disney của Marvel Studios là Iron Man 2 (2010) đạt doanh thu 623,9 triệu USD toàn cầu.

Phần tiếp theo của Người Sắt đã đặt nền móng vững chắc cho một vũ trụ điện ảnh rộng lớn, kết nối thông qua tổ chức S.H.I.E.L.D. với nhiều nhân vật quan trọng như Nick Fury (Samuel L. Jackson), Black Widow (Scarlett Johansson) và Phil Coulson (Clark Gregg).

Sau Người Sắt, hai thành viên tiếp theo của biệt đội siêu anh hùng Avengers cũng lần lượt tiến lên màn ảnh rộng trong năm 2011 là Thor (Chris Hemsworth) và Captain America (Chris Evans). Cả hai tác phẩm đều có thành tích doanh thu ở mức khá, đủ giúp Disney cùng Marvel Studios chuẩn bị cho con bài chủ chốt.

The Avengers trở thành cột mốc chói lọi của Marvel Studios vào mùa hè 2012, giúp họ bắt đầu thống trị dòng phim siêu anh hùng. Ảnh: Disney.

Đó là The Avengers - tác phẩm siêu anh hùng ra mắt hồi mùa hè 2012, có ngân sách sản xuất lên tới 220 triệu USD, và sự góp mặt của các siêu anh hùng Iron Man, Captain America, Thor, Black Widow, Hulk (Mark Ruffalo thay thế Edward Norton), Hawkeye (Jeremy Renner), cũng như ác nhân Loki (Tom Hiddleston).

Tác phẩm do đạo diễn Joss Whedon thực hiện làm mưa làm gió hồi tháng 5/2012 và đạt doanh thu trên 1,5 tỷ USD. Qua đó, The Avengers trở thành cột mốc quan trọng của kỷ nguyên siêu anh hùng Marvel.

Cũng trong mùa hè 2012, DC trình làng tập cuối của bộ ba phim về Người Dơi do đạo diễn Christopher Nolan thực hiện mang tên The Dark Knight Rises. Trên thực tế, ngân sách dành cho chuyến phiêu lưu cuối cùng của Batman do Christian Bale thể hiện tiêu tốn nhiều hơn The Avengers khoảng 30 triệu USD. Nhưng doanh thu cuối cùng của bom tấn “chỉ” là 1,08 tỷ USD.

Trong suốt quãng thời gian bốn năm trước đó, DC như ngủ quên trên chiến thắng của The Dark Knight (2008). Quan trọng hơn, trong suốt hơn 4 năm trước đó, họ dường như đã đã ngủ quên trên chiến thắng.

Watchmen (2009) gây ra không ít tranh cãi, còn Jonah Hex (2010) cùng Green Lantern (2011) đều là những tác phẩm đáng quên. Thành công của The Dark Knight Rises dường như đến từ danh tiếng Nolan (người mới cho ra đời Inception năm 2010), cũng như siêu anh hùng Batman nói riêng.

The Dark Knight Rises có doanh thu nhỉnh hơn The Dark Knight đôi chút, nhưng lại kém The Avengers. Ảnh: Warner Bros.

Trên thực tế, DC hoàn toàn không làm ngơ trước sự trỗi dậy của MCU, cũng như không phải không muốn xây dựng vũ trụ điện ảnh của riêng mình. Song, một số kế hoạch của họ thường bị hủy bỏ vào phút chót bởi nhiều lý do khác nhau.

Trở lại thập niên 1990, dự án Superman Lives với Nicholas Cage để kết nối với loạt phim Batman của đạo diễn Tim Burton không thể khởi động, và sau này trở thành đề tài của một dự án phim tài liệu vào năm 2015.

Hay dự án Justice League: Mortal với Người Dơi (Armie Hammer), Siêu Nhân (D.J. Cotrona), Wonder Woman (Megan Gale)… cũng không thể “cất cánh” dù được thai nghén từ 2007 do những bất đồng giữa đội ngũ nhà sản xuất. Lẽ ra, khán giả đã được chứng kiến một nhóm Liên minh Công lý rất khác dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn George Miller (Mad Max: Fury Road).

2018: Vị trí hoán đổi rõ rệt

Cách đây 10 năm, Marvel Studios mang dáng dấp của “gã học việc” khi nhập cuộc vào dòng chảy phim siêu anh hùng, còn DC vẫn đang là “ông lớn”. Sau đúng một thập kỷ, vị trí của hai bên đã có sự hoán đổi rõ rệt.

Tiếp nối thành công của The Avengers (2012), Marvel Studios cho ra mắt đều đặn hai tác phẩm mỗi năm. Các bộ phim của họ đều đạt doanh thu và thu hút lượng người xem khổng lồ trên toàn thế giới.

Cách làm phim hài hước và dễ tiếp cận của Marvel Studios giúp khán giả “ngoại đạo” không cần đọc truyện tranh, thậm chí không cần theo dõi những tập phim trước, mà vẫn có thể thoải mái theo dõi, cười vui, và giải trí cùng nhóm nhân vật Marvel trên màn ảnh rộng.

Không chỉ phát triển biệt đội Avengers, Marvel Studios còn tiến ra ngoài vũ trụ với Guardians of the Galaxy (2014). Đây được xem là một thành công vang dội nữa của hãng bởi Vệ binh dải ngân hà thực tế chỉ là nhóm siêu anh hùng “hạng B”, nhưng rốt cuộc mang về tới 773,3 triệu USD tại phòng vé.

Điều này giúp một số nhân vật kém nổi tiếng với khán giả đại chúng khác cũng có phim riêng như Ant-Man (Paul Rudd) hay Doctor Strange (Benedict Cumberbatch).

Với những dự án như Avengers: Infinity War, Marvel Studios đang đứng trước tương lai vô cùng xán lạn. Ảnh: Disney.

Chưa dừng lại ở đó, những “đứa con hoang đàng” cũng dần được hãng triệu hồi. Người Nhện (Tom Holland) đã xuất hiện trong MCU dưới vai trò hợp tác giữa Marvel Studios và Sony trong Captain America: Civil War (2016), Spider-Man: Homecoming (2017), và sắp tới là Avengers: Infinity War (2018).

Thương vụ sáp nhập trị giá 52 tỷ USD giữa Disney và 20th Century Fox hồi tháng 12/2017 cũng sẽ giúp X-Men, Bộ tứ Siêu đẳng hay Deadpool sớm “trở về nhà” trong tương lai gần. Có thể khẳng định rằng Marvel Studios nay đã trở thành đế chế đáng ghen tị trong lĩnh vực điện ảnh nói chung, chứ không còn chỉ dừng lại ở riêng dòng phim siêu anh hùng.

Kể từ 2018, Marvel Studios dự kiến phát hành ít nhất ba phim mỗi năm. Lần lượt Black Panther, Avengers: Infinity War Ant-Man and The Wasp sẽ chinh phục phòng vé vào tháng 2, tháng 4, và tháng 7. Trong đó, phần ba của loạt The Avengers hiện đứng trước khả năng chinh phục cột mốc doanh thu 2 tỷ USD khi quy tụ dàn nhân vật siêu anh hùng đông đảo bậc nhất từ trước tới nay.

Trailer đầu tiên bộ phim 'Avengers: Cuộc chiến Vô cực' "Avengers: Infinity War" là bộ phim quy tụ đông đảo siêu anh hùng nhất từ trước tới giờ của Marvel Studios.

Trái với “tương lai màu hồng” của Marvel Studios, DC Film vẫn đang tỏ ra loay hoay trong việc bắt kịp đối thủ. Sau năm 2012, họ nhận ra mình đã bị Marvel bỏ lại quá xa trong việc xây dựng vũ trụ điện ảnh. DC bèn ráo riết thực hiện kế hoạch của riêng mình với tác phẩm mở đầu là Man of Steel (2013) do Zack Snyder làm đạo diễn.

Bộ phim về Siêu Nhân (Henry Cavill) đạt doanh thu ở mức khá, nhưng lại gây tranh cãi về mặt nội dung. Một phần lý do bởi tác phẩm, và vũ trụ điện ảnh mà DC hướng tới, mang phong cách đen tối, sâu sắc như bộ ba phim Batman trước đó của Christopher Nolan.

Nhưng đúng lúc này, DC lại sảy chân. Thay vì từng bước xây dựng DCEU, làm phim riêng cho các nhân vật trước, “cựu vương” lại quá nóng lòng đòi lại ngôi vị của mình và cho phát triển Batman v Superman: Dawn of Justice (2016). Đó là tác phẩm mà khán giả được gặp gỡ phiên bản mới của Người Dơi do Ben Affleck thể hiện, cũng như Wonder Woman của Gal Gadot.

Sự kết hợp của ba siêu anh hùng nổi tiếng nhất thuộc dòng truyện tranh DC gây thất vọng lớn khi không thể đạt doanh thu 1 tỷ USD như mục tiêu ban đầu của đội ngũ sản xuất. Kịch bản của Batman v Superman gượng ép và phi lý, khiến bom tấn bị cả giới phê bình lẫn khán giả đại chúng lạnh nhạt. Và phong cách tăm tối dường như không còn là điều mà họ mong muốn từ dòng siêu anh hùng.

Cũng năm 2016, Suicide Squad gặp vấn đề ở khâu kịch bản, nhưng vẫn đạt doanh thu cao nhờ hàng loạt trailer “cool ngầu”, gây tò mò cho khán giả. Giữa lúc rối ren, bộ phim riêng về Wonder Woman ra mắt hồi tháng 6/2017 trở thành niềm hy vọng mới cho fan của DC. Tác phẩm của đạo diễn Patty Jenkins trở thành câu chuyện điện ảnh của năm khi được giới phê bình đánh giá cao, cũng như doanh thu hơn 800 triệu USD toàn cầu.

Justice League là một trong những bom tấn điện ảnh gây thất vọng lớn nhất trong năm 2017. Ảnh: Warner Bros.

Để rồi, Justice League hồi tháng 11/2017 lại là cú sảy chân tiếp theo của DC. Mang tiếng là bom tấn sẽ giúp DC thu ngắn khoảng cách với Marvel Studios, nhưng điều trái ngược đã xảy ra.

Dự án gây ra sự chia rẽ sâu sắc ngay trong cộng đồng fan của DC bởi chất lượng nội dung dở tệ. Với doanh thu chỉ là 600 triệu USD, điều mà hãng phim phải đối mặt không chỉ là khoản lỗ khổng lồ, mà còn là tình cảm sứt mẻ của chính người hâm mộ.

Một bộ phận fan cho rằng DC đã sai lầm khi thuê Joss Whedon - người từng tạo ra thành công cho The Avengers (2012) - để chỉnh sửa tác phẩm của Zack Snyder. Nhưng kịch bản tiếp tục trở thành điểm yếu chết người của DC. Giờ đây, khi nhắc đến DCEU, khán giả cảm thấy ngờ vực nhiều hơn là mong đợi.

Bên cạnh đó, Justice League còn để lộ ra bức tranh hậu trường đầy rối ren của “ông lớn” một thời. Hàng loạt xung đột nội bộ, tham vọng, cũng như sự cẩu thả của DC Films và Warner Bros. bị phơi bày, khiến danh tiếng DCEU tiếp tục bị sứt mẻ.

Trong năm 2018, họ sẽ chỉ cho ra đời duy nhất một tác phẩm là Aquaman, và đây là thời điểm để hãng phim kiểm điểm lại quãng thời gian đáng quên vừa qua.

Hạ Tuyết

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/the-co-lat-nguoc-sau-10-nam-cua-cac-vu-tru-sieu-anh-hung-post811031.html