Thế giới cần chung tay cứu hệ sinh thái

Do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm môi trường cũng như nạn phá rừng, săn bắn trộm động vật hoang dã, thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ các loài từ động vật đến thực vật bị tuyệt chủng hàng loạt. Trong bối cảnh này, việc bảo vệ hệ sinh thái trên Trái Đất chưa bao giờ trở nên cấp thiết như hiện nay.

Theo kế hoạch cứu hệ sinh thái vào năm 2030 của Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 13-1, 30% diện tích đất liền và biển trên Trái Đất sẽ trở thành khu vực được bảo vệ vào năm 2030 nhằm bảo đảm khả năng sinh tồn của hệ sinh thái vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với nhân loại. Con số đề xuất trên sẽ được thảo luận tại các cuộc đàm phán của LHQ. Đây sẽ là một tiến trình tương tự với tiến trình đàm phán để đạt được Hiệp định Paris 2015 về BĐKH. Kế hoạch này cũng kêu gọi đề ra các giải pháp ứng phó với BĐKH dựa trên cơ sở bảo tồn tự nhiên như tái trồng rừng, bảo vệ các vùng đầm lầy và tái tạo đất. Ngoài ra, kế hoạch cũng đề xuất giảm 50% sự sinh sôi của các loài xâm lấn, tình trạng ô nhiễm do thuốc trừ sâu và rác thải nhựa gây ra vào năm 2030.

Kế hoạch trên của LHQ đã nhận được sự hoan nghênh của giới chuyên gia và các nhà môi trường học trên thế giới. Hiện nay, thế giới đang đối mặt với sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài từ động vật đến thực vật. Sự biến mất nhanh chóng và với tốc độ chưa từng thấy của các quần thể động, thực vật hoang dã có liên quan trực tiếp đến BĐKH, nạn phá rừng, buôn lậu và săn bắn trộm, canh tác nông nghiệp thiếu bền vững và ô nhiễm. Đặc biệt, tình trạng BĐKH hiện nay càng đẩy nhanh tốc độ “biến mất” của các loài. Trong báo cáo với tiêu đề "Tình trạng tự nhiên" hồi năm ngoái, LHQ cảnh báo 1 triệu loài động, thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng mà thủ phạm chính là con người. Thậm chí trong những thập kỷ gần đây, loài người hiện đại đã ăn, săn bắn và đầu độc nhiều loài tới bờ vực của quên lãng và đẩy các loài khác đến bờ tuyệt chủng.

 Cây cối bị thiêu rụi trong những đám cháy rừng gần vịnh Batemans, Australia. Ảnh: Reuters.

Cây cối bị thiêu rụi trong những đám cháy rừng gần vịnh Batemans, Australia. Ảnh: Reuters.

Đây là một xu hướng cần phải được nhanh chóng ngăn chặn. Bởi tất cả các loài, bao gồm cả động vật và thực vật, đều có vai trò quan trọng. Tất cả các loài trên hành tinh này có một vị trí độc nhất trong chuỗi thức ăn, đóng góp cho hệ sinh thái theo cách riêng của nó. Nếu hệ sinh thái bị mất cân bằng, khả năng duy trì và đáp ứng nhu cầu các loài, trong đó bao gồm cả con người, sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Tại Trung Quốc, để bảo vệ đa dạng sinh học tại sông Dương Tử, Bắc Kinh đã có các biện pháp mạnh tay xử lý đối tượng gây ô nhiễm môi trường dọc vành đai kinh tế con sông này. Theo một quan chức cấp cao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (SPP) Trung Quốc, các viện kiểm sát trong khu vực gồm 11 tỉnh dọc Vành đai kinh tế sông Dương Tử đã buộc tội 22.310 người tình nghi phá hoại tài nguyên môi trường năm 2019, tăng hơn 20% so với năm 2018. Trong khi đó, 7.084 đối tượng khác bị bắt giữ cũng với cáo buộc trên, tăng 43% so với năm 2018. Trước đó, theo Tân Hoa xã, kể từ ngày 1-1, Trung Quốc chính thức thực thi lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm tại các khu vực chủ chốt trên sông Dương Tử. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề nông thôn Trung Quốc Vu Khang Chấn cho biết, nhà chức trách sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ các loài quý hiếm, tăng cường giám sát hệ thủy sinh trên sông Dương Tử, cũng như cải thiện các chiến lược bảo tồn và quản lý phù hợp với các tiến trình khôi phục nguồn tài nguyên sinh vật.

Theo các chuyên gia, tình trạng Trái Đất ấm lên cũng bắt đầu gây ra hậu quả nghiêm trọng vượt xa dự báo của con người. Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học của Anh đã đưa ra lời cảnh báo thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ xảy ra thường xuyên các vụ cháy rừng quy mô tương tự những vụ cháy rừng ở Australia nếu các nước không gấp rút cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vốn làm đẩy nhanh tốc độ ấm lên của Trái Đất. Thảm họa cháy rừng khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử Australia gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cũng như tàn phá hệ sinh thái. Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố nước này sẽ dành một khoản tài trợ lên đến 50 triệu AUD (tương đương 34 triệu USD) để chi cho các hoạt động phục hồi môi trường và các nhóm động vật hoang dã bị ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng cháy rừng kéo dài gần hai tháng qua.

Sự mất đa dạng sinh học tác động trực tiếp tới con người do con người lệ thuộc rất lớn vào thiên nhiên. Do đó, bảo vệ các loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng cũng chính là con người đang tự bảo vệ mình khỏi những thảm họa trong tương lai.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-can-chung-tay-cuu-he-sinh-thai-607782