Thế giới biến ảo trong tác phẩm của Haruki Murakami

Thế giới Haruki Murakami tạo ra càng kỳ lạ, càng tiệm cận hơn với đời sống con người đương đại

Nếu phải chọn một nhà văn đại diện cho 20 năm vừa qua, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Haruki Murakami.

Bìa sách tiểu thuyết “1Q84” của ông xuất bản tại Việt Nam

Bìa sách tiểu thuyết “1Q84” của ông xuất bản tại Việt Nam

Hiện tượng văn học cả khi tuổi "cổ lai hy"

Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của ông được xuất bản năm 2017, "Kishidanchō-goroshi" (có thể tạm dịch: Giết tên chỉ huy). Trong lần in đầu tiên ở Nhật, cuốn này đã bán được hơn 1,3 triệu bản, một con số đáng mơ ước đối với bất kỳ nhà văn nào trên thế giới, bất chấp những thông tin ít ỏi được hé lộ trước cho độc giả.

Từ lâu, Haruki Murakami đã trở thành một hiện tượng. Sách của ông được dịch ra hàng chục thứ tiếng, bán hàng triệu bản. Mỗi lần ông ra mắt tác phẩm mới đều trở thành một sự kiện được đón đợi. Hễ một tác phẩm của ông ra đời, lập tức các bản nhạc, bài hát ông nhắc đến trong sách sẽ trở nên phổ biến trở lại, nhà xuất bản cũng tái bản các cuốn sách mà các nhân vật của ông đọc. Murakami từ một nhà văn được ưu ái đã trở thành nhân vật đại chúng, có sức ảnh hưởng như các ngôi sao ca nhạc.

Khi bộ tiểu thuyết "1Q84" của ông ra đời, hiệu ứng tương tự cũng xuất hiện. Với ba tập sách, độ dày trên ngàn trang, đây có thể coi là tác phẩm đồ sộ nhất cũng là tác phẩm tham vọng nhất của Murakami khi muốn thu hết thế giới con người vào trong ánh nhìn kỳ ảo, diễn ra vào những ngày bất thường của năm 1984 mà nhân vật của ông gọi là "1Q84". Một thế giới mang theo gánh nặng của câu hỏi về sự tồn tại của con người hiện đại, đầy hoài nghi vào bản thân, về thế giới. Khi chủ nghĩa anh hùng đã chết, niềm tin tinh thần bị rạn vỡ, chỉ còn những cá nhân bơ vơ dấn thân vào thứ hư vô không định trước.

Tuy nhiên, "1Q84" dù đồ sộ vẫn giống như một tác phẩm dang dở, với những dự phóng chưa thể đi đến tận cùng, nhiều chi tiết vẫn còn bỏ ngỏ, nhiều nhân vật vẫn chỉ là chiếc bóng mờ không được khai thác triệt để. Có lẽ Murakami cần viết thêm một tập nữa mới mong giải quyết rốt ráo hết những gì ông đã giăng mắc ra.

Đọc văn ông bao giờ cũng vậy, như rơi vào lưới nhện, lạc lối trong những mê cung mà ông xây nên. Nhưng có cảm giác như ông đã viết ra chúng một cách dễ dàng, như những khúc jazz ngẫu hứng cứ thế tuôn chảy. Thế giới của ông không bao giờ vắng bóng những điều kỳ lạ, từ bầu trời có hai mặt trăng, mưa cá, mèo nói chuyện đến xuất hồn, các thế giới song song. Đối với Murakami, không có sự duy nhất hay tuyệt đối, thế giới đầy biến ảo và lúc nào cũng gần như có một chiều không gian khác đồng hiện với thế giới mà ta đang sống.

Nhà văn Haruki Murakami

Gương mặt văn học tiêu biểu của thế kỷ

Các nhà văn Nhật Bản cho rằng ông quá Tây phương. Đáp lời, ông khẳng định mình là nhà văn Nhật trăm phần trăm, vì những tiểu thuyết viết bằng tiếng Nhật, và nước Nhật ông miêu tả trong truyện được miêu tả cũng giống Nhật Bản hiện đại, đã Âu hóa và Tây hơn cả nhiều nước phương Tây. Tuy vậy, các ý tưởng trong truyện của ông, nhiều chỗ xuất phát từ các truyền thuyết dân gian, các truyện quán đàm, hay cái cảm thức u hoài, niềm bi cảm trước cái đẹp, đi vào văn chương ông với một dáng dấp hiện đại, cùng nỗi băn khoăn hiện đại, tạo nên dư ba dài lâu.

Chính điều này cũng là một trong những nguyên do cản trở con đường đi đến giải Nobel của ông. Văn chương của ông bất chấp những phức tạp của cốt truyện đan xen hay đầy rẫy những biểu tượng, nó vẫn thuộc về đại chúng và được đại chúng chấp nhận. Haruki Murakami là nhà văn hiếm hoi hưởng may mắn được người đương thời công nhận khi còn tại thế; kiếm sống được bằng ngòi bút của mình, dù ông bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn rằng không biết thu nhập của mình là bao nhiêu.

Người ta cứ nhắc đi nhắc lại rằng Murakami chỉ cần một giải Nobel nữa thôi để sự nghiệp của ông trở nên hoàn hảo, để có thể "kết thúc". Nhưng có lẽ chính ông cũng lờ mờ nhận ra sự bất toàn của cuộc đời này. Không có một nhân vật nào hoàn hảo được ông tạo ra, dẫu ông từng viết một truyện ngắn có tên "Cô gái trăm phần trăm hoàn hảo".

Gần như ẩn dật, những lần xuất hiện hiếm hoi, hay những bài phát biểu của ông, cho thấy một con người thính nhạy trước những sự kiện trên thế giới: khủng hoảng hạt nhân, vấn đề nhập cư, hay hôn nhân đồng giới… Tất cả những vấn đề đó đi vào văn chương ông dưới dáng vẻ của những biểu tượng. Cái thế giới ông tạo ra càng kỳ lạ, nó càng tiệm cận hơn với đời sống con người đương đại. Bởi thế, cho dù suốt nhiều năm liền Murakami gần như lặp lại mình với những mô-típ quen thuộc thì thứ văn chương của ông vẫn tươi mới, sống động, bầu bạn cùng những con người ngày nay.

Chăm chỉ sáng tác

Hơn một thập niên liên tục được dự đoán là nhà văn sẽ đoạt giải Nobel Văn chương nhưng rồi trượt giải, nếu có một giải thưởng cho sự bền bỉ đợi chờ này, chắc hẳn nó sẽ được trao cho những người hâm mộ nhà văn Haruki Murakami.

Sinh ngày 12-1-1949, năm ngoái ông vừa bước vào tuổi 70, cái tuổi mà theo quan niệm Á Đông là "xưa nay hiếm". Tuy vậy, sống ở một đất nước có mật độ dân số già như Nhật Bản, nơi nhiều người cao tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, độc giả hy vọng rằng sang độ tuổi mới, những sáng tác của ông ngày càng tinh luyện hơn.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/the-gioi-bien-ao-trong-tac-pham-cua-haruki-murakami-20200103201501097.htm