Thể dục khi trẻ, sức khỏe về già

Theo nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay có ít nhất 30% người Việt trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất về thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam cũng xếp vào mức kém so với tiêu chuẩn. Việc người trẻ thiếu vận động là một trong những nguyên nhân dẫn đến mắc nhiều bệnh khi về già.

Chuyên gia y tế khuyến cáo người trẻ hay người cao tuổi đều cần tập luyện thể dục thể thao đúng cách cũng như kết hợp chế độ ăn uống phù hợp để nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống. Ảnh: THÁI HÀ

Người trẻ ít chú trọng vận động

Dù ai cũng biết tác động tích cực của việc thường xuyên tập luyện thể dục thể thao trong việc cải thiện sức khỏe, giảm thiểu bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí lực, nhưng nhịp sống hiện đại cùng những thói quen không tốt đã khiến giới trẻ đang dần xem nhẹ điều này.

Quan sát một vòng trên các tuyến phố, công viên ở TP Tuy Hòa, có thể nhìn thấy đa phần những người dậy sớm đạp xe, chạy bộ, tắm biển thuộc lứa tuổi trung niên và người cao tuổi. Họ thường lập thành nhóm, tập luyện thường xuyên kể cả những ngày thời tiết không thuận lợi.

Tương tự, ở các đường nông thôn, vẫn là người cao tuổi ít ngủ, dậy sớm đi bộ vận động. Ngay cả việc lập các câu lạc bộ dân vũ, khiêu vũ, aerobic thì thành phần chủ yếu vẫn là người đã về hưu. Tất nhiên, người trẻ vẫn tham gia đi bộ, đạp xe, tập ở các phòng gym, yoga nhưng so với người lớn tuổi, số người trẻ ít hơn nhiều.

Lười vận động, lười tập luyện thể dục, thể thao xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều bạn trẻ chủ quan cho rằng mình không có những thói quen xấu hại sức khỏe nên chưa xem trọng việc này. Ngay cả khi cần giữ vóc dáng, nhiều người lựa chọn ăn kiêng thay vì tập thể dục.

Nói về điều này, chị Phan Thị Diễm (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) chia sẻ: “Tôi còn trẻ, chưa đến 30 tuổi, làm việc văn phòng, rất ít khi bệnh vặt nên tôi nghĩ việc vận động thường xuyên là không cần thiết. Nếu tăng cân, tôi điều chỉnh bằng chế độ ăn kiêng hơn là tập luyện”.

Bên cạnh tâm lý ỷ lại vào sức trẻ thì lịch học tập, làm việc dày đặc cũng khiến nhiều bạn trẻ không có thời gian để chơi thể thao. Em Phan Văn Hoàng, sinh viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, cho biết: “Nhiều bạn vừa học vừa làm thêm nên thời gian chơi các môn thể thao rất ít. Thời gian nghỉ, tụi em thường lướt mạng xã hội, youtube, tiktok hoặc xem phim, chơi game”.

Việc tập thể dục mới nghe không có gì khó khăn, nhưng các thống kê cho thấy, vẫn còn nhiều người chưa bố trí được kế hoạch rèn luyện thể dục đều đặn cho bản thân. Trong khi đó, cà phê tán gẫu, xem phim hoặc ôm máy tính lướt mạng... đang là những lựa chọn phổ biến của giới trẻ. Không ít bạn trẻ chỉ thích ngồi đối diện với màn hình máy tính, điện thoại thay vì lựa chọn tham gia các hoạt động ngoài trời.

Nhiều bệnh tật khi về già

Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương phát biểu với báo chí: Việt Nam đang là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Người cao tuổi Việt Nam mắc rất nhiều bệnh. Mỗi người trung bình chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh tật phối hợp.

Với người trên 60 tuổi, bình quân mắc 3-4 bệnh; người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh. Một trong những nguyên nhân của việc người cao tuổi mắc nhiều bệnh là khi trẻ chưa quan tâm đến sức khỏe, tập thể dục, dẫn đến mắc nhiều bệnh khi về già.

Tuổi thọ trung bình chung của cả nước năm 2023 là 73,7 tuổi, tuy nhiên, thực tế có thể nhìn thấy đa phần khi qua tuổi 60, sức khỏe của nhiều người đã giảm sút. Ngày trẻ, bà Nguyễn Thị Tuyết (phường 2, TP Tuy Hòa) vì công việc nhiều, con cái còn nhỏ nên không có thời gian quan tâm đến sức khỏe. Khi bước qua tuổi 50, sức khỏe xuống dốc trầm trọng, đến 60 phải sống chung với bệnh triền miên.

“Chỉ cần chuyển mùa, trở trời là xương khớp đau nhức, mũi bị viêm xoang, khó thở, huyết áp, mất ngủ… Tôi đã tìm đến lớp yoga và tập luyện hằng ngày. Đến nay, sau hơn 1 năm, tôi thấy sức khỏe cải thiện rõ rệt”, bà Tuyết nói.

Ở phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa, vợ chồng ông Nguyễn Phương Nam đang ở độ tuổi 70 nhưng mắc nhiều bệnh và không làm được việc đồng áng từ hơn 10 năm trước. Cứ mỗi tháng vợ chồng ông luân phiên đi bệnh viện một lần không vì bệnh này thì cũng bệnh khác. Lần gần nhất, ông Nam vừa có đợt điều trị bệnh tim ở TP Hồ Chí Minh với chi phí hơn 100 triệu đồng và mỗi tháng phải tái khám định kỳ. Vợ chồng ông Nam chỉ là nông dân, không có tích lũy nên các con phải cùng nhau gánh vác.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Trưởng phòng Dân số (Sở Y tế) cho biết, những nghiên cứu từ các tài liệu y khoa cho thấy, việc tập thể dục giúp làm chậm quá trình lão hóa; cơ, xương khớp khỏe; tăng cường sức đề kháng, cũng như làm giảm các nguy cơ mắc các bệnh khác trong cơ thể và tăng thêm tuổi thọ.

Dù vậy, tập thể dục cũng cần đúng cách như: Lựa chọn đúng thời điểm tập, lựa chọn môn tập phù hợp theo lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Trước khi tập thể dục, không được ăn no, không uống nhiều nước và cần khởi động, làm nóng cơ thể từ 5-10 phút để tránh chấn thương. Bên cạnh luyện tập, cần bổ sung đủ dinh dưỡng, vitamin, rau và khoáng chất cho cơ thể…

Tập luyện thể thao không chỉ mang lại sức khỏe mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người. Người trẻ hay người cao tuổi đều cần tập luyện đúng cách cũng như kết hợp chế độ ăn uống phù hợp để quá trình tập luyện đạt kết quả tốt.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Trưởng phòng Dân số, Sở Y tế Phú Yên

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/88/312240/the-duc-khi-tre-suc-khoe-ve-gia.html