'The Falcon and the Winter Soldier' khép lại với Captain America mới

Tập cuối mini-series đình đám có cái kết đẹp dành cho nhân vật chính, nhưng chưa thực sự thành công với cú twist lớn cuối mùa.

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Người hùng mới của nước Mỹ

Ra mắt từ tháng 3 với kinh phí lên đến 150 triệu USD, The Falcon and the Winter Soldier nối dài chuỗi thành công của Vũ trụ Điện ảnh Marvel về số người xem lẫn chất lượng. Tập 6 phát sóng hôm 23/4 trên Disney+ đã khép lại mini-series với nhiều diễn biến quan trọng.

Sau hàng loạt trắc trở, Sam Wilson (Anthony Mackie) đã đủ tự tin để trở thành Captain America kế tiếp. Với bộ trang phục mới, anh cùng Bucky (Sebastian Stan), John Walker (Wyatt Russell) và Sharon Carter (Emily VanCamp) đến New York để ngăn chặn nhóm Flag Smashers.

Sự quả cảm, lối đánh cẩn thận của Sam giúp anh chiếm được cảm tình công chúng. Cả Bucky lẫn John cũng lập công, xóa đi giả thuyết rằng John Walker sẽ trở thành một trong các vai phản diện ở tập cuối.

 Trang phục “Captain America” của Sam Wilson.

Trang phục “Captain America” của Sam Wilson.

Anthony Mackie có diễn xuất ấn tượng trong cảnh Sam lý luận với các quan chức GRC (tổ chức lo cho người tị nạn sau trận đại chiến giữa Avengers với Thanos). Nhân vật lên án sự quá trớn trong lời lẽ của tổ chức này khi gọi người chống đối là khủng bố, cũng như lạm dụng súng ống và chưa hoàn thành nhiệm vụ giúp người dân.

Hành động thiếu nhạy cảm của GRC góp phần tạo ra phản kháng, gây nên nhiều đau thương cho hai phía.

Pha lật mặt thiếu kịch tính

Cú twist của loạt phim là việc cựu đặc vụ Sharon Carter chính là Power Broker - kẻ đứng sau nhóm Flag Smashers. Sau quãng thời gian khắc nghiệt, Sharon giờ chai sạn, muốn báo thù nước Mỹ do từng xem cô như tội phạm. Một loạt tình tiết chiến đấu dẫn đến việc người biết bí mật này bị giết, còn Sharon tạm che giấu được thân phận.

Vai trò của Sharon Carter thực ra đã được nhiều khán giả đoán trúng từ tập 3, với chỉ dấu khá lộ khi nhan đề tập phim là Power Broker và cũng là lần đầu cô xuất hiện trong mini-series. Một tình tiết ở tập 5 cũng đã hé mở động cơ của người từng mang biệt danh Agent 13.

Thân phận của Sharon Carter khá dễ đoán.

Cú twist ở tập cuối do đó không còn nhiều bất ngờ, đồng thời diễn xuất của Emily VanCamp chưa đủ sắc sảo cho vai diễn hai mặt. Dù vậy, nhân vật hứa hẹn được phát triển trong tương lai. Ở cuối phim, cô được tha bổng và quay về phục vụ cho CIA, tức có thể tiếp cận nhiều công nghệ hiện đại cho mưu đồ của riêng mình.

Cũng như WandaVision, mini-series này của Marvel kết thúc còn an toàn, ban cái kết đẹp cho các nhân vật đến mức lý tưởng hóa. Chưa có nhiều điểm nhấn hay tình tiết cảm xúc đủ mạnh để nâng tầm tác phẩm.

Hành trình cảm xúc của The Winter Soldier bị lu mờ so với Falcon, hơi lãng phí đất diễn của nhân vật. Có lẽ Marvel Studios - dưới sự lãnh đạo của Kevin Feige - vẫn chỉ muốn dùng các mini-series như mắt xích kết nối tình tiết Vũ trụ Điện ảnh Marvel, còn những điều hấp dẫn hơn sẽ nằm ở phim chiếu rạp.

Điểm mạnh về hành động và John Walker

Dù vậy, điểm nổi trội của mini-series lần này là các cảnh hành động đã mắt, giống như “đại tiệc” cho các fan mê lối đánh trong Captain America: The Winter Soldier (2014). Mỗi tập đều có những màn chiến đấu lôi cuốn người xem, như cuộc tập kích trên không ở tập đầu, cảnh “hai đánh một” trong tập năm gợi nhớ đến Captain America: Civil War (2016)...

Ở tập cuối, cách Captain America mới phối hợp khiên, cánh, bộ đồ bay và Redwing (thiết bị bay tự hành của Sam) tạo ra nhiều combo đẹp mắt. Lối đánh hấp dẫn này nhiều khả năng còn được tái hiện trong phim điện ảnh, khi Sam giờ trở thành trụ cột của nhóm người hùng Trái Đất.

Những ý tưởng hay nhất của mini-series nằm ở khoảng giữa mùa, xoay quanh nhân vật John Walker. Vốn là một quân nhân kiểu mẫu, Walker bị khoác lên tấm áo quá rộng là kế thừa Captain America.

John Walker là nhân vật thú vị của mini-series.

Khác với Steve Rogers - người tham chiến trong Thế chiến II, nơi Mỹ được xem là tương đối chính nghĩa, John Walker lớn lên trong thế giới phức tạp hơn. Những cuộc chiến của người Mỹ bao năm qua bị đặt câu hỏi về mặt đạo đức. Còn John chỉ giống như quân cờ, bị đẩy đến chỗ uất ức không hiểu tại sao đã làm đúng mọi điều được giao mà vẫn bị trừng phạt.

Việc John Walker hung hăng giết người, rồi cầm chiếc khiên vấy máu là ẩn dụ cho thất bại của nỗ lực cố gắng đồng hóa đến từ chính phủ Mỹ và hình tượng Captain America. Khi Sam trở thành Captain America, anh đại diện cho các phẩm chất tốt đẹp, chứ không phải chính quyền. Một điểm khá tinh tế của kịch bản là không biến “Captain America hụt” John Walker thành kẻ phản diện trong tập cuối, như con đường quen thuộc trong một số phim khác.

John thật ra là một nhân vật có ý định tốt, nhưng lại là bi kịch của chính ý định đó lẫn môi trường tạo ra anh. Trái với những vai rõ thiện - ác như Sam Wilson hay Bucky Barnes, John Walker là “nhân tố bí ẩn” của loạt phim, khiến người xem tò mò với hành trình của anh.

Việc mời Wyatt Russell vào vai cũng là một thành công của mini-series. Khuôn mặt tài tử sinh năm 1986 có thể dễ dàng chuyển hóa từ vẻ dũng cảm, gai góc sang khó ưa, nên rất phù hợp nhân vật.

Sau hai mini-series gần như liên tục từ đầu năm nay, Marvel Studios sẽ tạm nghỉ ngơi hai tháng, trước khi nối tiếp bằng Loki (phát sóng từ 11/6). Lần này, họ sẽ giới thiệu một vũ trụ song song, nơi Loki trốn thoát khỏi các thành viên nhóm Avengers sau sự kiện trong Endgame.

Ân Nguyễn

Ảnh: Disney

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-falcon-and-the-winter-soldier-khep-lai-voi-captain-america-moi-post1207975.html